1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Nghệ An:

Khốn khổ với nước thải của hàng chục xưởng đá

(Dân trí) - Nhiều năm nay, hàng trăm hộ dân ở xã Thọ Hợp, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An phải hứng chịu hàng trăm ngàn m3 nước thải của các cơ sở chế biến đá cụm công nghiệp Châu Lộc xả thẳng ra môi trường.

Tại xóm Mới, xã Châu Lộc (huyện Quỳ Hợp, Nghệ An), trên một khu đất rộng gần 10 ha có tới 12 cơ sở xưởng chế biến đá đang hoạt động. Qua quan sát chung có thể thấy tất cả các cơ sở đều vi phạm quy định về vệ sinh môi trường. Hàng ngày các cơ sở này xả ra hàng chục nghìn m3 nước thải độc hại chưa qua xử lý khiến sông suối đều bị ô nhiễm nghiêm trọng, cuộc sống của nhân dân bị đảo lộn.
 
Khốn khổ với nước thải của hàng chục xưởng đá
Nước thải kèm theo bột đá từ các nhà xưởng ngang nhiên thải ra lòng khe.

Ông Lô Văn Thu, xóm Mới, bức xúc: "Doanh nghiệp làm được 6-7 năm rồi nhưng tiếng máy móc ồn ào lắm, con cháu học không được. Đặc biệt là nguồn nước đã bị ô nhiễm nghiêm trọng, bột đá cũng làm bồi lấp lòng khe, làm hẹp khe hết rồi".

Người dân cũng cho biết các xưởng làm đá làm việc tới tận nửa đêm, đổ đá ầm ầm, người dân không thể ngủ nghỉ, học sinh cũng khó học bài.

DNTN Long Dinh có 20 công nhân làm việc với 8 máy cưa đá công suất lớn. Đơn vị này dù có hệ thống lắng lọc nhưng hết sức sơ sài, như thể "có cho vui" chứ hầu như không có tác dụng. Hố lắng lọc đắp sơ sài bằng đất, đá thải, bờ thấp nên một lượng nước thải với màu đen trắng của đá xẻ cứ thế mà tuồn thẳng ra mương, chảy xuống khe.

Tương tự, xưởng xẻ của DNTN Hoàng Hùng có 3 bể lắng lọc nhưng chỉ xây rồi bỏ đó vì lượng nước thải gần như không qua hệ thống lắng lọc mà chảy riêng theo một mương khác tuồn ra khe. Tệ hại hơn là Cty Phúc Lộc Sơn cứ vô tư xả thẳng ra môi trường, không hề có các bể lắng lọc xử lý nước thải. Không chỉ xả nước thải ra khe, doanh nghiệp này còn ngang nhiên đổ các chất thải rắn lấn chiếm lòng khe, gây ô nhiễm trầm trọng.
 
Ông Võ Xuân Ngũ, Bí thư xóm Cầu Đá, xã Châu Lộc, cho biết trước đây lòng khe rất rộng, nguồn nước cho bà con sinh hoạt thoải mái. Qua phát triển sản xuất, các xưởng ít nhiều có lấn chiếm lòng khe và khe ngày càng bị thu hẹp, nước bị tắc... Hiện nay nước sinh hoạt không có, ảnh hướng rất lớn đến sản xuất chăn nuôi, môi trường bị ô nhiễm nặng. Theo ông Ngũ, đã có nhiều đoàn thanh tra về làm việc nhưng rồi lại đâu vào đấy, chỉ như "ném đá ao bèo".
 
Trao đổi với chính quyền sở tại, chúng tôi còn được biết tất cả các cơ sở này điều chưa có thủ tục giấy tờ hợp pháp, vùng quy hoạch vẫn đang bị treo... Vấn đề vẫn đang được cơ quan chức năng giải quyết (!)
 
Ông Sầm Văn Cường, Chủ tịch UBND xã Châu Lộc, trao đổi: "Nơi này đang là một trong những trăn trở của cấp uỷ đảng chính quyền và cả nhân dân. Chúng tôi đã nhiều lần đề nghị một số cơ sơ quan chức năng, các ngành cấp trên, cụ thể là Phòng Công thương huyện Quỳ Hợp trực tiếp chỉ đạo việc này. Chúng tôi cũng đã tiếp cận các hồ sơ làm quy hoạch, đến bây giờ đang trên đường triển khai...".
 
Một số hình ảnh ghi nhận tại các mỏ đá Quỳ Hợp:
 
Khốn khổ với nước thải của hàng chục xưởng đá
Nhiều doanh nghiệp ở cụm công nghiệp Châu Lộc chưa hề có bể lắng lọc, xử lý nước thải. 
 
Khốn khổ với nước thải của hàng chục xưởng đá
Lòng khe Châu Lộc luôn có hai dòng trong - đục như thế này. 
Khốn khổ với nước thải của hàng chục xưởng đá
 
Khốn khổ với nước thải của hàng chục xưởng đá
Nước thải từ xưởng đá của DNTN Long Dinh được xả thẳng ra lòng khe.  
 
Huy Nhâm - Nguyễn Duy