1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM "khát" cây xanh

Hơn 2.600 tấn hải sản tồn kho tại Quảng Bình: Các Bộ vào cuộc tháo gỡ

(Dân trí) - “Hơn 600 tấn hải sản nhiễm độc tại 33 kho đông lạnh ở Quảng Bình đã được tiêu huỷ, hiện còn có 2.600 tấn hải sản sạch ở tỉnh này đã được Bộ Y tế kiểm định an toàn nên người tiêu dùng yên tâm sử dụng”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định.

Tổ công tác của Thủ tướng kiểm tra các kho đông lạnh hải sản ở Quảng Bình

Sáng 15/12, Tổ công tác của Thủ tướng do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng (tổ trưởng) dẫn đầu trực tiếp đến các kho đông lạnh hải sản ở Quảng Bình để kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng về công tác tiêu huỷ số hải sản nhiễm độc và các giải pháp tiêu thụ số hải sản sạch còn tồn đọng ở trong kho. Cùng đi với đoàn còn có đại diện lãnh đạo Bộ Y tế, Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội, lãnh đạo tỉnh Quảng Bình cùng các sở ngành liên quan.

Có mặt tại kho đông lạnh Phước Sang đóng trên địa bàn xã Đức Trạch, huyện Bố Trạch, nơi chủ doanh nghiệp vừa đưa đi tiêu huỷ 90 tấn hải sản nhiễm độc và hiện vẫn đang chứa hơn 370 tấn hải sản sạch đã được Bộ Y tế kiểm định an toàn, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cùng mở cửa, kiểm tra số hải sản sạch còn tồn đọng trong kho.

“Toàn bộ số hải sản sạch này, Bộ Công Thương phải công bố để người dân biết đó là sản phẩm an toàn. Còn phía doanh nghiệp cũng cần phải có phương án chủ động, sớm tiêu thụ để giảm thiệt hại”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.


Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng trực tiếp kiểm tra số cá nằm trong kho đã được xác định đảm bảo an toàn.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng trực tiếp kiểm tra số cá nằm trong kho đã được xác định đảm bảo an toàn.

Bà Hoàng Thị Hương, chủ doanh nghiệp Phước Sang cho biết, sau khi có kết luận của cơ quan chức năng về 90 tấn thuỷ hải sản bị nhiễm cadimi, doanh nghiệp đã không ngần ngại mang đi tiêu huỷ. Tuy nhiên bà Hương cũng than, số hải sản hơn 370 tấn ở trong kho dù đã được Bộ Y tế chứng nhận an toàn nhưng tâm lý người tiêu dùng vẫn chưa yên tâm sử dụng nên doanh nghiệp gặp khó trong việc đưa ra thị trường tiêu thụ.

Cũng theo bà Hương, từ ngày Quảng Bình bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển, doanh nghiệp của bà gặp rất nhiều khó. Tuy nhiên để duy trì hoạt động của kho đông lạnh, hàng tháng doanh nghiệp phải “gồng mình” trả lương cho gần 80 công nhân và trả hơn 200 trăm triệu đồng tiền điện mỗi tháng. Số nợ ngân hàng của doanh nghiệp cũng đã lên đến hơn 13 tỷ đồng.

“Chính phủ, các bộ ngành liên quan và địa phương đã có nhiều giải pháp, chính sách hỗ trợ. Tuy nhiên hiện tại chúng tôi rất mong Chính phủ cũng như các cơ quan bộ ngành liên quan sớm công bố số hải sản sạch đến người dân để cho các doanh nghiệp dễ tiêu thụ hàng trên thị trường hơn”, bà Hương bày tỏ nguyện vọng.

... và lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các doanh nghiệp
... và lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các doanh nghiệp

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải chia sẻ với những khó khăn mà ngư dân miền Trung nói chung và người dân Quảng Bình nói riêng đang gặp phải sau sự cố môi trường biển. Theo Thứ trưởng Hải, vừa qua, Bộ Công thương cũng đã phối hợp với các bộ ngành liên quan đưa ra các cơ chế, chính sách để hỗ trợ ngư dân sớm ổn định cuộc sống.

Thứ trưởng Hải cũng hứa sẽ yêu cầu các cơ quan liên quan, đặc biệt là UBND các tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển phải sớm tiêu huỷ hết các loại thuỷ hải sản có nhiễm chất độc hại và sau đó công bố một cách rộng rãi, công khai trên cả nước để người dân biết và yên tâm sử dụng. "Còn các sản phẩm có chứng nhận an toàn của Bộ Y tế, chúng tôi cũng đã phối hợp với các doanh nghiệp lớn về phân phối như Big C, Sài Gòn Coorp, Metro và các Sở Công thương để giúp người dân tiêu thụ hải sản”, Thứ trưởng Hải cho biết thêm.

Tiếp đó, Tổ công tác đã đến kiểm tra tại một số cơ sở thu mua hải sản trên địa bàn tỉnh Quảng Bình. Nghe tâm tư, nguyện vọng của các chủ doanh nghiệp, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng một lần nữa khẳng định, vừa qua Quảng Bình đã tiêu huỷ hơn 600 tấn hải sản nhiễm độc. Hiện tại, trong 33 kho đông lạnh ở tỉnh này đang còn 2.600 tấn hải sản sạch đã được Bộ Y tế kiểm định an toàn, người tiêu dùng có thể yên tâm sử dụng.

Trước những khó khăn mà các doanh nghiệp thu mua hải sản ở Quảng Bình đang gặp phải, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chia sẻ: "Hôm nay, trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng, các bộ ngành cũng đã xuống để công bố mức giá được hỗ trợ 100% đối với thuỷ hải sản đã tiêu huỷ, 30% cho số hải sản sạch đang còn ở trong kho để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng phải tự chủ tiêu thụ số hải sản đang ở trong kho của mình để giảm bớt chi phí bảo quản”.

Đoàn đến kiểm khu vực mà tỉnh Quảng Bình vừa tiêu huỷ hơn 600 tấn hải sản không đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm
Đoàn đến kiểm khu vực mà tỉnh Quảng Bình vừa tiêu huỷ hơn 600 tấn hải sản không đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm

Cũng trong sáng nay, đoàn công tác đã đi kiểm tra khu vực mà tỉnh Quảng Bình vừa tiêu huỷ hơn 600 tấn hải sản không đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm. Tại hiện trường, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đánh giá cao lãnh đạo tỉnh Quảng Bình mà người đứng đầu chịu trách nhiệm là Chủ tịch tỉnh. Sau khi nhận được chỉ đạo của Thủ tướng, Quảng Bình đã sớm triển khai các biện pháp tiêu huỷ số hải sản nhiễm độc nhằm đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.

Tin, ảnh: Đặng Tài – Tiến Thành