1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Hé lộ tung tích lao động nữ mất tích hơn 2 năm

(Dân trí ) - Doanh nghiệp (DN) đưa chị Toại đi làm việc tại Ả rập Xê út không được cấp phép chính thức. Tuy nhiên, Đại sứ quán Ả rập Xê út đã khẳng định chị Toại đã từng được cấp visa lao động, mở đường cho quá trình truy tìm thông tin tiếp theo.

Tiếp tục làm việc với pv Dân trí, lãnh đạo Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết thông tin mới nhất  liên quan đến vụ việc chị Nguyễn Thị Toại (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) mất liên lạc với gia đình gần 30 tháng qua, kể từ khi được đưa sang làm giúp việc tại Ả rập Xê út: Sau khi nhận được công văn từ Cục lãnh sự Việt Nam thông báo về sự việc, Đại sứ quán Ả rập Xê út tại Hà Nội đã tìm ra số visa của lao động Nguyễn Thị Toại là E55075900 và số hộ chiếu là B2655198.

Đơn vị đóng visa cho lao động Nguyễn Thị Toại là công ty CP Thương mại tổng hợp Bà Rịa- Vũng Tàu (Getraco). Người phụ trách đóng visa là ông Lê Đức Tuấn- khi đó là giám đốc Chi nhánh Hà Nội của công ty này. Tuy nhiên, theo hồ sơ quản lý của Cục Quản lý lao động ngoài nước Getraco, trong nhiều năm nay công ty này không năm trong danh sách các đơn vị được phép đưa lao động sang thị trường Ả rập Xê út, nhưng không hiểu qua kênh “chui” nào đó, họ vẫn xin cấp được visa cho lao động đi của mình.

“Thông thường, muốn đưa lao động sang quốc gia này, các đơn vị xuất khẩu lao động trong nước (65 đơn vị) phải gửi hồ sơ thẩm định lên Cục và thông qua Tổ chức tiếp tiếp nhận lao động Ả rập Xê út. Tuy nhiên trong trường hợp lao động Toại thì cả hai nguyên tắc này đều không được thực hiện. Như vậy có thể kết luận, lao động Toại được đi theo đường “chui”- Lãnh đạo Cục khẳng định.

Đáng chú ý, theo báo cáo, chi nhánh Hà Nội của công ty Getraco đã dừng hoạt động từ tháng 5/2011.

Hé lộ tung tích lao động nữ mất tích hơn 2 năm - 1
Gia đình lao động Toại đã bặt tin người thân gần 3 năm nay. (Ảnh: Văn Dũng)
 
Cũng theo thông tin từ cơ quan chức năng, người trực tiếp liên quan đến vụ việc này là bà Trần Khánh Ninh, thời điểm trước khi về làm giám đốc chi nhánh Hà Nội của công ty Vivaxan, bà là nhân viên của ông Lê Đức Tuấn, quản lý Trung tâm đào tạo, giáo dục định hướng (trực thuộc Getraco) - nơi chị Toại đã được đào tạo trước khi đi xuất khẩu lao động.

Dù vậy, sau khi Cục Quản lý lao động ngoài nước có công văn yêu cầu Getraco trả lời về trường hợp lao động Toại thì công ty đã có công văn gửi lại Cục khẳng định: trong tất cả các hồ sơ người lao động được đưa đi làm việc tại Arập- Xê út mà Công ty đã và đang quản lý, không có trường hợp lao động nào có tên, tuổi và địa chỉ như vậy?!

Được biết, sau khi nhận được công văn của Cục Quản lý lao động ngoài nước về vụ việc có dấu hiệu hình sự này, Công an Hà Nội đã triệu tập những cá nhân có liên quan, trong đó có ông Hoàng Anh Tuấn – người theo trình báo của gia đình lao động Toại và Bà Ninh để làm rõ quá trình sự việc.

Nguồn thông tin khác của PV Dân trí cho biết rằng, hiện chị Toại vẫn làm việc thuận lợi tại nhà chủ. Nhưng trước đó, khi trao đổi với PV Dân trí, bà Hoàng Thị Bính, mẹ của chị Toại kể: “Sau nhiều sức ép từ phía gia đình, mới gần nhất chị Ninh đã báo gia đình lên Văn phòng và nói sẽ nối máy cho tôi nói chuyện với Toại. Lúc đầu, nghe giọng có vẻ giống con gái tôi, nhưng khi tôi hỏi chuyện về họ hàng, chuyện của người thân thì người bên kia đầu dây không nói được gì, một lúc sau thì cúp máy”.

Thanh Trầm