1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Khẩu trang: Lợi bất cập hại

Theo một số liệu do Bộ Y tế công bố, ở Việt Nam, tỷ lệ người chết hàng năm do mắc các bệnh đường hô hấp cao xấp xỉ tỷ lệ người chết do tai nạn giao thông. Và con người đã sử dụng khẩu trang làm vũ khí để phòng tránh bệnh đường hô hấp.

Khẩu trang thời ô nhiễm

 

Một nghiên cứu của Chi cục Bảo vệ môi trường kết hợp với Viện Môi trường và Tài nguyên môi trường thực hiện (đầu năm 2007) cho kết quả: Không khí tại TPHCM đã ô nhiễm nghiêm trọng. Nồng độ bụi vượt quá tiêu chuẩn cho phép từ 1,4 đến 3,3 lần; nồng độ chì cũng tăng cao hơn so với năm 2006...

 

Theo bác sĩ Lý Lệ Thanh, Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Trãi, người có tiếp xúc thời gian dài với không khí ô nhiễm sẽ bị mắc các bệnh hen suyễn, viêm phế quản, tâm phế mạn, dị ứng và có thể bị ung thư...

 

Nhiều năm về trước, để tránh nắng và bụi, người ta thường dùng một chiếc khăn mùi xoa buộc vòng từ trước mặt ra sau gáy. Nhưng nay ở Sài Gòn, có những người đi trên đường xài đến hai chiếc khẩu trang cùng một lúc.

 

Quảng cáo trên trời, chất lượng tù mù

 

Còn nhớ vài năm trước đây, khi dịch SARS, dịch cúm H5N1 xảy ra trên thế giới và Việt Nam, một số loại sản phẩm khẩu trang đã được quảng cáo là “chống độc”, sử dụng “vật liệu chống ô nhiễm công nghệ cao”... Tuy nhiên, những quảng cáo “trên trời” này sau đó đã bị ngành y tế phủ nhận vì qua kiểm định, kết quả chỉ ở mức “là là mặt đất”.

 

Bác sĩ Lý Lệ Thanh nhận xét: “Những loại khẩu trang thông thường chỉ có tác dụng tránh nắng và tránh những bụi bặm cỡ lớn”. Bà cho biết ngay tại Bệnh viện Nguyễn Trãi, dù các y, bác sĩ sử dụng loại khẩu trang chuyên dụng, chỉ dùng một lần nhưng mọi người cũng chỉ coi đây là một biện pháp ngăn ngừa vi khuẩn. “Để nói là đảm bảo an toàn thì không dám khẳng định” - bà Thanh nói.

 

Đánh giá về hiệu quả của khẩu trang, PGS-TS Phạm Văn Nho - khoa Vật lý, Đại học Khoa học tự nhiên Hà Nội cho biết: “Các loại khẩu trang vài lớp vải mọi người thường dùng là loại không có tác dụng. Ngay cả những loại khẩu trang y tế cũng chỉ có tác dụng lọc cơ học, tức là giữ lại các vật thể nhỏ ở trên bề mặt nên vi khuẩn vẫn sống”. Khả năng lọc cơ học này cũng có giới hạn. Vì vậy theo thời gian, khẩu trang sẽ mất dần khả năng bảo vệ người dùng.

 

Một công nhân làm việc tại một nhà máy sản xuất loại khẩu trang được quảng cáo là “chống độc” cho biết điểm khác biệt duy nhất giữa khẩu trang thường và khẩu trang “chống độc” là tấm than hoạt tính ACC màu đen. Thành phần chủ yếu là xác dừa (phần vỏ cứng, cũng giống thành phần với các loại than hoạt tính dùng để lọc nước trên thị trường) cùng một vài hóa chất khác. Tuy nhiên, tấm than này chỉ phát huy tác dụng tốt nhất từ ba đến sáu giờ sau khi tác dụng với không khí.

 

Coi chừng lợi bất cập hại

 

Bác sĩ Phạm Thị Ngọc Tuyết, Bệnh viện Nhi đồng 2, cho biết: “Khẩu trang là đồ dùng để che miệng và mũi, có tác dụng ngăn bụi bặm, chất độc. Ở vùng khí hậu lạnh, khẩu trang còn có chức năng chống rét. Nhưng nếu không sử dụng đúng cách, một chiếc khẩu trang dù xịn đến mấy cũng có thể nhiễm bẩn để thành một... ổ vi trùng”.

 

Theo bác sĩ Tuyết, nếu người sử dụng không thường xuyên giặt khẩu trang, phơi khô trước khi sử dụng lại (với loại thông thường) hoặc thay mới (với những loại có màng hoạt chất chống độc) thì những vi khuẩn tích tụ trên bề mặt khẩu trang sẽ trực tiếp đi qua đường miệng, đường mũi của người sử dụng vào bên trong cơ thể. Ngoài ra, khẩu trang bẩn còn có thể là tác nhân dẫn đến các bệnh ngoài da.

 

Bác sĩ Tuyết dí dỏm: “Tôi thấy nhiều người khi cởi khẩu trang ra thì nhét đại vô góc nào đó tùy thích, giống như cái giẻ rách, rồi khi cần lại móc ra đưa lên miệng. Cẩu thả như vậy thì thà không có còn hơn!”.

 

Bác sĩ Trần Văn Kim, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, nói: “Con người vốn đã phải sống trong bầu không khí ô nhiễm và thiếu hụt ôxy. Thêm chiếc khẩu trang bịt mũi, bịt mồm mình lại thì sẽ giảm khả năng thở, giảm sự đào thải, giảm sự trao đổi chất của cơ thể... Dù có là loại khẩu trang gì đi nữa thì cơ thể người đeo không mệt mới là lạ!”.

 

Đồng quan điểm với những ý kiến trên, một sỹ quan quân đội công tác trong ngành phòng hóa, chống độc nói: “Quảng cáo chiếc khẩu trang có tác dụng chống độc là hơi quá lố. Nếu có sử dụng lớp than hoạt tính, lớp than này cũng chỉ có tác dụng phần nào trong một thời gian nhất định”.

 

Theo Mai Minh

Pháp luật TPHCM