1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Kiên Giang:

Hàng trăm công an xã bỏ việc vì… cuộc sống khó khăn

(Dân trí) - Theo Công an tỉnh Kiên Giang, năm 2014 có 153 công an xã bỏ việc vì cuộc sống khó khăn. Lãnh đạo ngành Công an Kiên Giang kiến nghị Chính phủ tăng chế độ đãi ngộ đối với lực lượng công an xã vì đây là lực lượng nòng cốt ở cơ sở.

Sáng 18/3, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn công tác đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Kiên Giang về nhiệm vụ phát triển kinh tế, chính trị xã hội, công tác cải cách thủ tục hành chính, phòng chống tội, phạm, phòng chống buôn lậu.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Kiên Giang, năm 2014, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt khá, đứng thứ 3 trong vùng ĐBSCL, các dự án có tác động lớn đến phát triển kinh tế -xã hội được địa phương triển khai nhanh, đồng bộ như khu lấn biển Bắc TP Rạch Giá, đường hành lang ven biển phía Nam… 

Cụ thể, năm 2014, tổng sản phẩm trên địa bàn ước đạt 66.111 tỷ đồng, tăng 9,5% so với cùng kỳ 2013. Sản lượng lúa đạt 4,5 triệu tấn; thủy sản đạt 635.450 tấn; sản xuất công nghiệp đạt 32.672 tỷ đồng; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ là 55.369 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu đạt 471 triệu USD; lượng khách du lịch ước đạt 3,5 triệu lượt, trong đó một lượng lớn khách quốc tế đến Phú Quốc.

Về công tác phòng chống tội phạm, năm qua tỉnh đã kiểm tra phát hiện hơn 2.000 vụ việc vi phạm về buôn lậu, mua bán vận chuyển hàng cấm, hàng lậu, gian lận thương mại. Đã xử lý vi phạm nộp ngân sách hơn 75,5 tỷ đồng, xử lý hình sự 60 vụ, khởi tố 93 đối tượng.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc 
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý lãnh đạo ngành Công an tỉnh cần quán triệt sâu rộng, không thể để tội phạm lộng hành. 

Theo nhận định, tình hình hoạt động của các loại tội phạm ở địa bàn Kiên Giang ngày càng tăng. Năm 2014 tội phạm tăng hơn 8,6%, chủ yếu là buôn lậu, ma túy, trộm cướp, gây rối trật tự công cộng. Đặc biệt, tình hình buôn lậu trên biển diễn biến ngày càng phức tạp; số người nghiện ma túy ngày càng gia tăng. Riêng tội phạm tham nhũng chủ yếu do cơ quan quản lý lỏng lẻo, không có vụ việc mang tính có tổ chức.

Đại tá Đỗ Minh Dũng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Kiên Giang cho rằng, tội phạm gia tăng do cuộc sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn, phân hóa giàu nghèo ngày càng xa và đặc biệt là bất cập trong các văn bản chỉ đạo của Trung ương như vấn đề quản lý, xử lý các đối tượng nghiện ma túy… Ông Dũng đề nghị Chính phủ cần có chế độ đãi ngộ nhiều hơn đối với lực lượng công an xã, vì hiện nay lực lượng công an xã là lực lượng nòng cốt trong giải quyết mọi vấn đề ở cơ sở nhưng chính sách cho lực lượng này còn rất hạn chế. Năm 2014, đã có 153 công an xã ở tỉnh Kiên Giang bỏ việc do cuộc sống khó khăn.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao chuyển biến rất rõ nét về phát triển kinh tế - xã hội của Kiên Giang, có nhiều định hướng phát triển tốt. Mặc dù tỉnh có hơn 19% là đồng bào dân tộc nhưng tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 3,58%; 100% hộ nghèo, cận nghèo đều có bảo hiểm y tế là một sự nỗ lực, quyết tâm lớn của tỉnh.

Về công tác phòng chống tội phạm, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng lưu ý lãnh đạo ngành công an tỉnh cần quán triệt sâu rộng, không thể để tội phạm lộng hành. Tìm nguyên nhân, giải pháp để khắc phục tình trạng gia tăng các loại tội phạm, nhất là tội phạm buôn lậu, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý những cán bộ tiếp tay cho buôn lậu, hàng giả. Tiếp tục nắm chắc tình hình, chủ động đề ra biện pháp phòng ngừa, không để tội phạm hoạt động phức tạp.

Nguyễn Hành