1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Nam Định:

Hãnh diện và tự tin vươn khơi bằng tàu vỏ sắt

(Dân trí) - Từ xưa đến nay, ngư dân chỉ quen đi biển bằng tàu gỗ, chính vì vậy họ luôn ước mơ có tàu vỏ sắt để yên tâm bám biển. Những chiếc tàu vỏ sắt đầu tiên ở Nam Định đã tạo niềm tin cho ngư dân vào những chuyến đi biển dài ngày hơn.

Tìm về xóm Trung Châu, xã Hải Chính, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định là nơi đầu tiên của miền Bắc đón nhận 2 chiếc tàu vỏ sắt Hải Âu 01 và Hải Âu 02 của Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam - SBIC. Hai tàu Hải Âu 01 và Hải Âu 02 là 2 trong số 6 tàu được đóng theo chương thí điểm hỗ trợ ngư dân đóng tàu vỏ sắt khai thác thủy sản xa bờ của Chính phủ.

Tàu Hải Âu 01 được bàn giao cho ngư dân Phạm Văn Tuyên (sinh năm 1975), vào ngày 27/12/2013, còn tàu Hải Âu 02 được bàn giao cho ngư dân Trần Văn Châu (sinh năm1984), vào ngày 18/3/2014. Sau khi được bàn giao cả hai tàu Hải Âu 01 và Hải Âu 02 đã cùng ngư dân ra khơi đánh bắt dài ngày. Ngay chuyến đầu tiên ra khơi trừ các chi phí, cả hai chiếc tàu cũng đã thu lãi được hơn 100 triệu đồng.

Ngư dân Phạm Văn Tuyên, chủ tàu Hải Âu 01 vẫn chưa hết phấn chấn khi kể về những chuyến đi biển dài ngày trên chiếc tàu mơ ước: “So với những lần đi biển bằng tàu gỗ thì tàu Hải Âu 01 không thể chê vào đâu được bởi sự an toàn, ưu việt. Tất cả các anh em trên tàu đều yên tâm đánh bắt mà không lo lắng như những lần đi biển bằng tàu gỗ”.

Hãnh diện và tự tin vươn khơi bằng tàu vỏ sắt
 Sau chuyến đầu ra khơi, trừ tất cả chi phí, hai tàu vỏ sắt Hải Âu 01 và 02 cũng lãi được hơn 100 triệu đồng.

So sánh với tàu gỗ trước đây, anh Tuyên cho biết những ưu điểm mà tàu sắt mang lại là: khoang được thiết kế rộng và dài nên chở được nhiều hàng, nước, đá, lương thực và nhiên liệu được đảm bảo tuyệt đối; tàu rất kín không lo nước vào…

Cùng niềm vui với anh Tuyên, ngư dân Trần Văn Châu cho biết: “Mặc dù tàu tôi nhận sau tàu anh Tuyên, đến nay tôi cũng mới đi biển được 3 chuyến, nhưng tôi thấy tính về lợi ích kinh tế tàu di chuyển đỡ dầu hơn hẳn với tàu gỗ thông thường, số lượng lưới và ngư cụ được đem đi nhiều hơn nên đánh bắt được nhiều hơn. Anh em trên tàu ai cũng hứng thú và yên tâm bám biển làm ăn”.

Hãnh diện và tự tin vươn khơi bằng tàu vỏ sắt
 Khoang của tàu vỏ sắt to hơn, nên ngư dân yên tâm bám biển mà không phải lo về nhiên liệu và lương thực.

Trước khi có tàu vỏ sắt, anh Tuyên đã từng đi rất nhiều xưởng đóng tàu trên khắp đất nước để tìm hiểu. Muốn có một chiếc tàu vỏ sắt để yên tâm bám biển làm ăn, nhưng ngặt nỗi số tiền đóng tàu quá lớn. Đến khi nhận được dự án hỗ trợ thì anh mới hiện thực hóa được ước mơ của mình.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Mạnh Lân, Chủ tịch UBND xã Hải Chính, cho hay: “Trên địa bàn xã hiện nay có 47 tàu, nhưng hầu hết là tàu gỗ, ngư dân ai cũng muốn chuyển đổi sang tàu vỏ sắt, nhưng số tiền để làm tàu vỏ sắt lên đến 5 tỷ đồng, đó còn chưa kể đến việc sắm lưới và ngư cụ đánh bắt, hơn nữa thời gian thu hồi vốn trong vòng 5 năm thì hơi ngắn”.

Hai chiếc tàu Hải Âu 01 và Hải Âu 02 neo đậu ở cửa biển.
Hai chiếc tàu Hải Âu 01 và Hải Âu 02 neo đậu ở cửa biển.

Vốn sinh ra và lớn lên ở biển, dựa vào biển để làm ăn sinh sống, nên anh Tuyên thấu hiểu nỗi vất vả của những ngư dân khác. Mặc dù ngư dân khắp nơi ai cũng muốn có một chiếc tàu vỏ sắt để yên tâm bám biển, nhưng vốn đầu tư vào việc này là rất lớn. Trong khi đó việc hỗ trợ lại cũng rất khó khăn. Ngân hàng chỉ cho mỗi hộ vay tối đa 200 triệu đồng, mỗi tàu có 6 ngư dân cùng góp vốn cũng khó mà đủ.

Sau những lần ra khơi, nắm được những ưu việt mà tàu vỏ sắt mang lại, anh Tuyên và anh Châu đều rất mong mỏi ngư dân trong vùng chuyển đổi từ tàu gỗ sang tàu vỏ sắt để cùng nhau bám biển làm ăn. Nhiều ngư dân cũng mong muốn sẽ hiện thực hóa giấc mơ của mình là được hành nghề trên những chiếc tàu vỏ sắt để ngư dân yên tâm bám biển làm ăn và bảo vệ chủ quyền biển đảo của tổ quốc.

Đức Văn