1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Hệ lụy của án treo

(Dân trí) - Trong phiên thảo luận về công tác phòng ngừa, đấu tranh chống vi phạm pháp luật và tội phạm, các đại biểu xoáy sâu vào án tham nhũng. Nhiều ý kiến cho rằng án tham nhũng “treo” quá nhiều nên cần phải xem lại.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Lê Thị Thu Ba phát biểu: “Khi giám sát, chúng tôi phát hiện tỉ lệ án treo trong các vụ án tham nhũng lên tới 37% (2008). Đây là tỉ lệ lớn và chúng tôi yêu cầu bên tòa án phải xem lại”.

Số lượng tội phạm tham nhũng được hưởng án treo nhiều như vậy gây nhiều nghi vấn trong dư luận và các đại biểu Quốc hội đang truy xét chuyện này.

Đại biểu Phạm Quốc Anh - Chủ tịch Hội luật gia VN lo ngại có khả năng “phong bì đi trước, án treo theo sau”. Mối quan hệ giữa phong bì và án treo có hay không thì chưa biết nhưng rõ ràng, không có loại tội phạm nào được ưu ái cho treo nhiều như tham nhũng.

Sự khác biệt trong việc xử lý tội phạm tham nhũng với các loại tội pham khác chính là “án treo”. Người có chức vụ mới có điều kiện để tham nhũng, người dân hay cán bộ công chức bình thường không thể tham nhũng được. Tham nhũng thì có tiền, nhiều tiền, và tất nhiên tiền mua được nhiều thứ. Đặc biệt người có nhiều tiền do tham nhũng là người từng có quyền lực và quan hệ trong tay.

Án treo là chế định rất nhân đạo cần được áp dụng, nhưng ở đây rõ ràng tội phạm tham nhũng được áp dụng một cách bất bình thường. Tại sao các loại tội phạm khác không được nhiều như vậy? Câu hỏi không khó trả lời, có điều tìm ra chứng cứ để chứng minh cho câu trả lời đó không dễ.

Chính vì lẽ đó lên đại biểu Phạm Quốc Anh kiến nghị: “Ủy ban Tư pháp Quốc hội nên đi giám sát vấn đề tòa án cho bị cáo hưởng án treo để xem có tiêu cực trong chuyện này không, nếu có thì phải kiên quyết xử lý”.

Ý kiến của đại biểu Quốc Anh rất đáng lưu tâm, nhưng tìm ra dấu vết tiêu cực trong các vụ án này để xử lý quả thực rất khó khăn.

Lê Chân Nhân