1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Hệ lụy buồn từ “bão” dịch tai xanh

(Dân trí) - “Bão” dịch tai xanh quét qua, người ta nói nhiều đến nỗi khổ của những người chăn nuôi lợn: mất cả cơ nghiệp, hết sạch vốn liếng… Nhưng đâu chỉ người chăn nuôi lợn mới khổ vì dịch lợn…

Lợn giống thành… lợn cảnh

 

5 năm nay, người dân huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) biết đến nông dân Nguyễn Văn Phong ở xóm 3, xã Cẩm Vịnh như là một địa chỉ cung cấp dịch vụ thụ tinh lợn tin cậy. Đàn lợn giống của anh có tiếng là “đánh” đến đâu, người chăn nuôi thắng đến đó. Khách ngày một đông đến nỗi hai vợ chồng phải cải tiến mấy chiếc xe bò nối sau xe máy, đèo lợn đi thụ tinh khắp vùng, thu nhập mỗi ngày không dưới 200.000 đồng.

 

Nhưng, dịch lợn tai xanh ập đến, dịch vụ lợn giống “hoàng kim” thoắt cái trở nên ế ẩm. Hỏi chuyện, thấy anh buồn thiu: “Giờ cứ mở mắt ra là tui lỗ cả mấy trăm ngàn đồng!”. Anh kể, hơn một tháng nay, hai con lợn giống trị giá hơn chục triệu bạc và đang độ tuổi sung sức nhất đang trở thành lợn cảnh trong nhà, làm không ra tiền mà vẫn đòi hỏi được chăm sóc, ăn uống tốt.

 

Anh Phong đang tính chuyện bán lỗ đàn lợn giống yêu quý. Nhưng kể cả bán rẻ lúc này cũng không hề đơn giản. Xã đã nghiêm cấm tuyệt đối việc vận chuyển gia súc ra khỏi địa bàn có dịch. Thôi thì đành “ôm” đàn lợn chờ đại dịch đi qua.

 

Cũng giống như anh Phong, nghề nuôi lợn cung cấp tinh giống của gia đình ông Phạm Ngọc Châu ở xã Thạch Bình, TP Hà Tĩnh đang rơi vào cảnh lao đao. Khách gần như không có, thời gian cả ngày của ông chỉ là chăm sóc đàn lợn và… đi dạo.

 

Ông Châu đượm buồn, “gần hai chục năm mần cái nghề ni chưa khi mô tui khó khăn như rứa”. Để bảo vệ đàn lợn giống 4 con trị giá hơn hai chục triệu đồng, ông Châu kiên quyết không đón khách lạ. Ông cho biết phải kiêng khem phòng dịch rất cẩn thận, kẻo tay trắng mấy chốc.

 

“Chúng tôi khổ không kém họ!”

 

Đấy là câu trả lời ngắn gọn của nhiều chủ hộ bán thức ăn chăn nuôi gia súc trên địa bàn thành phố Hà Tĩnh. Anh Đức, chủ kiốt kinh doanh tổng hợp thuốc thú y và thức ăn chăn nuôi Đức Cần ở xã Thạch Bình buồn bã cho biết: hơn một tháng nay, công việc kinh doanh của anh gặp nhiều khó khăn, hàng hóa gần như không bán được, nhất là thức ăn của lợn, cửa hàng thiệt hại kinh tế không nhỏ.

 

Chị Nguyễn Thị Nhung, một người kinh doanh tinh bột gạo và ngô tại Thạch Bình, ngán ngẫm không kém. “So với những người phải tiêu hủy cả đàn lợn, chúng tôi cũng khổ không kém. Công việc kinh doanh quá khốn đốn. Hơn hai chục tấn ngô (khoảng 5,2 triệu đồng/tấn -PV) nhập về từ hơn tháng nay giờ nằm “chết” trong kho”.

 

Chị Nhung đau xót: Hàng nằm đó không phải cứ để dành là được. Thời tiết lúc nắng nóng, lúc mưa, lúc nồm khiến ngô bị hỏng, mốc nhanh chóng. Nếu không tiêu thụ được sớm thì chỉ có nước bỏ.

 

Dạo một vòng qua mấy vùng dịch, thấy rõ, đâu chỉ những người chăn nuôi mới đang khóc vì dịch lợn…

 

TT-Huế: Khốn đốn với dịch heo tai xanh

 

Ông Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, tính đến sáng nay 21/4, toàn tỉnh đã có 20 xã ở các huyện, TP có dịch heo tai xanh, với hơn 5.000 con mắc bệnh.

 

Địa phương này đang khẩn trương tiến hành tiêu huỷ và khoanh vùng dập dịch nhưng dịch bệnh vẫn lan nhanh trên diện rộng, không kiểm soát được. Huyện ngập trũng Quảng Điền đang đối mặt nguy cơ không có hố chôn tiêu hủy vì toàn bị ngập nước, các hố chôn sau hai ngày đã bị bục nước, bốc mùi hôi thối, gây ô nhiễm nặng.

 

Hệ lụy buồn từ “bão” dịch tai xanh  - 1
 

Lợn dịch vứt đầy đường, lực lượng tiêu hủy

không cần bất cứ một thiết bị

bảo hộ nào. (Ảnh: Thế Sơn)

 

Tại nhiều xã, hàng trăm con heo dịch được đưa ra phơi nắng đầy đường từ sáng sớm đến chiều tối mới được đưa đi chôn. Lực lượng dập dịch, tiêu hủy heo bệnh lại không dùng phương tiện bảo hộ, rất thờ ơ với dịch. Nguy hiểm hơn, hằng đêm, heo vùng dịch vẫn được bí mật tuồn đi vùng khác bán tháo mặc dù mỗi địa phương đều có chốt chặn.

 

Thế Sơn

 

Văn Dũng - Minh San