1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Khánh Hòa:

Hơn 10.000 người sống trong vùng bị phun rải dioxin

(Dân trí) - Một báo cáo của tỉnh Khánh Hòa vừa công bố cho biết, hiện tỉnh này có hơn 10.000 người là thường dân sống trong các vùng từng bị quân đội Mỹ phun rải chất độc hóa học trong chiến tranh Việt Nam.

Các chuyên gia Bộ Quốc phòng Việt Nam trong một chuyến thị sát vùng nhiễm dioxin ở miền Trung - Ảnh: C.B.
Các chuyên gia Bộ Quốc phòng Việt Nam trong một chuyến thị sát vùng nhiễm dioxin ở miền Trung - Ảnh: C.B.

Theo đó, UBND Khánh Hòa vừa có quyết định ban hành “Kế hoạch hành động khắc phục hậu quả chất độc hóa học/Dioxin trên địa bàn giai đoạn 2016-2020”. Mục tiêu là nhằm giải quyết cơ bản về hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam tại Khánh Hòa.

Cụ thể, 100% người tham gia kháng chiến và con của họ bị nhiễm chất độc hóa học (đủ điều kiện) được hưởng trợ cấp theo pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng; 100% người khuyết tật là nạn nhân bị nhiễm chất độc hóa học không đủ điều kiện hưởng trợ cấp theo pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, có đủ điều kiện theo quy định của Luật Người khuyết tật được hưởng trợ cấp hàng tháng; quản lý 100% người khám, xác nhận và điều trị những bệnh tật, dị dạng, dị tật trên cơ thể của con người có liên quan đến phơi nhiễm với các loại chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh; xác định, khoanh vùng một số khu vực có khả năng bị ô nhiễm do chất độc hóa học, đề xuất xây dựng phương án xử lý phù hợp…

Theo UBND tỉnh Khánh Hòa, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, tỉnh Khánh Hòa có một số vùng trước đây là căn cứ kháng chiến như huyện Khánh Sơn, huyện Khánh Vĩnh, căn cứ Đá Bàn (thị xã Ninh Hòa), khu vực Đồng Bò (TP Nha Trang)… đều nằm trong vùng Mỹ rải chất độc màu da cam/dioxin. Hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ảnh hưởng đến môi trường, đời sống của những người sống tại các vùng còn tồn lưu chất độc hóa học.

Theo đó, hiện Khánh Hòa có hơn 10.000 người là dân thường sống trong các vùng bị quân đội Mỹ phun rải chất độc hóa học, có các bệnh và dị tật nghi bị phơi nhiễm chất độc hóa học, trong đó có nhiều trẻ em sinh ra sau chiến tranh.

Được biết, tính đến tháng 6/2016, toàn tỉnh này có hơn 1.800 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học được hưởng trợ cấp hàng tháng. Trong đó, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học là hơn 1.600 người, con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học là 230 người.

Viết Hảo