1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Quảng Nam:

Hàng trăm “quặng tặc” vẫn “đục khoét” mỏ vàng Bồng Miêu

(Dân trí) - Gần 1 tháng sau công văn của tỉnh Quảng Nam về việc lập lại trật tự ở mỏ vàng Bồng Miêu, chúng tôi trở lại nơi này và được nghe lãnh đạo xã Tam Lãnh khẳng định: vẫn còn khoảng 400 “quặng tặc” vẫn đang ngày đêm “đục khoét” Bồng Miêu.

Trở lại Bồng Miêu, chúng tôi nhằm hướng mỏ AD1 (thuộc dãy núi Kẽm, thôn Bồng Miêu, xã Tam Lãnh, Phú Ninh, Quảng Nam) thẳng tiến. Tại khu vực này, tình hình không thay đổi so với cách đây vài tháng. Hàng chục lán trại với hàng trăm “quặng tặc” vẫn ngang nhiên đào khoét lòng núi để lấy quặng vàng.

Từ dưới chân núi, mùi axít đồng của cyanua do “quặng tặc” thải ra trong quá trình lắng lọc vàng theo con suối chảy xuống bốc lên thộc vào mũi khiến ai cũng xây xẩm mặt mày. Men theo con suối, càng lên cao mùi nồng nặc càng thộc vào mũi rất khó chịu.
 
Hàng trăm “quặng tặc” vẫn “đục khoét” mỏ vàng Bồng Miêu - 1
Đoạn suối cạn khô và có màu xanh lơ do cyanua tuyển quặng xả bốc mùi rất khó chịu

Dòng suối tơi tả, từng đống đá ngổn ngang khô cạn nhưng những dòng nước rỉ từ những khu lọc lắng quặng vàng “công nghệ cao” từ phía trên có màu xanh lợt nồng nặc vẫn ngày đêm chảy xuống dưới suối.

Gần 1 tiếng đồng hồ lội bộ cùng đội trưởng đội bảo vệ Công ty TNHH khai thác vàng Bồng Miêu Võ Văn Hùng, chúng tôi dừng lại ở lán trại đầu tiên của “quặng tặc”. Anh Hùng bảo nơi đây vừa có người nhưng thấy có người đến, tưởng công an nên họ rút vào hầm trốn hết rồi.
 
Hàng trăm “quặng tặc” vẫn “đục khoét” mỏ vàng Bồng Miêu - 2
“Quặng tặc” lánh mặt người lạ
 
Tại lán trại này, xoong nồi, chén bát vẫn còn đang để lại, bếp vẫn đang ngút khói, hai thoòng chứa gần 10m3 quặng vẫn còn đang hoạt động, hai thoòng nhỏ dùng để tuyển vàng bằng cyanua vẫn đang sủi bọt. “Thứ nước này lỡ nhúng chân xuống là thúi chân, lỡ nuốt phải một giọt vài giây sau là tắt thở”, anh Hùng cho biết.
Hàng trăm “quặng tặc” vẫn “đục khoét” mỏ vàng Bồng Miêu - 3
Đây là 2 thoòng chứa quặng để tuyển còn đang hoạt động

Chứng kiến quy trình sản xuất vàng “công nghệ cao” ở đây mới thấy được mức độ nguy hiểm của “quặng tặc”. Quặng được xay nhuyễn từ trong những hầm lò nằm hun hút trong núi rồi bơm ra bằng một đường ống dẫn xuống các thoòng xuống phía dưới ngoài mé núi.

Vì điều kiện mặt bằng không cho phép nên các thoòng được quây lại bằng bạt nằm chênh vênh lưng chừng núi, mỗi thoòng chứa được từ 4-6m3 quặng được xay nhuyễn. Sau đó, họ dùng chất cyanua lắng lọc lại rồi lấy vàng. Xái quặng sau khi được tuyển thì xả thẳng ra ngoài mé núi thành từng đống.
Hàng trăm “quặng tặc” vẫn “đục khoét” mỏ vàng Bồng Miêu - 4
Hai thoòng nhỏ chứa cyanua để lắng quặng vàng còn đang sủi bọt

Nguy hiểm nhất là chất cyanua sau khi tuyển vàng được xả thẳng ra các con suối chảy về dưới sông làm ô nhiễm tất cả những con sông suối bên dưới.

Tiếp tục men theo con suối, hàng chục lán trại của “quặng tặc” vẫn đang “ồn ào” khai thác với tiếng người nói cười. Từ trên cao nhìn xuống, xác định chúng tôi không phải là công an nên họ vẫn vô tư làm việc, thậm chí nhiều tiếng huýt sáo trêu chọc chúng tôi.
 
Hàng trăm “quặng tặc” vẫn “đục khoét” mỏ vàng Bồng Miêu - 5
Các thoòng chứa quặng chênh vênh nơi mé núi
 
Tại một hầm lò khác, chúng tôi phát hiện ống khói vẫn đang nghi ngút xả ra từ miệng ống. Tại miệng lò này, hàng chục ống cao su để dẫn nước vào, có ống dùng để đưa quặng trong hầm ra các thoòng bên ngoài rồi lắng lọc, có vài ống dùng để xả khói chạy máy xay quặng sâu hun hút trong hầm.
Hàng trăm “quặng tặc” vẫn “đục khoét” mỏ vàng Bồng Miêu - 6
Trước cửa một hầm lò, gần 10 ống nhựa vừa dẫn nước vào vừa dẫn quặng ra, lại có ống dẫn khói từ máy nổ trong hầm

Bên ngoài, cả một vùng cây rừng rộng lớn bị bao phủ bởi khói đen sì, ngỡ như nơi đây vừa xảy ra một vụ cháy rừng. Đội trưởng đội bảo vệ Công ty TNHH khai thác vàng Bồng Miêu cho biết họ phải dẫn khói ra ngoài nếu không sẽ bị ngộp thở trong đó.

Gần nửa ngày thực tế tại khu vực mỏ vàng Bồng Miêu, theo ghi nhận của chúng tôi tình trạng khai thác quặng vàng trái phép vẫn rầm rộ diễn ra bất chấp lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đã có công văn yêu cầu xử lý dứt điểm điểm nóng này.
 
Hàng trăm “quặng tặc” vẫn “đục khoét” mỏ vàng Bồng Miêu - 7
Một lán trại vẫn còn công nhân đang canh giữ

“Lực lượng bảo vệ chúng tôi bất lực vì không thể dẹp được nên họ cứ ngang nhiên khai thác, chúng tôi cũng rất mệt mỏi rồi nên cũng buông xuôi. Chỉ mong cho cơ quan chức năng ra tay quyết liệt để nơi đây được bình yên”, anh Hùng than thở.

Theo Chủ tịch UBND xã Tam Lãnh Bùi Quang Minh, sau khi lãnh đạo tỉnh Quảng Nam yêu cầu giải quyết dứt điểm điểm nóng này trước ngày 25/6 (thời hạn chót để người dân chấp hành tự giác đưa các máy xay nghiền đá quặng cũng như các loại quặng khai thác trái phép ra khỏi các khu vực cấm và vườn nhà), lực lượng chức năng từ xã đến huyện và tỉnh cũng đã tổ chức truy quét quyết liệt các hộ dân sản xuất trái phép quặng vàng tại nhà và trên các hầm lò.
 
“Sau ngày 25/6, ở khu vực dân cư người dân chấp hành tốt. Chúng tôi cũng đã tiến hành thu giữ 2 cối xay đá quặng, 5 máy nổ, 3 máy phát điện, 9 thùng hóa chất chứa cyanua, 1.000m dây dẫn nước và gần 50 tấn quặng. Ngoài ra cũng đã phá hủy 29 lán trại ở các khu vực Thác Trắng, Núi Kẽm, Ba Ra…” - ông Minh cho biết.
Hàng trăm “quặng tặc” vẫn “đục khoét” mỏ vàng Bồng Miêu - 8
Một lán trại khác vừa được lực lượng chức năng phá dỡ

Cũng theo Chủ tịch xã Tam Lãnh, hiện nay còn khoảng 200 người đang khai thác lén lút trong các hầm lò và 200 người đang khai thác ở các vùng núi xung quanh. “Tình hình rất phức tạp, không thể giải quyết một sớm một chiều mà đòi hỏi phải có một giải pháp đồng bộ từ tỉnh đến xã mới có thể ổn định được tình hình”, ông Minh bày tỏ.

Liên quan đến việc cá chết nổi trắng trên sông Bồng Miêu (thuộc thôn Đàn Thượng) thời gian qua mà người dân cho là do nước thải của Công ty vàng Bồng Miêu, ông Minh cho biết cá chết trên sông vừa qua là do người dân dùng trái cây thuốc hột rải xuống sông để lấy cá về ăn.

“Sau khi nghe dân báo chúng tôi đã đến hiện trường xác minh. Khu vực cá chết cách đập xả thải của công ty vàng Bồng Miêu gần 7km nên không phải do chất xả thải của Công ty vàng Bồng Miêu”, ông Minh khẳng định.

 Công Bính