1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Hành trình tìm ánh sáng của đôi vợ chồng mù

(Dân trí) - “Vợ chồng mình đặt tên con là Ánh Sao, chỉ mong sau này nó không phải chịu ảnh u tối như bố mẹ. Hai vợ chồng cũng đang cố gắng hết sức để Ánh Sao có cuộc sống tốt hơn”.

Hành trình tìm ánh sáng của đôi vợ chồng mù - 1

Gia đình nhỏ ít ánh sáng nhưng nhiều tiếng cười của anh Lương Văn Yên

Duyên phận 2 người mù

Dù ngày mưa hay nắng, dù ngày hè đổ lửa hay ngày đông rét thấu thịt da, trên các đường phố của thị trấn Con Cuông (Nghệ An), người ta cũng dễ dàng bắt gặp hình ảnh hai vợ chồng mù ôm chiếc đàn ghi ta mò mẫm qua các quán xá để ca hát mưu sinh. Tàn ngày, khi bước chân đã rã rời, khi giọng hát đã lạc, họ lại dắt díu nhau về nhà.

Họ - một người đàn ông và một người đàn bà mù - đã nương tựa vào nhau trong bóng tối của số phận. Và tình yêu của họ đã viết nên một câu chuyện cổ tích thật đẹp với cái kết có hậu là một cô con gái xinh xắn, lành lặn.

Tò mò, tôi theo họ về căn nhà nhỏ nép bên dòng sông Lam (thôn Tân Lập, xã Cẩm Khê, huyện Con Cuông, Nghệ An). Nói là căn nhà thì có vẻ hơi sang bởi thực ra nó chỉ là căn lều tạm bợ được che chắn bằng những tấm bạt thủng lỗ chỗ và những tấm lá cọ mục nát. Ngồi trong nhà nhưng gió ngoài sông vẫn thổi vào thông thống. Trong cái cảnh thiếu thốn u tối đó, bé Lương Ánh Sao giống như một điểm sáng, như tên gọi của bé vậy.

“Vợ chồng em mù từ nhỏ, đã không thấy mặt trời từ lâu lắm rồi. Có ai biết được mặt mũi của người kia ra sao, và cũng không thể mường tượng được cả khuôn mặt của con mình. Em quyết định đặt tên con là Ánh Sao, mong sao sau này đời cháu tươi sáng hơn chị ạ”, anh Lương Văn Yên mở đầu câu chuyện như thế.

Hành trình tìm ánh sáng của đôi vợ chồng mù - 2

Sau những ngày rong ruổi làm bạn với chiếc đàn ghita để mưu sinh, anh Lương Văn Yên tự thưởng cho mình một bản nhạc từ chiếc Ooc-gan cũ kỹ

Anh Lương Văn Yên ít nói, có lẽ toàn bộ hơi sức anh đã dành cho những bài hát mưu sinh rồi. Năm 8 tuổi, Yên bị mù sau một trận ốm nặng do biến chứng thương hàn. Từ một cậu bé khỏe mạnh hiếu động, Yên bỗng trở nên lầm lỳ sống thu mình. Bố mẹ nghèo quá, quần quật ngoài đồng cả ngày cũng không đủ cơm cho mấy đứa con nói gì đến việc chăm bẵm cho Yên. Cô đơn, buồn tủi, Yên càng sống khép kín hơn.

Rồi Yên được một đoàn cán bộ tỉnh về thăm và đưa xuống một trung tâm dành cho người khuyết tật ở TP Vinh. Và từ đây, cuộc sống của Yên có bước ngoặt lớn. Được sự yêu thương của các thầy cô giáo và có các bạn cùng cảnh ngộ, Yên dần tìm lại chính mình. Cũng tại đây, Yên tìm được tình yêu lớn nhất của đời mình.

“Trời lấy đi của em đôi mắt nhưng lại cho em giọng hát. Chính giọng hát này giúp em tìm được người bạn đời của mình. Và cũng nhờ nó em mới nuôi nổi mẹ con cô ấy”, anh Yên tâm sự. Ngồi bên cạnh, chị Lương Thị Hạnh trở nên e lệ, khuôn mặt đỏ ửng lên vì xấu hổ: “Là bạn cùng trường nên chúng em có biết nhau, chỉ quen biết xã giao thôi chứ không suy nghĩ gì xa xôi đâu. Nhưng anh Yên hát hay lại tham gia phong trào văn nghệ của trường. Không nhìn thấy anh ấy nhưng em lại bị giọng hát anh ấy hút hồn. Chính em tán anh ấy đấy chứ”.

Rồi họ cũng dần xích lại gần nhau hơn. Càng ở bên cạnh nhau họ càng cảm nhận được sự đồng điệu trong tâm hồn và sự chia sẻ, thấu hiểu lẫn nhau. Được thầy cô giáo và bạn bè động viên, chúc phúc hai người quyết định tiến xa hơn. Nhưng tình yêu của Yên và Hạnh lại gặp sự phản đối quyết liệt từ hai gia đình. Một người mù đã không tự nuôi nổi mình thì hai người mù sẽ sống thế nào đây?

Nhưng vượt qua sự ngăn cấm quyết liệt của hai bên gia đình, họ quyết gắn bó với nhau và chấp nhận cùng nhau vượt qua mọi khó khăn của cuộc sống, dẫu biết trước sẽ nhiều chông gai. Đám cưới của họ không có mâm cao cỗ đầy, không nhận được sự chúc phúc của hai bên gia đình nhưng vẫn ngập tràn hạnh phúc với sự tham dự của các thầy cô giáo và các bạn đồng cảnh ngộ.

Hát để sống

Nên vợ nên chồng, hai người quyết định rời trung tâm dành cho người khuyết tật về quê Yên ở thôn Tân Lập, xã Bồng Khê, Con Cuông sinh sống với hành trang là tình yêu và nghề chẻ tăm tre học được trong thời gian ở trung tâm, cùng chiếc đàn ghi ta cũ kỹ - quà cưới của những người bạn tại trung tâm.

Ở nơi thị trấn miền núi này, nghề chẻ tăm tre chẳng thể phát huy được. Với giọng hát và chiếc đàn cũ kỹ, hai vợ chồng chọn nghề hát rong để mưu sinh. Và cũng cái nghề này đã gánh vác mọi nhu cầu cuộc sống của hai vợ chồng, từ miếng cơm, manh áo cho đến tã, sữa cho đứa con gái - tài sản lớn nhất của hai vợ chồng.

Ngày ngày, hai vợ chồng mò mẫm dắt tay nhau đi từ sáng sớm đến đêm khuya. Vậy mà cũng đã 6 năm rồi kể từ ngày họ giã từ thành phố ồn ã về miền trung du này kiếm sống. Tất cả các con đường của thị trấn này, từ các khu chợ đến những quán ăn, nơi nào cũng lưu giữ bước chân 2 người.

Hành trình tìm ánh sáng của đôi vợ chồng mù - 3

Vợ chồng anh Yên, chị Hạnh hạnh phúc với tình yêu của mình

Thế nhưng để trụ được với nghề, hai người cũng phải đấu tranh tư tưởng ghê lắm. Anh Yên cười trong cay đắng, nghề hát rong có mấy ai ưa, nhiều nơi họ còn xua đuổi. Hai người mù dắt díu nhau đi, có khi va vào bàn cơm của khách hay làm đổ vỡ cốc bát của chủ quán. Ăn mắng tơi tả rồi phải móc những đồng tiền lẻ vừa được những người hảo tâm cho để đền. Ngày nào không may, hai vợ chồng phải ăn cháo trắng thay cơm. “Mình kiếm sống bằng chính sức lao động của mình nhưng mấy ai có thể cảm thông mà chia sẻ, thậm chí còn bị người đời ghẻ lạnh, hắt hủi”, anh Yên rầu rầu.

Mệt lả với những bước chân trên đôi dép mòn vẹt, với cổ họng đã khản đặc vì hát, họ cũng chỉ được 10 đến 20 nghìn đồng, đủ để mua bát gạo mớ rau để sống tằn tiện, thậm chí kham khổ qua ngày. Nhiều khi cả hai vợ chồng đi đến hơn 2 giờ sáng mới về vì bị lạc đường. Run rẩy trong mưa lạnh, hai vợ chồng chỉ biết nắm chặt tay nhau mà rờ rẫm trong bóng đêm. Trong cảnh khổ đó, họ vẫn động viên nhau gắng bước qua để hướng đến tương lai tươi sáng hơn.

Chị Lương Thị Hạnh thú thực, lúc quyết định gắn bó với nhau, anh chị cũng không dám mơ mình sẽ có con. Nói dại, anh chị bị mù, ngộ nhỡ sinh con ra không lành lặn thì lại thêm tội với nó. Nhưng rồi, trong niềm hy vọng lẫn lo sợ mong manh ấy, điều kỳ diệu hơn cả tỉnh yêu đã đến.

Phấp phỏng hy vọng và chờ đợi, năm 2008 anh chị sinh được một bé gái xinh xắn. Chị Hạnh xa xăm kể: “Khi mới mang thai, tôi tiếp tục nhận sự phản đối của mọi người. Họ bảo đã nghèo lại mù sao mà nuôi nổi con. Ngày mang thai bé Sao, tôi cứ phấp phỏng lo âu, nhỡ con sinh ra cũng phải chịu số phận như mình thì sao”. Thế nhưng ông trời dường như thấu hiểu lòng chị, đói khổ và thiếu thốn nhưng bé Lương Anh Sao vẫn chào đời bụ bẫm, khỏe mạnh và lành lặn.

Hành trình tìm ánh sáng của đôi vợ chồng mù - 4

Và không thôi hy vọng về tương lai tươi sáng của đứa con gái đáng yêu, lanh lợi

Trước đây hai vợ chồng nuôi nhau, cuộc sống đã khốn khổ. Nay có thêm một đứa bé nữa, trăm thứ phải lo, nỗi vất vả càng nhân lên gấp bội. Hai vợ chồng lại động viên nhau cố gắng nhiều hơn. Hàng trình tìm kiếm “ánh sáng” của họ bắt đầu sớm hơn và thường kết thúc muộn hơn để kiếm thêm đồng bạc lẻ cho bát cơm của con tươm tất hơn. Mệt mỏi nhưng chỉ cần cảm nhận con yêu lớn nhanh từng ngày, mọi vất vả dường như tan biến. 

Trời thương người lành, trộm vía, bé Sao lớn nhanh và khỏe mạnh, chẳng biết ốm đau là gì. Con bé 4 tuổi lanh lẹ và dường như đã biết lo toan, đảm trách một số công việc trong nhà; trở thành “hoa tiêu” dẫn đường cho bố mẹ. Bố mẹ đi hát, Ánh Sao tự mình cuốc bộ 2km đến trường mầm non để học.

Hành trình tìm tới ánh sáng của vợ chồng họ vẫn còn dài lắm; nhưng ngay lúc này họ đã thực sự chạm tay vào hạnh phúc.
 
Hoàng Lam - Thảo Nguyễn