1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Khánh Hòa muốn phát triển du lịch biển ở đặc khu Bắc Vân Phong

(Dân trí) - Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa cho rằng, Bắc Vân Phong cần được phát triển “khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái biển” vì đây là nơi có lợi thế vượt trội về biển đảo, cảnh quan tự nhiên, khí hậu thuận lợi, vịnh biển kín gió…

Ngày 26/9, tại TP Nha Trang (Khánh Hòa), Ủy ban Pháp luật của Quốc hội phối hợp cùng Bộ KH&ĐT, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa tổ chức Hội nghị lấy ý kiến và tiếp xúc cử tri chuyên đề về dự án Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

Vịnh Vân Phong, Khánh Hòa là vịnh biển kín gió, nước sâu
Vịnh Vân Phong, Khánh Hòa là vịnh biển kín gió, nước sâu

Đặc khu đòi hỏi trình độ chuyên môn của cán bộ cao hơn

Ông Nguyễn Tấn Thoại, Chủ tịch HĐND huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa), nêu ý kiến rằng, khi hình thành đặc khu Bắc Vân Phong thì việc làm của cán bộ trên địa bàn hiện nay sẽ như thế nào?

“Không biết sắp tới cán bộ, đảng viên làm ở đâu, có được tiếp tục làm nữa hay không? Khi hình thành đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt thì chỗ ở, sản xuất, kinh doanh, đời sống và các lĩnh vực khác về dân sinh như thế nào? Phải nói là tâm tư, nguyện vọng này của nhân dân cũng rất chính đáng. Tôi cũng đề nghị Quốc hội nên có nghiên cứu, khảo sát kỹ vì có liên quan đến văn hóa, tập quán của địa phương và đặc thù của Bắc Vân Phong”, ông Thoại trăn trở.

Trong khi đó, ông Lê Đức Vinh, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, cho biết, tại điểm b, điều 4: Phát triển đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, dự thảo luật quy định Bắc Vân Phong được phát triển các ngành nghề, gồm: Công nghệ thông tin, điện tử, cơ khí chính xác, cảng biển hàng hóa và hành khách quốc tế, dịch vụ hậu cần cảng biển, thương mại, tài chính.

Ông Lê Đức Vinh, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa phát biểu tại Hội nghị, ngày 26/9
Ông Lê Đức Vinh, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa phát biểu tại Hội nghị, ngày 26/9

Về nội dung này, ông Lê Đức Vinh, cho rằng, Bắc Vân Phong có nhiều lợi thế về phát triển du lịch biển nên đề nghị bổ sung nội dung: “khu đô thị, khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái biển”. Lý do ông Vinh nêu ra là Bắc Vân Phong có lợi thế về biển đảo, cảnh quan, khí hậu thuận lợi, kín gió…

Đánh giá về tác động của đặc khu Bắc Vân Phong đến dân cư và cán bộ công chức hiện nay, ông Vinh nói: “Khi hình thành đặc khu mới thì cư dân ở khu vực này sẽ chuyển sang một trạng thái mới là cư dân của đặc khu chứ không phải cư dân của một đơn vị hành chính thông thường nữa. Do đó sẽ có tác động nhưng tôi cho rằng đó sẽ là tác động tốt vì với những chính sách ưu đãi này thì chắc chắn rằng, đời sống của cư dân trong đặc khu sẽ tốt hơn”.

Chủ tịch Khánh Hòa nhìn nhận, bộ máy của đặc khu sẽ đòi hỏi yêu cầu chuyên môn, trình độ của cán bộ cao hơn. “Trong số các anh em như vậy thì sẽ chọn lựa một số nhất định để phù hợp với điều kiện phát triển và số còn lại sẽ giải quyết các chế độ chính sách phù hợp để đảm bảo nguyện vọng của anh em cán bộ công chức, vừa đảm bảo các chính sách nếu mà nghỉ”, ông Vinh nói.

Chủ tịch Khánh Hòa cho biết, trong khả năng của mình, tỉnh sẽ xây dựng cơ chế, chính sách để báo cáo với TƯ về vấn đề nêu trên nhằm sớm đảm bảo, ổn định về kinh tế - xã hội.

Bắc Vân Phong có "phong cảnh tự nhiên trời ban"

Phó Chủ tịch Quốc hội - Uông Chu Lưu cho biết, Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt là một khuôn khổ pháp lý để tạo động lực thu hút các nhà đầu tư, tạo ra sự phát triển về kinh tế - xã hội. Nếu mọi việc suôn sẻ, dự kiến Quốc hội sẽ quyết định luật này tại kỳ họp thứ V (tháng 5/2018).

Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, đã là đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt thì phải có những cơ chế, chính sách, chế độ đặc biệt. Tuy nhiên, luật này phải dựa trên nguyên tắc là đảm bảo, phù hợp với Hiến Pháp, phù hợp với các công ước, điều ước, thỏa thuận quốc tế mà nước ta là thành viên.

Ông Uông Chu Lưu cũng cho rằng, nên phát triển du lịch biển ở Bắc Vân Phong vì có nhiều thuận lợi. “Nói ở Bắc Vân Phong không được phát triển du lịch thì cũng không đúng. Bởi vì khí hậu như thế, địa lý như thế, phong cảnh tự nhiên trời ban như thế… mà không cho phát triển du lịch sinh thái thì cũng không được”, ông Uông Chu Lưu phân tích.

Phó Chủ tịch Quốc hội - Uông Chu Lưu chủ trì buổi lấy kiến về dự án Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt
Phó Chủ tịch Quốc hội - Uông Chu Lưu chủ trì buổi lấy kiến về dự án Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt

Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, mô hình tổ chức chính quyền ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, bao gồm: cơ quan hành chính, cơ quan tư pháp, các cơ quan khác của nhà nước….tuân thủ quy định của Hiến Pháp.

“Tôi chia sẻ với các đồng chí, đây là vấn đề khó, vấn đề mới, phức tạp. Ví dụ như chính quyền địa phương, tôi nói là muốn gì thì gì, chúng ta phải tuân thủ quy định của Hiến Pháp”, ông Lưu nói.

Về ý kiến của đại diện huyện Vạn Ninh, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, cần có phương án về việc sắp xếp, bố trí các cơ quan chuyên môn của HĐND, UBND cấp huyện, cấp xã ở các đặc khu.

“Bây giờ hàng nghìn người phải sắp xếp, chuyển đổi lại. Cái đấy là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương phải làm”, Phó Chủ tịch Quốc hội nói và lưu ý cần bố trí những người có trình độ, kinh nghiệm, ngoại ngữ để giải quyết các vấn đề tư pháp liên quan tới đặc khu.

Theo UBND tỉnh Khánh Hòa, tỉnh này đang nghiên cứu, xây dựng phương án thành lập Đặc khu hành chính – kinh tế Bắc vân Phong trên cơ sơ toàn bộ diện tích huyện Vạn Ninh. Cụ thể: diện tích khoảng 111.000 ha (bao gồm mặt đất 56.000 ha, còn lại mặt nước). Số đơn vị hành chính: 1 thị trấn và 12 xã, với dân số hơn 131.000 người (234 người/km2).

Viết Hảo