1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM "khát" cây xanh

Nghệ An:

Hơn 50 hộ dân vẫn "bám" lòng hồ thuỷ điện Bản Vẽ

(Dân trí) - Thời gian qua, với sự nỗ lực của nhà đầu tư cùng các cấp chính quyền, công tác di dân tái định cư công trình thuỷ điện Bản Vẽ đã đạt hơn 93% kế hoạch. Tuy nhiên hiện nay, vẫn còn 51 hộ dân chưa chịu di dời khỏi lòng hồ.

Hơn 50 hộ dân vẫn "bám" lòng hồ thuỷ điện Bản Vẽ - 1
Nước ngập một số hộ dựng bè trên sông sinh sống
 
Hơn 50 hộ dân vẫn "bám" lòng hồ thuỷ điện Bản Vẽ - 2
Số hộ khác thì di dời lên nơi cao hơn.
 
Ông Nguyễn Thọ Hà - Cán bộ Hội đồng đền bù, giải phóng mặt bằng huyện Tương Dương (Nghệ An) - cho biết, nguyên nhân chưa di dời là do chính sách bồi thường chưa thỏa đáng, nhân dân chờ tiền bồi thường đất do thu hồi, bao gồm đất dưới cao trình (ruộng, vườn, hoa màu) và trên cao trình (nương rẫy)…
Theo quyết định 34/2010 của Thủ tướng Chính phủ, đất trên cao trình của người dân vẫn được bồi thường nhưng đến thời điểm này, chủ đầu tư là Ban quản lý dự án thuỷ điện 2 vẫn chưa cung cấp số liệu nên việc tổng hợp để tiến hành áp giá chưa được hoàn thiện. Trong khi đó, UBND tỉnh cũng chưa có hướng dẫn cụ thể về việc thực hiện QĐ 34/2010/TTG của Thủ tướng Chính Phủ.
 
Thêm vào đó, dự án bắt đầu thực hiện từ năm 2003 đến nay các văn bản pháp luật thay đổi nhiều, các văn bản hướng dẫn thi hành có sự chồng chéo nhau nên quá trình thực hiện gặp nhiều khó khăn vướng mắc. Mặt khác điều kiện sinh hoạt của người dân khi về nơi ở mới như đất sản xuất, nước sạch…vẫn chưa thực sự đảm bảo. Chính vì vậy, nhiều hộ dân sau khi rời lòng hồ thủy điện Bản Vẽ xuống tại khu tái định cư Thanh Chương đã quay về quê cũ phát rẫy làm ăn làm ảnh hưởng không nhỏ đến tư tưởng của những người dân chưa kịp di dời tại khu vực lòng hồ.
 
Hơn 50 hộ dân vẫn "bám" lòng hồ thuỷ điện Bản Vẽ - 3
Cả người và trâu, bò sinh sống trên bè giữa mênh mông sông nước Nậm Nơn.

Một lí do nữa là nhiều hộ dân ban đầu đăng kí đi khu tái định cư Thanh Chương nhưng sau đó lại đổi ý muốn di dân tự do. Điều này không được chấp nhận vì các khu tái định cư đã tiến hành qui hoạch phân nhà, phân đất theo danh sách đã đăng kí. Nếu như bây giờ dân không đến ở sẽ kéo theo rất nhiều vấn đề. 

Anh Lương Văn Xuân - một hộ dân Chà Coong có trong danh sách di dời về khu tái định cư Thanh Sơn (Thanh Chương) - lý lẽ: “Ở quê mới đất sản xuất ít làm ăn khó khăn nên chúng tôi muốn ở lại đây thêm một thời gian để phát nương làm rẫy”. Cũng nằm trong diện di dời gia đình gồm 5 khẩu của chị Vy Thị Lý vẫn chưa chịu dời về nơi ở mới, hàng ngày xuống sông bắt cá, trồng khoai, trồng sắn trên đất cũ của mình. Chị Lý cho biết: “Bao giờ được đền bù thoả đáng dân chúng tôi sẽ đi…”.
 
Trả lời về trường hợp các hộ dân chưa chịu di dời ở bản Chà Coong, ông Nguyễn Quốc Toản - Phó trưởng ban quản lý Ban 2 (BQLDA thủy điện 2) cho biết: “Vấn đề đền bù ở bản Chà Coong cơ bản đã giải quyết hết, còn việc đã xây nhà, chia đất ở các khu tái định cư mà dân không chịu về ở là trách nhiệm của chính quyền”.
 
Để đảm bảo tiến độ di dân khỏi khu vực lòng hồ, thời gian qua, đảng bộ, chính quyền huyện Tương Dương đã tập trung huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc tham gia tuyên truyền, vận động, thuyết phục nhân dân di dời để xây dựng công trình thuỷ điện Bản Vẽ đúng tiến độ. Bao gồm cả kí cam kết và xử phạt hành chính.
 
Hơn 50 hộ dân vẫn "bám" lòng hồ thuỷ điện Bản Vẽ - 4
Vẫn còn hơn 50 hộ chưa chịu rời khỏi lòng hồ...
 
Hơn 50 hộ dân vẫn "bám" lòng hồ thuỷ điện Bản Vẽ - 5
... họ tiến hành phát nương làm rẫy.

Theo ông Nguyễn Hồ Cảnh - Chủ tịch UBND huyện Tương Dương thì: “Vấn đề quan trọng nhất và có tính quyết định là giải quyết dứt điểm việc chi trả và bồi thường đất đai, tài sản, hoa màu… bị thu hồi cho nhân dân, giải quyết thấu tình, đạt lý các kiến nghị, đề xuất chính đáng của bà con, giải quyết công khai minh bạch rõ ràng, đầy đủ các chế độ hỗ trợ liên quan đến việc di dân tái định cư. Khi người dân đã tự nguyện rời bỏ đất đai, quê quán của mình thì ở nơi mới họ phải được đảm bảo có cuộc sống cao hơn hoặc ít nhất cũng bằng với cuộc sống nơi ở cũ”.

Thời gian tới, dự báo khả năng số hộ dân còn lại không chịu di dời rất có thể xảy ra nên hiện tại, chính quyền huyện Tương Dương cũng đã có văn bản kiến nghị UBND tỉnh Nghệ An, BQLDA thủy điện 2 sớm thực hiện việc chi trả bồi thường đất bị thu hồi do xây dựng công trình thủy điện Bản Vẽ cho nhân dân. Đồng thời hỗ trợ thêm kinh phí để UBND huyện Tương Dương thực hiện nhiệm vụ đưa dân ra khỏi vùng lòng hồ đảm bảo an toàn tính mạng của nhân dân, trật tự an ninh trên địa bàn huyện và công trình thủy điện Bản Vẽ .

Nguyễn Duy