1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Thượng Hóa - Quảng Bình:

Hàng trăm người dân kiệt lả vì đói

Đã ba tháng qua, người dân các thôn Mò o ồ ồ, Ón và Yên Hợp thuộc xã Thượng Hoá không còn lấy một hạt gạo. Tất cả sống nhờ vào củ mài, củ nhút đào trên núi. Từ ngày 2/10 đến nay họ lại bị vây chặt trong nước lũ. Việc đi lấy củ mài, củ nhút cũng không được nữa. Nhiều hộ gia đình lả đi trong cơn đói.

Lũ sâu, dân đói!

Nước mênh mông lại chảy ngược, con đường vào các thôn rẻo cao Thượng Hoá ngập chìm trong nước lũ sâu 5 đến 7 mét, có nơi sâu 10 mét, bằng chứng là cột điện dọc đường gần chìm trong lũ.

Hơn 4 giờ bơi trong nước lũ, chúng tôi nhoài được vào bờ, nằm vật ra thở nhưng còn phải bơi qua một khe sâu nữa mới vào đến thôn Ón.

Sĩ quan biên phòng Trần Ngọc Lĩnh - người được giao nhiệm vụ công tác tại thôn - mừng quýnh. Anh Lĩnh đau buồn: "Bà con đang đói, đứt bữa hết rồi, đói cả vùng rồi...".

Cao Xuân Tư - Phó thôn - líu ríu kể: "Thôn em có 55 hộ, 237 người, ba tháng nay không nhà nào còn gạo. Ba tháng nay, bà con phải bám vào rừng đào củ mài, củ nhút ăn trừ bữa. Nhiều người trong thôn bị cảm hàn, kiết lỵ nhưng trạm xá cũng hết thuốc rồi. Mấy ngày lũ, quá nửa trong thôn bị ngập sâu, nhiều bà con không ra khỏi nhà được, không đi lấy củ mài, củ nhút được, đành nằm đói...".

Anh Trần Ngọc Lĩnh thêm: "Thấy bà con quá đói, lại đau yếu, Trạm biên phòng chúng tôi chốt quân ở đây quyết định lấy 50kg gạo dự trữ cuối cùng phát cho bà con. Nhà nào có người ốm yếu thì được một lon, nhà có người đi lại kiếm sống được thì được nửa lon, nấu cháo cầm hơi...".

Trưởng thôn Cao Xuân Tình - nguyên là sĩ quan quân đội - nói chậm: "Nếu kéo dài thêm nữa, không chết vì đói, bà con cũng chết vì bệnh tật. Sao không có cán bộ nào vào với bà con chúng tôi?".

Anh Cao Xuân Tư và sĩ quan biên phòng Trần Ngọc Lĩnh đưa chúng tôi vào một số nhà dân. Tôi chưa bao giờ nhìn thấy cảnh bi đát đến như vậy. Chị Cao Liên ôm đứa con gầy thóp, bên cạnh chị là một mớ con ốc nóc mới xúc được (ốc nóc sau khi lớn thêm chút nữa, rụng đuôi thành con nhái).

Nhà anh Cao Xuân Hiếu 7 người đang ngồi - nằm trên nền đất. Anh Hiếu đang bị sốt rét, vẫn cố lết vào rừng kiếm củ cho cả nhà. Trông người anh không còn ra người, tiếng nói cũng chỉ thì thào trong cổ họng.

Một cái đói vò chặt cả ba thôn Mò o ồ ồ, Ón, Yên Hợp. Vây chặt ba thôn là dãy núi Ka Rung, Hung Pơ Nung, Hung Sạt, Hung Trâu, và trắng xoá nước lũ.

Tôi mang theo được một bao bánh quy mua ở thị trấn Quy Đạt. Tôi nói với cô giáo Đinh Thị Thu Hà: "Cô gọi các cháu đến lớp học, tổ chức phát bánh kẹo cho các cháu". Tôi nhìn các cháu mà không cầm nổi nước mắt. Cháu nào cũng xanh xao, gầy yếu vì đói.

Cô Hà nói: "Năm nay vì lũ lớn, nhà trường không thể tổ chức cho các cháu đón Trung thu được. May có các anh, các cháu có được chút bánh kẹo thế này là bọn em vui lắm".

Lãnh đạo các cấp ở đâu?

Sau lũ một tuần, gần một vạn dân ở huyện Tuyên Hoá (trong đó có 500 người dân tộc Mã Liềng) đang có nguy cơ đói vẫn chưa được cứu trợ. Kế hoạch cứu trợ đã có, nhưng đến hôm nay (8/10) vẫn nằm trên giấy.

Còn 600 người dân ba thôn rẻo cao của xã Thượng Hoá đang đói lả, cho đến ngày 8/10, vẫn chưa có một cấp chính quyền nào quan tâm.

Lãnh đạo xã Thượng Hoá ở cách ba thôn nói trên chưa tới 4 cây số, cũng chưa có ai vào với bà con để nắm tình hình. Nếu không có bộ đội biên phòng tại chỗ cứu giúp, chắc chắn tình hình còn khốn đốn hơn.

Dân đang đói, dân đang khốn khổ trong lũ, nhưng một bộ phận lãnh đạo tỉnh Quảng Bình đã rời địa bàn đi công tác, những cấp phó ở nhà thì chỉ biết nắm tình hình, báo cáo, làm tờ trình mà vẫn không giải quyết được việc gì.

Chủ tịch UBND huyện Minh Hoá Đinh Minh Chất hứa: Không chờ được cứu trợ của tỉnh, huyện sẽ điều thuyền chở khẩn cấp 1 tấn gạo và mì tôm lên cứu dân. 

Theo Nguyễn Quang Vinh
Lao Động