1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM "khát" cây xanh

Hôm nay, Quốc hội xem xét vấn đề nhân sự cấp cao

(Dân trí) - Theo kế hoạch, chương trình xem xét vấn đề nhân sự tại kỳ họp lần này sẽ kéo dài từ ngày 24 - 29/6. Dự kiến Quốc hội sẽ bầu 3 vị trí chủ chốt: Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, đồng thời phê chuẩn 2 Phó thủ tướng và 7 chức danh Bộ trưởng.

Chức danh Bộ trưởng được phê chuẩn ở 7 Bộ: Quốc phòng, Ngoại giao, Văn hoá - Thông tin, Tài chính, Giáo dục - Đào tạo, Giao thông - Vận tải và Tổng thanh tra Chính phủ.

 

Đồng thời, Quốc hội sẽ bầu vị trí Tổng kiểm toán nhà nước, chức danh mà trong kỳ họp trước người được giới thiệu đã không nhận được số phiếu bầu quá bán.

 

Do nhiệm kỳ của Quốc hội chưa kết thúc nên trước khi bầu nhân sự cho 3 vị trí chủ chốt, Quốc hội sẽ tiến hành thủ tục bỏ phiếu miễn nhiệm Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ.

 

Tiếp đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình nhân sự Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội mới trình nhân sự Chủ tịch nước, Chủ tịch nước mới sẽ giới thiệu nhân sự Thủ tướng để Quốc hội bầu.

 

Sau khi Quốc hội phê chuẩn chức danh Thủ tướng Chính phủ, Thủ tướng mới sẽ trình Quốc hội phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm một số thành viên Chính phủ, cũng như trình Quốc hội phê chuẩn danh sách bổ nhiệm nhân sự vào các vị trí này.

 

Theo quy trình thì Ban chấp hành Trung ương Đảng sẽ giới thiệu 3 chức danh chủ chốt và chỉ giới thiệu 1 người vào mỗi vị trí, còn trong quá trình thảo luận, các đại biểu Quốc hội có thể giới thiệu thêm ứng cử viên vào các chức danh này.

 

Tuy nhiên, theo quan điểm của một số đại biểu Quốc hội, việc giới thiệu thêm ứng cử viên vào 3 chức danh chủ chốt sẽ gặp khó khăn bởi theo thông lệ, nhân sự cho các chức danh này phải là Uỷ viên Bộ Chính trị trong khi các Ủy viên Bộ Chính trị đều đã được phân công công việc cụ thể, nếu nhân sự được giới thiệu không nằm trong  Bộ Chính trị thì càng khó hơn.

 

Đức Hòa