1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Hà Nội:

Hội Nhà báo Việt Nam lên tiếng vụ phóng viên bị hành hung

(Dân trí) - Dù cơ quan công an đã có giấy mời đến làm việc nhưng đối tượng có hành vi hành hung, lăng mạ phóng viên vẫn không đến trình diện. Đại diện Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, những hành vi lăng mạ, hành hung phóng viên là đặc biệt nghiêm trọng.

Như Dân trí đưa tin, sáng 14/6, trong khi cùng đoàn liên ngành kiểm tra, xử lý những vi phạm về bảo vệ hành lang an toàn đường sắt thuộc địa phận huyện Từ Liêm, một số phóng viên đã bị lăng mạ hành hung, cản trở tác nghiệp.
Hội Nhà báo Việt Nam lên tiếng vụ phóng viên bị hành hung - 1
Những hành vi lăng mạ, hành hung phóng viên là đặc biệt nghiêm trọng.

Hai phóng viên bị đối tượng tên Thanh lăng mạ, hành hung là phóng viên Lê Duy Khánh - Truyền hình ATV (thuộc báo An ninh thủ đô) và phóng viên Phạm Hồng Phong - kênh VTC14.

Ngày 15/6, Ban Biên tập báo ANTĐ đã báo cáo vụ việc trên tới Ban Giám đốc CATP Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Nhà báo Hà Nội; đồng thời cũng có công văn gửi Công an huyện Từ Liêm yêu cầu khẩn trương điều tra, làm rõ việc hành hung, lăng mạ cản trở phóng viên tác nghiệp để xử lý theo quy định của pháp luật.

Sau khi tiến hành ghi lời khai của những phóng viên bị hành hung, lăng mạ và lời khai của những người có liên quan, chiều 14/6, CAX Phú Diễn đã có giấy mời đối tượng Thanh tới làm việc vào sáng 15/6. Tuy nhiên, đến cuối giờ chiều qua, Trưởng CAX Phú Diễn cho biết, đối tượng Thanh đã không đến trình diện tại CAX Phú Diễn để làm việc theo nội dung giấy mời.
Hội Nhà báo Việt Nam lên tiếng vụ phóng viên bị hành hung - 2
Dù công an có giấy mời nhưng đối tượng Thanh đã không đến trình diện.

Bà Hà Kim Chi, Trưởng ban Kiểm tra - Hội Nhà báo Việt Nam, cho hay: “Ngay sau khi nhận được công văn của Báo ANTĐ, xem băng ghi hình hành vi côn đồ của đối tượng Thanh được phát trên chương trình truyền hình ATV, và qua tìm hiểu tại một số kênh thông tin độc lập, thì hành vi côn đồ của đối tượng Thanh đã vi phạm nghiêm trọng Luật Báo chí sửa đổi bổ sung năm 1999. Tại chương IV, điều 15, khoản 4 có nêu rõ: Không ai được đe doạ, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo hoặc phá huỷ, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo trong hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật.”

Theo bà Chi, để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các phóng viên bị lăng mạ, hành hung, Ban kiểm tra - Hội Nhà báo Việt Nam đã có công văn gửi tới các cơ quan chức năng đề nghị nhanh chóng làm rõ hành vi côn đồ trên để xử lý theo quy định của pháp luật.

Ông Hà Minh Huệ - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam - thì khẳng định, hành vi đấm vào mặt, bóp cổ, lăng mạ, cản trở phóng viên đang tác nghiệp hợp pháp của đối tượng Thanh là đặc biệt nghiêm trọng. Các cơ quan chức năng cần nhanh chóng làm rõ, xử lý điểm vụ việc này để răn đe các đối tượng khác, bởi hành vi, đối tượng đã rõ ràng, không như một số vụ hành hung nhà báo khác khi đối tượng chưa được xác minh chính xác.

Hội Nhà báo Việt Nam cũng đã thăm hỏi, động viên những phóng viên này, đồng thời có công văn gửi tới các cơ quan chức năng, bày tỏ rõ quan điểm cần xử lý nghiêm đối tượng Thanh theo quy định của pháp luật.

“Thời gian tới Hội Nhà báo Việt Nam sẽ có kiến nghị, chỉnh sửa Luật Báo chí về việc hành hung, lăng mạ, cản trở phóng viên tác nghiệp thành “hành hung, lăng mạ cản trở người thi hành công vụ”, bởi nhà báo chính là những người chiến sỹ cầm bút trên những mặt trận đặc biệt.” - ông Huệ cho hay.

Tiến Nguyên