1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

JICA: “Mặt cầu Thăng Long hỏng do thi công”

(Dân trí) - “Nếu yếu tố kỹ thuật được tuân thủ nghiêm ngặt thì mặt cầu Thăng Long vừa sửa chữa đã không xảy ra sự cố. Mặt cầu Thăng Long hư hỏng, lỗi do thi công”.

JICA: “Mặt cầu Thăng Long hỏng do thi công” - 1
Sau sửa chữa, mặt cầu Thăng Long vẫn giữ nguyên hiện trạng hư hỏng!
 
Ông Hirotaka Kawano, chuyên gia của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) cho biết thông tin trên khi trao đổi với PV Dân trí bên lề Hội thảo Quốc tế về “Triển khai quản lý kết cấu hạ tầng đường bộ tại Việt Nam” diễn ra chiều 27/9, tại Hà Nội.
 
“Đối với dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long của Việt Nam, tôi không phải là chuyên gia kỹ thuật, tôi cũng không được đọc trực tiếp báo cáo khảo sát về nguyên nhân gây nứt mặt cầu Thăng Long nhưng với kinh nghiệm của mình tôi nhận thấy rõ ràng quá trình thi công nâng cấp có lỗi kỹ thuật thì mới gây ra nứt và hư hỏng trên diện rộng khi công trình này vừa thông xe được ít thời gian” - ông Kawano cho hay.
 

JICA là cơ quan hợp tác quốc tế của Nhật Bản, đơn vị này đã hợp tác và xây dựng nhiều công trình giao thông trong điểm trong hệ thống giao thông đường bộ ở Việt Nam như: Quốc lộ 5 từ Hà Nội đi Hải Phòng, Quốc lộ 18 nối Hà Nội - Hạ Long, Quốc lộ 3 Hà Nội - Thái Nguyên, cầu Cần Thơ, đường cao tốc TPHCM - Dầu Giây…

Theo ông Kawano: “Mỗi nước phải xây dựng hệ thống duy tu bảo trì đường bộ cho phù hợp với điều kiện tự nhiên, đặt biệt là đối với điều kiện khí hậu có những đặc thù như ở Việt Nam.
 
Tại Việt Nam, việc xây dựng mới đường bộ đang được ưu tiên hàng đầu, tuy nhiên việc duy tu, bảo dưỡng phải được thực hiện trên cơ sở có kế hoạch rõ ràng. Với cách làm hợp lý, những sự cố hư hỏng như cầu Thăng Long hiện nay sẽ khó xảy ra”.
 
Trước đó, như Dân trí đã đưa tin, gần 100 tỷ đồng cho dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long, sau gần 2 tháng thông xe mặt cầu được gọi là mới đã bị hư hỏng. Bộ GTVT xác định nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là do vật liệu SMA không dính bám, do thời tiết, do xe cộ…
 
Đã hơn nửa năm mặt cầu Thăng Long hư hỏng nhưng công tác khắc phục sự cố dường như không đồng bộ khi việc sửa chữa được thực hiện theo kiểu hỏng chỗ nào vá chỗ đó. Gần đây nhất là hình ảnh những “miếng vá” cẩu thả có diện tích từ 20 - 40 m2 được thi công vội khiến công trình tiền tỷ này càng thêm nham nhở.
 
Đại diện Bộ Giao thông - Vận tải cho biết, đó là sự khắc phục tạm thời để chờ vật liệu nhập về rồi chữa tiếp. Cũng theo thông tin từ Bộ này, việc sửa chữa buộc phải hoàn thành trước khi Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long khai mạc vào ngày 1/10, tuy nhiên đến chiều nay 28/9, hiện trạng hư hỏng của mặt cầu Thăng Long vẫn chưa... biến mất.
 
Trả lời PV Dân trí về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Công - Chánh Văn phòng Bộ Giao thông Vận tải (người phát ngôn) cho biết: “Vật liệu nhập ngoại đã về đến Việt Nam từ tối 26/9, nhưng 2 ngày qua do trời mưa nên không thể thi công được”.
 
“Việc sửa chữa phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết, vì vậy nếu không mưa thì mặt cầu Thăng Long sẽ được sửa chữa gấp rút và cố gắng hoàn thành trong đêm 30/9. Trường hợp Hà Nội vẫn có mưa như những ngày qua thì việc sửa chữa buộc phải lùi lại sau Đại lễ, chúng tôi sẽ tiếp tục cho “vá” tạm để đảm bảo sự lưu thông qua cầu Thăng Long” - ông Công khẳng định.
 
Quỳnh Anh