1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Khai mạc Hội nghị Thủ tướng gặp doanh nghiệp

(Dân trí) - Sáng nay (09/02), Hội nghị Thủ tướng gặp mặt doanh nghiệp đã khai mạc tại Hà Nội. Đây là sự kiện được cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trông đợi từ lâu và được đánh giá là một “Hội nghị Diên Hồng” về đổi mới doanh nghiệp Việt Nam.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết: Sau Hội nghị này chắc chắn cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam sẽ có những thay đổi đáng kể bởi hầu hết ý kiến của các doanh nghịêp sẽ được chuyển đến Thủ tướng.

Ông Lộc cho rằng, tình hình phát triển doanh nghiệp trong năm 2005 là tín hiệu đáng mừng tạo đà cho các bước phát triển tiếp theo trong năm 2006. Theo thống kê của VCCI, trong năm 2005 có trên 60% doanh nghiệp tăng trưởng khá về doanh thu, nhiều doanh nghiệp tăng trên 10%.

Hội nghị này cũng nhằm xây dựng một cộng đồng doanh nghiệp đủ mạnh và xứng tầm với bạn bè quốc tế, đủ sức cạnh tranh với các doanh nghiệp và tập đoàn nước ngoài.

Để thực hiện được mục tiêu này, theo ông Vũ Tiên Lộc, trước mắt Ban đổi mới doanh nghiệp và VCCI phải xây dựng một chương trình mang tầm chiến lược quốc gia và về phát triển doanh nghiệp.

“Phải cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường kinh doanh. Cải cách triệt để các thủ tục hành chính rườm rà để giảm chi phí giao dịch và bài trừ nạn nhũng nhiễu doanh nghiệp. Nhà nước và Chính phủ sẽ góp phần định hướng và quản lý doanh nghiệp về mặt hành chính chứ không can thiệp sâu vào hoạt động của các đơn vị này.” - ông Lộc nhấn mạnh.

Phần phát biểu của Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển đã khiến nhiều doanh nhân trong hội trường cười rộ lên bởi những ý kiến độc đáo. Dường như những thành công mới đây trong các phiên đàm phán gia nhập WTO của Việt Nam đã khiến bộ trưởng Tuyển thoải mái hơn khi cùng Thủ tướng đối thoại cùng các doanh nghiệp.

Trước hàng trăm doanh nghiệp, ông Tuyển cho biết, Việt Nam đang trước ngưỡng cửa của cơ hội vàng và không ít thách thức đen: “Cơ hội sẽ vĩnh viễn ra đi nếu chúng ta không nắm bắt được nó, cơ hội chỉ có thể biến thành vật chất thông qua hành động cụ thể. Còn thách thức, đó là cuộc cạnh tranh khốc liệt với hàng hóa và doanh nghiệp nước ngoài.”

Ông Tuyển cho biết, trong thời gian không xa, khi Việt Nam hội nhập hoàn toàn với nền kinh tế thế giới, những bất bình đẳng và phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp sẽ dần được triệt tiêu. Các doanh nghiệp Việt Nam sẽ đối diện với môi trường cạnh tranh sòng phẳng và bình đẳng trước các doanh nghiệp nước ngoài.

Theo ý kiến của Bộ trưởng Trương Đình Tuyển, một thách thức không nhỏ đối với doanh nghiệp Việt Nam hiện nay là sự độc quyền của một số doanh nghiệp được bảo hộ. Các doanh nghiệp độc quyền sẽ tạo ra giá độc quyền, hiện nay chi phí về điện, viễn thông và lãi suất ngân hàng là một trong những nguyên nhân khiến chi phí giao dịch của doanh nghiệp cao hơn so với các doanh nghiệp nước ngoài.

“Tôi ngạc nhiên vì thông tin một giám đốc chi nhánh ngân hàng lĩnh thưởng tết những 250 triệu đồng. Khoản đó lấy đâu ra nếu không phải từ lãi suất ngân hàng, từ giá cả độc quyền?” ông Tuyển bộc bạch.

Bàn về đổi mới doanh nghiệp Nhà nước và thúc đẩy cổ phần hóa, Bộ trưởng Trương Đình Tuyển đưa ra 2 sự so sánh: “Tư duy mạnh hơn kinh nghiệm và Quy mô không bằng tốc độ”. Vì vậy, cần phải đổi mới tư duy liên tục và có một chiến lược thì trường tốt để nắm bắt ngay thời cơ khi nó xuất hiện.

Chiều nay, Hội nghị tiếp tục nghe các doanh nghiệp thảo luận và Thủ tướng Phan Văn Khải kết luận về những kế sách do cộng đồng doanh nghiệp đóng góp cho Chính phủ. Dân trí sẽ tiếp tục chuyển chuyển tải những thông tin quan trọng này.

Trần Đức