1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Hội An trong lòng một nữ nhà báo Hà Nội

(Dân trí) - Bên sông Hoài (Hội An) những ngày diễn ra lễ hội Quảng Nam - Hành trình di sản 2009 có triển lãm ảnh “Hội An trong lòng một người Hà Nội” luôn thu hút đông người đến thưởng lãm, chăm chú và say mê.

Đó là những bức ảnh của nữ nhà báo Vũ Thục Trinh.

 

45 bức ảnh là 45 góc nhìn rất riêng về Hội An. Ấn tượng hơn, 45 bức ảnh là xâu chuỗi của một chuyện kể về Faifoo, về Phố Hội, Phố Hoài thú vị.

 

Hình ảnh đi kèm điệp từ “xưa” được lặp lại trên nhiều tác phẩm “Cõi xưa”, “Nếp xưa”, “Dựng lại nét xưa”… cùng những bức tường hằn đậm vết thời gian, mái phố rêu phong cổ kính… như dẫn người xem trở về với không gian Phố trầm mặc, huyền tích từ hàng trăm năm trước. Rồi từ cổ tích Thục Trinh đưa người xem trở về Hội An thời hiện tại với hẻm phố hút sâu lọm khọm một dáng mẹ sớm tối đi về, là những mẹ, những chị hồn hậu, đảm đang cùng những gánh hàng rong, mẹt hàng gốm… bên những “Góc phố” đời người.
 
Hội An trong lòng một nữ nhà báo Hà Nội - 1

Tác phẩm Ngõ phố của nhà báo Thục Trinh

 

Một Hội An mà một ngọn mồng tơi, một vạt rau dền, một chùm hoa giấy… cũng phản ánh được nét bình dị, hiền hòa của những con người chân chất, đáng yêu. Một Hội An qua bao biến thiên của thời cuộc vẫn còn lưu giữ những làng nghề truyền thống mộc Kim Bồng, gốm Thanh Hà, rau Trà Quế…

 

Và, cùng với lãng đãng đất và người Hội An, những góc máy của Thục Trinh vẫn không quên đưa người xem đến với một Hội An thời “Hội nhập”. Một thành phố sinh thái, văn hóa, du lịch bừng lên sức sống mới với những gam màu rộn rã, tươi vui.

Thục Trinh tâm sự: “Lần đầu tiên tôi đến Hội An cũng đã ngót hai chục năm trời. Tôi lang thang mê mải trên những con phố dài, nhỏ hẹp - Con phố, với những ngôi nhà cổ, mái ngói âm dương sẫm  màu thời gian và những giàn hoa giấy bò lan cả xuống hàng lan can gỗ thật đẹp. Tôi bỗng thấy Hội An giống Hà Nội quá chừng, để rồi mỗi lần về Hội An là mỗi lần tôi như về với gia đình thứ hai của mình vậy”.
 
Hội An trong lòng một nữ nhà báo Hà Nội - 2
Tác phẩm Hội nhập

 

Về với “gia đình” của mình nên Thục Trinh yêu quý từng mái ngói cỏ dại xanh rì, từng mảng tường rêu tróc lở trước gió sương, từng bến sông nước cạn, nước ròng… Chị  miệt mài đi và đến, tỉ mẩn săm soi, quan sát, tỉ mẩn chọn từng khẩu độ, góc nhìn để có những bức ảnh theo chị là đời thường Phố Hội còn với người xem, với người Hội An đó là những hình ảnh gần gũi, thân thương.

 

Giữa đám đông khách xem ảnh, một cô bé chừng hơn 10 tuổi hết kéo người này đến người khác, miệng liến thoắng: “Đến đây, đến đây xem bà ngoại của con nè!”. Một bà cụ móm mém nhai trầu thì rủ mấy người bạn già: “Đến xem ảnh mấy bà già bán con thổi, trồng rau… của cô nớ ở tít Hà Nội mà vào chụp sống động lắm mấy bà ơi!”. Cô nữ sinh Ngô Giáng Hương thì tươi cười bảo: “Ảnh đẹp lắm. Chỗ ni gần nhà con nè. Cho con đứng vào đây chụp có tấm ảnh ni nghe!”.

 

Chị Vũ Thục Trinh hiện là phóng viên Thời báo Ngân hàng, tại Hà Nội. Triển lãm ảnh của chị diễn ra tại Hội An từ ngày 4 đến 7/6/2009.

Mỗi người đến thưởng lãm ảnh của Thục Trinh đều có cảm nhận riêng của mình. Riêng người viết bài này vẫn thích nét duyên dáng rất nữ tính Thục Trinh thể hiện qua từng bức ảnh. Chụp chủ đề Phố cổ rêu phong nhưng nhiều ảnh vẫn bừng lên tông màu mạnh với những sắc đỏ, sắc vàng tươi rói. Trên  nền những chiếc chiêng đồng rất cổ nổi bật lên con lân rực rỡ sắc màu đang xoay tít, hân hoan như nói hộ tác giả về một Hội An cổ kính, hiền hòa nhưng khá năng động trong làm kinh tế. Hẻm phố thì hun hút, đìu hiu nhưng qua góc nhìn của chị vút thẳng lên không để òa vỡ một sắc hồng đến nao lòng của những chùm hoa giấy đáng yêu. Có vẻ như trong ảnh của chị có cả hội họa ghé vào.
 
Hội An trong lòng một nữ nhà báo Hà Nội - 3
Nữ nhà báo Thục Trinh

 

Đáng trân trọng là thông điệp mà tác giả muốn gửi gắm qua những tác phẩm của mình: Hãy tiếp tục trân quý, giữ gìn, đừng để Phố cổ Hội An mất dần đi như Hà Nội thân yêu của chị, của chúng ta.

 

Và cuối cùng, sau khi trình làng những đứa con tinh thần của mình, Thục Trinh có một quyết định đáng yêu hơn nữa là tặng toàn bộ các tác phẩm triển lãm cho Hội An thay cho “lời tri ân thành kính” của Tấm lòng người con Hà Nội với phố, với nơi mà chị đã yêu, đã quý, đã xem như quê hương thứ hai của mình.

 

“Hội An trong lòng một người Hà Nội” là tình cảm của tác giả đối với Hội  An. Còn người dân địa phương thì quý mến bảo: “Một người Hà Nội trong nhiều tấm lòng Hội An!”.

 

Thảo Nguyên