1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM "khát" cây xanh

Hàng trăm học sinh nơm nớp lo trường sập

(Dân trí) - Với lý do thiếu phòng học, trường PTTH Nghèn (Can Lộc, Hà Tĩnh) để hàng trăm học sinh ngày ngày phải ngồi học trong dãy nhà xuống cấp trầm trọng, có thể sập bất cứ lúc nào và đã bị yêu cầu dỡ bỏ từ năm 2001.

Đùa với tử thần

 

Dãy nhà A 2 tầng với 18 phòng học của trường PTTH Nghèn được xây dựng và đưa vào sử dụng từ đầu những năm 1990. Mới đưa vào sử dụng chưa lâu thì toàn bộ dãy nhà đã bị sụt lún, nghiêng hẳn về phía sau, tường bị nứt nẻ, hệ thống cầu thang bị xuống cấp trầm trọng; dãy nhà có thể sập bất cứ lúc nào.

 

Theo quan sát của chúng tôi, hiện toàn bộ dãy nhà đã nghiêng hẳn về phía sau, có nhiều vết nứt, tường bị bong tróc. Cửa sổ phần lớn bị hỏng nặng và không có chấn song, phòng học bị nghiêng về 1 bên, gây khó khăn và nguy hiểm cho học sinh và giáo viên. Mặc dù vậy, trường PTTH Nghèn vẫn tận dụng dãy nhà này cho việc học thêm, học bồi dưỡng...

 

Cô N.T.N, một giáo viên công tác trong trường, lo lắng: “Mỗi khi dạy trên tầng 2 dãy nhà này, ngoài đường ôtô đi qua cũng làm toàn bộ dãy nhà rung lên. Cả học sinh và giáo viên đều nín thở vì sợ nhà sập. Nhưng mãi rồi cũng quen dần”.

 

Nhiều giáo viên khác khi được hỏi cũng có chung câu trả lời: “Không muốn ngồi dạy và học dưới dãy nhà A nhưng không biết làm thế nào?”. 

 

Theo phán đoán của người dân nơi đây, “do nền địa chất vùng này thường hay bị lún nên nhiều ngôi nhà gần cạnh trường cũng có hiện trạng như vậy”. Tuy nhiên, một cán bộ địa chất lại nhận xét: “Khi phê duyệt xây dựng không nhiên cứu kỹ nền đất và cũng có thể là vì nhiều lý do khác nữa, rất tế nhị!”.

 

“Trường nghiêng chứ chưa sập” 

 

Ngày 19/4/2001, UBND huyện Can Lộc mà đại diện là ông Bùi Đức Hạnh, Phó Chủ tịch huyện, đã ra quyết định thanh lý và dỡ bỏ toàn bộ dãy phòng học nhà A nói trên, nhằm tránh nguy cơ bị sập, nguy hiểm cho thầy cô và học sinh. Quyết định có hiệu lực đã lâu nhưng dãy nhà nguy hiểm vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt”.

 

Đã qua mấy “đời” hiệu trưởng, dãy phòng học nhà A vẫn nằm đó, ọp ẹp, xập xệ, “lẩy bẩy”, và đặc biệt vẫn là nơi học thêm, học bồi dưỡng của hàng trăm học sinh.

 

Một số thầy cô đang giảng dạy tại trường lý giải: “Sở dĩ nhà trường chậm trễ trong công việc phá bỏ là vì không đủ kinh phí để xây dãy phòng học mới. Ngoài nguồn tiền học sinh đóng không có nguồn nào khác. Hơn nữa muốn phá bỏ dãy nhà A, nhà trường cũng phải làm đơn xin ý kiến nhiều nơi, chứ trường không đủ thẩm quyền”. 

 

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, thầy hiệu phó Thái Duy Phương thẳng thắn: “Chúng tôi biết cho học sinh học ở dãy phòng này là rất nguy hiểm. Nhưng trường cũng tính toán cả rồi, nhà tầng nghiêng vậy nhưng chưa thể sập được”.

 

Cũng theo ông Phương, hiện trường có khoảng 1.900 học sinh mà chỉ có 27 phòng học, vì vậy học sinh còn phải học thành 2 ca. Do đó cần phải tận dụng phòng, “nếu không làm thế biết lấy đâu phòng cho các em học? Chưa kể còn phải dành phòng học cho học nghề, và bồi dưỡng học sinh giỏi”.

 

Một phụ huynh học sinh bức xúc nói: “Hiện nay ngôi trường đang ở tình trạng quá xuống cấp, nhưng nhà trường vẫn đang lấy lí do “thiếu phòng học” để dạy. Tính mạng của hàng trăm học sinh đang bị đe dọa”.

 

Minh San