1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Hình tượng con trâu trong văn hóa

(Dân trí) - Theo lịch can chi của phương Đông thì chu kỳ khép kín với 12 con số, số thứ hai là Sửu tượng trưng bằng con trâu. Trâu là con vật được thuần hóa. Với nền kinh tế nông nghiệp lúa nước, trâu được người nông dân coi như bạn thân.

Thời Lý - Trần (thế kỷ XI-XIV), với chính sách "trọng ruộng, khuyến khích chăm lo phát triển kinh tế nông nghiệp", Nhà nước phong kiến rất quan tâm tới việc bảo vệ nguồn sức kéo. Năm 1123, vua Lý Nhân Tông xuống chiếu nhắc nhở: "Trâu là con vật quan trọng cho việc cày cấy, lợi cho người. Từ nay cấm không được giết trâu ăn thịt. Ai làm trái thì trị tội theo pháp luật". Luật Hình như (thời Lý), Hình luật (thời Trần) đều có những điều khoản cụ thể quy định hình phạt về tội ăn trộm và giết hại trâu bò. Những nhà láng giềng biết mà không tố giác cũng bị trừng phạt.

 

Vào đầu xuân, theo lệ, vua thân chinh làm lễ tế Thần nông và cày ruộng Tịch điền. Có một khu ruộng dành riêng để làm nghi lễ này. Trâu cày ruộng tịch điền phải là trâu đực, nuôi theo chế độ riêng và chay tịnh (!). Ngày làm lễ, vua bước xuống ruộng cày và đường cày có tính tượng trưng cho một năm cày cấy "phong đăng hòa cốc", mùa vụ tốt tươi.

 

Con trâu là vật nuôi gắn bó thân thiết với cuộc sống đồng bào các dân tộc. Đồng bào M'Nông (Tây Nguyên) thường dùng trâu để giải quyết các việc lớn trong gia đình, dòng họ và cho cả buôn làng. Mua chiêng bằng trâu, mua ché bằng trâu, dựng nhà, cưới gả, các lễ hội mừng được mùa hàng năm bằng trâu.

 

Trong luật tục, những tội trạng vi phạm nghiêm trọng các quy định của cộng đồng như xúc phạm thần linh, làm những điều người ta kiêng cữ, loạn luân... đều dùng trâu để phạt vạ hoặc cúng xóa tẩy tội lỗi. Huyết trâu hòa với rượu cần, gan trâu, thịt trâu là các cỗ vật linh thiêng để con người thông qua với thần linh, là thức ăn đồ uống có "năng lượng thiêng" mà mọi người trong buôn làng dùng để tẩy rửa xui xẻo, cầu mong bình an và hạnh phúc cho cộng đồng và cho mọi người.

 

Đối với các dân tộc Tây Nguyên quan niệm rằng: Thần tạo ra mọi cái, do đó con người phải dành cho thần một phần đất trồng cây "rừng Giàng" và phải cúng Giàng những sản phẩm đầu tiên như bó lúa đầu tiên, vò rượu đầu tiên, miếng thịt đầu tiên. Việc giết trâu là một cử chỉ thờ cúng của bản làng. Con trâu vừa là con vật truyền thống dâng hiến cho cuộc sống. Lúc sắp bị giết, nó lại được chăm sóc. Họ đánh đồng la, thổi kèn khi con trâu bị giết. Giao chiến bên cọc trâu và con trâu, cuộc giao chiến nghi lễ. Con trâu - sứ giả chịu trách nhiệm trình lên các thần sắp xếp nhận linh hồn nó những điều thỉnh cầu, than phiền của gia chủ mình. Khi giết xong, thịt được mang cúng thần, sau đó được phân chia cho bữa ăn tập thể.

 

Đối với đồng bào Chăm ở các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, con trâu là con vật không thể thiếu trong nghi lễ phong tục, là lễ vật dâng cúng thần linh, ông bà, cha mẹ, thu hút sự chăm lo giúp sức của người thân và bà con láng giềng. Cứ 7 năm một lần, vào tháng 7 lịch Chăm, 1 con trâu trắng dùng làm lễ vật được đem dâng cúng với nghi lễ linh đình tại chân núi Đá Trắng (núi Giang Patao) thuộc làng Như Bình, Phước Thái, Ninh Phước (Ninh Thuận). Ngày nay, lễ đâm trâu vẫn còn được một số gia đình Balamôn thực hiện khi họ đã khấn nguyện và có đủ điều kiện về vật chất.

 

Người Thái vốn là một cư dân làm nông nghiệp lúa nước. Chính vì thế, con trâu đóng một vai trò rất quan trọng trong sản xuất và đời sống kinh tế của họ. Người Thái có câu tục ngữ: "Con trâu là cái nền nhà" (Tôquai tại hương). Hằng năm mỗi khi Tết đến, đồng bào thường cho trâu ăn bánh chưng, lá dong... Con trâu còn được sử dụng vào mục đích tôn giáo, là lễ vật cúng tế trong các đám tang nhà giàu, chức dịch hoặc các bậc cao niên và nhất là trong các dịp cúng bản, cúng mường để tạ lễ Trời Đất, cầu yên cho dân trong bản mường.

 

Con trâu được quý trọng là vậy, nên một số vùng nông thôn nước ta có tục lệ là làm Tết Trâu ở các vùng Hoằng Hóa, Nga Sơn (Thanh Hóa), Vĩnh Linh (Quảng Trị). Trước Tết vài hôm, người ta tìm các thứ cỏ thật ngon, chọn mớ rơm được nắng để thưởng trâu ngày Tết. Trâu được tắm rửa sạch sẽ, chuồng trại được dọn dẹp chu đáo. Sáng mùng 1 Tết, mỗi con trâu được dán trước trán 1 lá bùa bằng giấy hồng điều để "trừ tà yểm quái", xua đuổi vận hạn năm cũ, cầu cho trâu sang năm mới được bình an, vô sự, ăn no, cày khỏe. Sau khi cúng "thần chuồng", trâu được ăn cỗ, được nếm các món bánh chưng, bánh gai, thịt, cá hay xôi chè... Và chọn "ngày tốt lành" người ta dắt trâu đi dạo một vòng để trâu... thưởng xuân, đồng thời ướm vai cày cho trâu để lấy may.

 

Ngoài ra, trâu còn gắn liền với các lễ hội như chọi trâu, đâm trâu... Lễ hội chọi trâu ở Đồ Sơn (Hải Phòng) có lẽ là nổi tiếng nhất. Dù ai đi đâu về đâu/ Mùng chín tháng tám chọi trâu thì về. Lễ hội là một phong tục tín ngưỡng để tạ ơn Thần Biển của người dân ở đây. Những con trâu khỏe mạnh nhất sẽ ra chọi với nhau để tìm ra con giành chiến thắng. Con trâu này sẽ đem giết để cúng thần linh, cầu cho mưa thuận gió hòa. Đó là một nét đẹp trong văn hóa cổ truyền của Hải Phòng nói riêng và của Việt Nam nói chung. Gắn liền với đời sống vật chất và tinh thần của người dân, trâu còn góp mặt trong đời sống văn hóa. Cùng với cây lúa nước, trâu cũng gắn liền với nền văn minh lúa nước Việt Nam và cả Đông Nam Á. Trâu đã trở thành linh vật của SEA Game 22 năm 2003. Hình tượng trâu vàng đã từng là biểu tượng của thể thao Việt Nam trong SEA Game vừa rồi.

 

Có thể khi trình độ khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển, hình ảnh con trâu ngày càng vắng bóng trên những cánh đồng, nhưng với một xã hội có nền tảng của một nền văn minh lúa nước như đất nước chúng ta, những câu hát của trẻ chăn trâu sẽ chẳng bao giờ mất đi: Trâu ơi ta bảo trâu này/ Trâu ăn no cỏ, trâu cày với ta/ Cấy cày vốn nghiệp nông gia/ Ta đây, trâu đấy ai mà quản công.

 

Tuấn Kiệt
TTXVN