1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

“Hình như đã hình thành "luật rừng" trong một bộ phận học sinh”

(Dân trí) - “Nếu hiện nay luật rừng đã thâm nhập, chi phối giải quyết mối quan hệ giữa các em học sinh thì đó là điều rất nguy hiểm”, Chủ nhiệm Uỷ ban VH-GD, Thanh thiếu niên và Nhi đồng, Đào Trọng Thi lo ngại qua việc clip nữ sinh bị cắt tóc, lột áo.

Là Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên của Quốc hội, chắc hẳn ông rất bận tâm tới những vụ nữ sinh bạo hành tập thể vừa qua?

Theo tôi, đây là hiện tượng tương đối mới, phải nghiên cứu khảo sát. Cần xem xét từ các khía cạnh như bạo lực giữa nữ học sinh với nhau, tính chất tương đối tàn khốc và càng ngày càng phổ biến hơn. Thêm nữa, cũng phải xem xét việc tung các clip lên mạng.

Tôi cho đây là một hiện tượng đáng đặt ra thành một vấn đề bức xúc để quan tâm nghiên cứu.

Đề cập các vụ việc nữ sinh bạo hành tập thể vừa qua, có người đã tổng kết thành quy trình: xảy ra sự việc, quay clip tung lên mạng, báo chí đăng tải, công an vào cuộc, nhà trường kỷ luật… Dường như đang có sự luẩn quẩn, bế tắc trong giải quyết vấn đề, thưa ông?

Tuy chúng ta bức xúc với các vụ việc đó, nhưng về hiện tượng vẫn là lẻ tẻ và chúng ta chưa đủ các thông số, số liệu để phân tích, phân loại các hiện tượng rồi đánh giá tinh thần thái độ, trách nhiệm của các đối tượng có liên quan.

Nhưng tôi thấy, những em bị hại trong các vụ bạo hành này đều là những em chủ động đến những nơi nguy hiểm cho mình. Rồi lại có trường hợp nạn nhân không hợp tác với cơ quan điều tra để truy cứu trách nhiệm.
 
“Hình như đã hình thành "luật rừng" trong một bộ phận học sinh” - 1
Các vụ bạo hành liên tục xuất hiện và ngày càng nghiêm trọng
 
Hình như đã hình thành luật rừng trong giải quyết các mối quan hệ cư xử của các em này với nhau. Nếu quả thật là hiện nay luật rừng đã thâm nhập, chi phối giải quyết mối quan hệ giữa các em học sinh thì đó là điều rất nguy hiểm.

Sau mỗi lần xảy ra bạo hành, nhà trường không thể đuổi học sinh vì quy chế không cho phép và cũng không thể làm như vậy do có thể đẩy các em vào hoàn cảnh dễ hư hỏng hơn. Nhưng các hình thức kỷ luật hiện tại dường như chưa đủ sức răn đe và các vụ bạo hành tương tự lại tái diễn ở nơi khác?

Nếu chúng ta xét về mặt pháp luật, thương tích gây ra sau hành động bạo lực của các em chưa đến mức truy tố trách nhiệm hình sự, bởi vậy vẫn chỉ giải quyết ở mức độ hành chính. Hơn nữa, đối với học sinh chúng ta chỉ muốn giải quyết trong khuôn khổ giáo dục nhà trường cho nên chỉ có thể áp dụng quy chế xử lý học sinh vi phạm kỷ luật.

Tôi cho rằng, đối với học sinh vi phạm kỷ luật, đình chỉ học tập một thời gian đã là kỷ luật rất nặng nề rồi. Nếu như những hình thức kỷ luật ấy không đủ sức răn đe thì đó chính là báo động của chúng ta về đạo đức học sinh và cũng là báo động về trách nhiệm của các bậc phụ huynh.

Cũng về việc xử lý, chúng ta cũng còn lúng túng và có phần nương nhẹ với những học sinh đã quay và tung các clip lên mạng?  

Tôi cũng đang quan tâm là chuyện đánh nhau như vậy tại sao lại quay đưa lên mạng. Ở đây không thể nói nhỡ may tôi nhìn thấy tôi quay mà rõ ràng là một hành động chủ ý, có một động cơ khác…
 
“Hình như đã hình thành "luật rừng" trong một bộ phận học sinh” - 2
Ông Đào Trọng Thi: "Thái độ cư xử phi nhân tính đã thâm nhập vào trong trường học" (Ảnh: Việt Hưng)

Tôi nghĩ những người quay đưa lên mạng cũng cần được xử lý theo tinh thần anh tuyên truyền bạo lực trên các phương tiện có ảnh hưởng rộng rãi trong dư luận.

Ông đã xem một clip nữ sinh bạo hành nào chưa và ông có cảm thấy rùng mình?

Phải nói thật, tôi chưa xem kỹ một clip nào… Tôi nghĩ không phải xem mà nghe người ta nói có chuyện ấy mình đã cảm thấy rùng rợn và rất đau xót rồi.

Nếu xâu chuỗi các clip nữ sinh bạo hành tập thể với không ít các vụ việc học sinh ẩu đả, thậm chí giết bạn rồi các vụ việc thầy đánh trò, trò đánh thầy… nhiều người đã cảm thấy bi quan về đạo đức học đường. Cũng không phải ngẫu nhiên, khi không ít các Ủy viên Thường vụ Quốc hội đã bày tỏ sự lo ngại với bạo lực trong lứa tuổi thanh thiếu niên?

Đúng vậy! Thái độ cư xử phi đạo đức, phi nhân tính đã thâm nhập vào trong nhà trường. Trước kia trong nhà trường, mối quan hệ có thực lòng không, chân thành không thì chưa biết, nhưng về hình thức quan hệ thầy trò mang tính chất mô phạm. Trẻ dù hư đến đâu, nhưng đối với thầy giáo ít nhất vẫn tỏ ra lễ phép, sợ thầy.

Nhưng giờ đây đây hành xử mang tính lễ nghĩa ngày càng mai một. Có không ít trường hợp, trò, phụ huynh của trò đối xử với thầy giáo như một côn đồ.

Chưa hết, trước kia có thể thầy giáo cũng đánh học sinh nhưng đánh theo kiểu mô phạm, theo một quy trình đặc biệt, chứ không phải kiểu hành hung giữa hai cá thể không có quan hệ gì trong xã hội.

Đó là những hiện tượng đau xót và đáng quan tâm trong nền đạo đức của ta. Tôi nghĩ đã đến lúc các cơ quan nghiên cứu, các cơ quan có trách nhiệm liên quan đến giáo dục đạo đức học đường phải tổ chức nghiên cứu, khảo sát đầy đủ để có đánh giá sâu sắc, từ đó giải quyết vấn đề tương đối toàn diện và có căn cứ, cơ sở khoa học.

Nếu bây giờ cứ đối phó theo kiểu có chuyện ấy cả dư luận ồn ào lên, rồi phê phán, nhưng mấy hôm nữa lại quên, tôi nghĩ chưa ổn… Mình lên án chuyện đó cũng được nhưng cứ như thế mãi sẽ không hiệu quả và mọi việc lại rơi vào vòng luẩn quẩn.

Xin cảm ơn ông!

Cấn Cường (thực hiện)