1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. TPHCM "khát" cây xanh
  4. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai

Hơn 1 năm sống cùng nỗi lo sụt đất, sập nhà

(Dân trí) - Đã hơn một năm kể từ ngày xảy ra vụ sụt lún đất nghiêm trọng ở Quốc Oai, Hà Nội (30/11/2008), những hộ dân bị lún nhà, nứt tường... vẫn phải sống trong thấp thỏm lo âu, người thì đi ở nhờ, người thì liều mình sống trong nguy hiểm...

Hơn 1 năm nay không được giấc ngủ ngon

 

Đứng trước căn nhà 2 tầng đổ nát, lún sâu hàng mét của mình, ông Phạm Quang Thiện thở dài nửa bất bình, nửa buông xuôi: “Nhà tôi sập như thế này, không ai dám đến gần. Lúc mới xảy ra sự cố sụt đất, tôi nghe thấy người ta bảo phải phá đi, không ở được nữa. Thế mà đến cả 1 năm nay rồi vẫn không thấy chính quyền có ý kiến chỉ đạo giải quyết gì cả. Tôi gửi bao nhiêu đơn từ nhưng không thấy động tĩnh gì thì cũng đành chịu chứ biết làm sao”.
 
Hơn 1 năm sống cùng nỗi lo sụt đất, sập nhà - 1
Nhà ông Thiện và nhà ông Công đã phải “sơ tán” đi nơi khác hơn 1 năm nay.

 

Nhà ông Thiện là ngôi nhà chịu thiệt hại nặng nhất của sự cố sụt lún đất cách đây 1 năm. Ngay sau khi sự việc xảy ra, ông đã phải “đánh liều” vào nhà lấy mấy đồ đạc quan trọng rồi vào ở nhờ nhà em trai trong làng Ngô Sài gần đó. Từ đó đến nay, ông vẫn phải sống trong cảnh “ăn nhờ ở đậu”. Nhà ông dần biến thành nhà hoang mà chưa có cách nào giải quyết.

 

Ngay sát bên nhà ông Thiện là hộ ông Phạm Quang Hùng. Căn nhà mới sửa mất trên dưới 100 triệu đồng của ông bị tác động của vụ sụt lún làm cho nứt rạn trên tường, trần và cả móng nhà. Khi sự việc xảy ra, gia đình ông đã có biên bản bàn giao tài sản cho chính quyền. Tuy nhiên sau đó không thấy chính quyền có thông báo gì thêm, gia đình ông lại lục đục khuân đồ đạc vào nhà.

 

Ăn Tết Kỷ Sửu xong, ông vẫn không thấy có cơ quan nào đến giải quyết sự cố. 5 người trong gia đình ông đành cứ ở liều trong căn nhà rạn nứt. “Hơn 1 năm nay có đêm nào tôi ngủ ngon đâu, cứ giật mình thon thót lo nhà sập. Những hôm mưa, dù là ban đêm, cả nhà lại phải bồng bế nhau sang nhà hàng xóm”, ông Hùng than thở.

 

Khi cả nhà đã đi trú an toàn, ông ngồi lại trước cửa nhà, cầm đèn pin “theo dõi” mặt đất. “Trận mưa nào cũng vậy, tôi cứ ngồi cả đêm xem nó có bị sụt nữa không. Sụt thêm 1 tí nữa thì chắc nhà tôi cũng tan như nhà anh Thiện mất” - ông Hùng lo lắng.
 
Hơn 1 năm sống cùng nỗi lo sụt đất, sập nhà - 2
Ngôi nhà 2 tầng của ông Thiện lún nghiêng, chờ... sập.

 

Hoàn cảnh ông Tạ Đình Công còn vất vả hơn. Cửa hàng điện tử, điện lạnh và cũng là nhà ở của ông bị nứt toác, phía trước sụt sâu, trên tường và sàn nhà cũng có nhiều vết rạn lớn. Căn nhà bị hư hỏng nặng, không thể ở được nhưng gia đình ông không biết đi đâu bởi anh em họ hàng đều ở rất xa. Ông phải thuê người lấp đất lên mảnh ruộng đầu thị trấn Quốc Oai, dựng tạm một ngôi nhà trú chân.

 

Căn nhà tạm xây trái phép bằng tường 10, lợp mái tôn, được che chắn thêm bằng những mảnh cót mỏng manh, là nơi trú ngụ của cả nhà ông suốt hơn 1 năm nay. Từ hồi ra đây, không còn đất làm ăn, vợ chồng ông đành phải chạy chợ kiếm sống qua ngày. Hai đứa con đang học đại học bỗng trở thành gánh nặng trĩu vai.

 

Hiện tượng sụt lún không chỉ đe dọa 3 nhà ông Hùng, ông Thiện, ông Công mà còn ảnh hưởng tới hàng chục hộ dân khác sống cùng khu vực.

 
Hơn 1 năm sống cùng nỗi lo sụt đất, sập nhà - 3
Ông Tạ Đình Công trước căn nhà tạm dựng trái phép 1 cách... công khai trên đất nông nghiệp. Biết là làm trái pháp luật mà không biết làm sao.
 

Chính quyền thờ ơ hay bất lực?

 

Vụ sụt lún nghiêm trọng trên xảy ra cách đây đã hơn 1 năm. Trở lại nơi này vào những ngày đầu tháng 12/2009, ấn tượng đầu tiên là… bụi. Bụi mù mịt như công trường xây dựng. Tỉnh lộ 419 chạy qua đây từng bị “bẻ gãy” nay được phủ lên một lớp đá lổn nhổn.

 

Những ngày đầu sau khi xảy ra sự cố, khu vực đường bị sụt được đổ một ít cát xuống rồi đậy một tấm thép lớn lên trên để người dân đi lại. Chỗ đó mỗi khi có mưa trở thành một vũng nước lớn. Sàn tầng 1 nhà ông Thiện thì bị biến thành một cái ao nhỏ, cả tuần sau trận mưa mới khô ráo trở lại.

 

Theo phản ánh của các hộ dân, khoảng gần 1 tháng trước, chính quyền có đến rải cấp phối khu vực này, tôn nền đường lên cao hơn để tránh ngập úng. Song, việc làm này “vô tình” làm cho các hộ dân ở đây thêm khốn khổ vì bụi.

 

“Mùa mưa thì họ để cho ngập. Bây giờ mùa khô họ lại rải đá lên làm bụi mù mịt. Các hộ ở đây đều phải đóng cửa cả ngày mà bụi vẫn vào tận trong nhà” - nhiều hộ dân bất bình.
 
Hơn 1 năm sống cùng nỗi lo sụt đất, sập nhà - 4
Tường và trần nhà ông Thiện có thể đổ ập xuống bất kỳ lúc nào.

 

Để có câu trả lời cho vụ việc này, chúng tôi tìm gặp ông Nguyễn Hồng Lâm - Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai, người trực tiếp chỉ đạo khắc phục sự cố trên. Hai lần đến trụ sở UBND huyện, ông Lâm đều bận họp. Lần thứ 2, ông Lâm “mời” chúng tôi xuống làm việc với Phòng Công thương.

 

Tại đây, ông Đỗ Khắc Mịch - Phó Phòng Công thương phụ trách giao thông và xây dựng - cho biết: UBND huyện đã giao cho Phòng Công thương có những biện pháp xử lý trước mắt như xếp bao cát, rải tấm thép để các phương tiện lưu thông... Tuy nhiên, phương án xử lý triệt để thì vẫn chưa có.

 

“Tháng 4/2009, Sở Giao thông vận tải Hà Nội cũng đã có buổi làm việc với UBND huyện để bàn phương án giải quyết song đến giờ vẫn chưa thấy có tiến triển gì” - ông Mịch cho biết thêm. Theo ông Mịch, bản thân ông cũng đã nhiều lần kiến nghị tới Sở Giao thông vận tải Hà Nội qua... điện thoại để xúc tiến việc giải quyết này.

 

Về “số phận” những ngôi nhà bị lún, nứt, ông Mịch cho rằng, ở huyện Quốc Oai chưa có hộ nào được cấp phép xây dựng nên bây giờ không có biện pháp nào để giải quyết. Trách nhiệm của những người liên quan sự cố trên cũng chưa được kết luận nên việc xử lý rất khó.
 
Hơn 1 năm sống cùng nỗi lo sụt đất, sập nhà - 5
“Ngôi nhà của tôi sắp biến thành nhà hoang rồi”.

 

Theo một số tài liệu mà chúng tôi thu thập được, ngay đầu tháng 12/2008, Viện Khoa học địa chất và khoáng sản Việt Nam (thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã có công văn gửi Bộ TN-MT và Sở TN-MT Hà Nội kiến nghị một số biện pháp trước mắt và lâu dài để khắc phục tình trạng sụt lún trên.

 

Sở TN-MT cũng đã có văn bản đề nghị UBND huyện Quốc Oai nghiên cứu, đề xuất phương án khắc phục sự cố để báo cáo thành phố cho quyết định xử lý. Tuy nhiên, đến nay, các hộ dân ở đây cho biết, họ không hề thấy cơ quan nào xuống làm việc với họ cũng như đo đạc tại hiện trường.

 

Được biết, sau khi sự cố xảy ra, một Ban chỉ đạo xử lý sự cố của UBND huyện được thành lập và Chủ tịch BCĐ là ông Nguyễn Hồng Lâm - Phó Chủ tịch UBND huyện. Các hộ dân thị trấn đặt ra một câu hỏi: Ban chỉ đạo xử lý sự cố ấy được thành lập ra để làm gì và trách nhiệm của UBND huyện ở đâu khi mà hàng chục con người quanh khu vực sụt lún hàng năm nay phải sống trong lo lắng, không thể yên ổn làm ăn?

 

Tất cả đang chờ 1 câu trả lời thoả đáng từ phía UBND huyện Quốc Oai.

 

Tiến Nguyên