1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Thanh Hóa:

Học trò quê chở đào lên phố bán

(Dân trí) - Dạo qua các ngả đường thành phố Thanh Hóa những ngày này bắt gặp không ít hình ảnh những cô cậu học trò với chiếc áo đồng phục chở đào trên chiếc xe đạp cũ, lên TP bán.

Mặc dù những ngày giáp Tết, đào từ khắp các nơi được đưa về thành phố rất nhiều, có những cành đào to cao, đẹp với giá tiền triệu. Thị trường đào bạt ngàn đến mức đi đến đâu cũng nhìn thấy người ta bày bán la liệt, nhưng điều đó cũng không làm nản lòng những cô cậu học trò quê này.

Học trò quê chở đào lên phố bán
 

Các em là những học sinh từ những vùng quê nghèo xa xôi như Hoằng Hóa, Triệu Sơn, Như Thanh… Để mong kiếm được tiền, các em đã phải dậy từ tinh mơ để đạp xe 30 đến 40 cây số cho kịp bán được hàng.

Ngay từ hôm được nghỉ Tết, các em đã bắt tay vào việc chọn những cành đào đẹp của nhà trồng rồi cột lên xe đạp rong ruổi khắp nơi trên thành phố để bán với mong muốn kiếm ít tiền để góp Tết cùng với bố mẹ. Vì sự mưu sinh, các em quên đi nhọc nhằn, quên đi giá lạnh chỉ để bán một cành đào. Cứ cần mẫn như thế cho đến tối mịt với về nhà trên tay có đùm lá dong hay vài gói bánh đã là cả một niềm vui.

Rong ruổi khắp phố phường.

Rong ruổi khắp phố phường.
Rong ruổi khắp phố phường.

Em Lê Văn Tùng, học sinh lớp 11, quê ở xã Xuân Du, huyện Như Thanh tâm sự: “Bố mẹ em ở quê cả năm lam lũ cũng chỉ đủ ăn, nuôi hai anh em em ăn học đã vất vả lắm rồi, cứ mỗi lần Tết đến là bố mẹ em lo lắm, lo sao sắm được ít đồ để có cái Tết trong nhà. Biết thế nên ngay khi nhà trường cho nghỉ Tết em nảy ra ý định tìm trong vườn nhà mình những cành đào đẹp mang lên phố bán sẽ kiếm được ít tiền giúp bố mẹ”.

“Thực sự khi thị trường đào Tết được bán tràn lan, hơn nữa đào của họ đẹp hơn đào của nhà em nhiều nên việc bán được một cành đào là rất khó. Có những ngày em đạp xe khắp thành phố mới bán được mà vì không có chỗ đứng bán, cứ nghỉ chỗ nào là các chú trật tự ra đuổi, em nhìn thấy bóng các chú ấy là sợ bị tịch thu mất cành đào nên lại lên xe đạp đi. Cũng vất vả nhưng cầm trên tay đồng tiền dù là nhỏ nhưng là thành quả của mình nên vui lắm chị ạ”, Tùng chia sẻ.

Niềm hy vọng được nhem nhóm khi có khách đi đường gọi lại hỏi mua.
Niềm hy vọng được nhem nhóm khi có khách đi đường gọi lại hỏi mua.

Lúc nào cũng thấy các bạn đạp xe rong ruổi trên đường, chỉ đến khi ai đó hỏi mua hoặc quá mệt mới dám dừng lại nghỉ một chút rồi lại đi. Mỗi ngày các em chỉ chở đi 1 cành để bán. Mỗi cành như thế có giá vài trăm ngàn đồng.

Với gương mặt phờ phạc vì mệt, em Hoàng Văn Thanh, học sinh lớp 9, quê ở Hoằng Hóa cho biết: “Bán được còn là may chị ạ, có hôm em còn phải mang về cơ. Bây giờ các cô các bác làm công chức được nghỉ làm rồi nên em hy vọng sẽ có nhiều người mua hơn”.

Chỉ đến khi mệt, các em mới dám dừng lại nghỉ một chút rồi lại đi.

Chỉ đến khi mệt, các em mới dám dừng lại nghỉ một chút rồi lại đi.
Chỉ đến khi mệt, các em mới dám dừng lại nghỉ một chút rồi lại đi.

“Mới đầu không bán được cũng nản lắm nhưng rồi lại cố gắng với lại bây giờ ở nhà cũng không làm gì để có tiền cả. Em cùng vài bạn trong xóm nữa cùng đi nên cũng vui lại được ngắm phố phường ngày Tết chứ ở quê bây giờ người dân còn đang đi cấy chứ đã có không khi Tết gì đâu ạ”, em Ngô Văn Phương, quê ở Triệu Sơn hóm hỉnh cười, vẫn không che được sự mệt mỏi trên khuôn mặt.

Nguyễn Thùy