1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Thanh Hóa:

Hàng nghìn hộ nông dân “bỗng dưng” mắc nợ

(Dân trí) - Mắc nợ “oan” và không có khả năng trả, hàng ngàn hộ dân nghèo ở tỉnh Thanh Hóa bị giữ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ năm 1999 đến nay. Về mặt pháp lý, họ không còn là chủ của những khu đất vốn là của mình.

Niềm vui từ một chương trính lớn…
 
Năm 1999-2000, Chương trình Phát triển cà phê chè của Chính phủ “rót” về 40.000 ha cho nhân dân nghèo miền núi tỉnh Thanh Hóa với mong muốn giải quyết khó khăn, phát triển kinh tế, kết thúc vào năm 2003. Chương trình triển khai được hơn 4.000 ha cà phê chè, tiếp thêm niềm vui cho những người dân nghèo.

Hàng nghìn hộ nông dân “bỗng dưng” mắc nợ - 1

Hàng trăm ha cà phê chè dự án nay đã được người dân chuyển đổi sang trồng các loại cây khác. Những gốc cà phê chè đã chết khô từ lâu, nhưng món nợ dân mang thì không biết bao giờ mới trả nổi (Ảnh: Bích Hải)

Chương trình được chia đều ở các huyện: Như Xuân, Triệu Sơn, Như Thanh, Nông Cống, Thọ Xuân, Cẩm Thuỷ, Ngọc Lặc, Thạch Thành, Yên Định. Những tưởng có cây cà phê sẽ thoát nghèo nên hàng ngàn hộ dân đã vội vàng, háo hức phá bỏ một số cây trồng truyền thống để khai hoang, cải tạo đất trồng cà phê.

Để có tiền tham gia dự án, gần 5.000 hộ dân thuộc các huyện trên đã ký hợp đồng vay vốn với Công ty Cao su Thanh Hoá. Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong khoảng thời gian từ 1999 - 2001 đã có 2.250 sổ đỏ, 11 giấy xác nhận quyền sử dụng đất, 1.488 hợp đồng giao khoán đất của nông dân được mang đi thế chấp để vay vốn ngân hàng. Tổng số vốn mà các hộ dân thực hiện dự án đã vay ngân hàng để trồng và chăm sóc cà phê tính đến ngày 30/6/2004 đã lên tới hơn 96 tỷ đồng.

Niềm vui ngắn chẳng tày gang. Người dân bắt đầu lo lắng vì hàng trăm ha cà phê lần lượt còi cọc, lụi tàn, khô héo… Hy vọng thoát nghèo, ước mơ làm giàu của hàng ngàn hộ dân như đứng bên bờ vực thẳm. Những người dân nghèo dần biến thành những con nợ bất đắc dĩ.

Hàng nghìn hộ nông dân “bỗng dưng” mắc nợ - 2

Ông Lô Quang Thanh, trưởng bản Cọc, xã Thanh Lâm, huyện Như Xuân đang xem lại hồ sơ vay nợ của gia đình: "Cây không thấy, chỉ thấy nợ nần khó có thể trả được" (Ảnh: Bích Hải)

Khi được hỏi về nguyên nhân cà phê chết thì hầu hết các hộ nông dân của dự án cà phê đều cho rằng: cà phê chết hàng loạt là do loại cây này không hợp với chất đất ở đây. Mặt khác, hầu hết số diện tích trồng cà phê đều không có hệ thống thuỷ lợi, nên việc tưới tiêu không thực hiện được, đất đồi khô hạn làm cà phê chết khô.

... và khoản nợ khổng lồ

Chỉ tính riêng huyện miền núi Như Xuân đã có 3.263 lượt hộ của 15/18 xã, thị trấn tham gia dự án. Tổng diện tích cà phê đã trồng lên tới hơn 2.000 ha; tổng kinh phí đã đầu tư tính đến ngày 31/3/2003 là hơn 46,8 tỷ đồng.

Ông Đặng Thông Tư, Phó Chủ tịch UBND huyện Như Xuân cho biết: “Nếu cộng dồn cây thì hiện nay tổng diện tích cà phê trên địa bàn huyện chỉ còn khoảng 15 ha. Khi dự án đổ bể, gánh nặng của khoản nợ lớn kia đang đè lên vai người nông dân…”.  

Gần 10 năm qua, nhiều mảnh đất đã từng có cây cà phê hiện hữu đã bị giữ sổ đỏ. Nhiều gia đình do tách hộ, muốn chia đất cho con nhưng không thể thực hiện được vì lí do trên.

Ông Lô Quang Thanh, ở bản Cọc, xã Thanh Lâm (huyện Như Xuân) tâm sự: “Đất rừng ở đây phần lớn đã nghèo kiệt, nhiều hộ muốn vay vốn để trồng một số cây công nghiệp, lấy gỗ nhưng không thể vay vốn ngân hàng để thực hiện vì không còn sổ đỏ, không có gì thế chấp”. Khi không còn sổ đỏ, chủ đất không còn các quyền như: chuyển nhượng, định đoạt, cho tặng, thừa kế, tín chấp... Hiển nhiên, về mặt pháp lý, người dân coi như không còn là chủ của chính khu đất nhà mình.

Hàng nghìn hộ nông dân “bỗng dưng” mắc nợ - 3

Hàng ngàn người dân tỉnh Thanh Hóa đang ôm nợ vì những hồ sơ vay vốn như thế này. (Ảnh: Bích Hải)

Tại xã Thanh Lâm (huyện Như Xuân) có 200 hộ, chủ yếu là hộ đồng bào dân tộc Thái, cũng đã trở thành con nợ, có gia đình nợ vài chục triệu đồng. 144 ha trồng cà phê của nông dân trong xã nay phần lớn đã được phủ xanh bởi các loại cây khác. Còn hồ sơ, sổ sách, giấy nợ... của 144 hộ dân bản Cọc liên quan đến dự án trồng cà phê đang được lưu giữ tại nhà trưởng bản Lô Thanh Quang.

Ông Quang vừa mở tập hồ sơ, giấy tờ vừa giãi bày: “Dự án không rõ ràng không phải do chúng tôi. Nhưng giờ chúng tôi lại mắc nợ. Dân miền núi ở đây quá nghèo, giờ có đánh chết chúng tôi cũng phải chịu chứ lấy đâu ra tiền mà trả. Riêng nhà tôi chỉ có 0,6 ha trồng cà phê, song sổ đỏ bị thu lại của cả 1,3 ha đất. Vậy 0,7 ha còn lại không liên quan nhưng giờ tôi cũng chẳng có quyền gì, thật vô lí!”.

Ngày 20/7 vừa qua, ông Đỗ Viết Liêm, Giám đốc Công ty cao su Thanh Hóa cho Dân trí biết: "Thời gian đầu cây cà phê phát triển rất tốt, đã cho thu hoạch bước đầu. Nhưng từ năm 2003 cà phê rớt giá, nắng hạn và sương muối nên gây cho bà con tâm lý hoang mang chán nản, bỏ bê không chăm sóc. Hơn nữa do nguồn vốn thấp, không kịp thời theo quy trình. Mặt khác, khi triển khai dự án, nguồn vốn đối ứng để đầu tư lại gặp nhiều khó khăn vướng mắc, bị gián đoạn trong thời gian dài. Đến khi dự án thất bại rồi, tiền thì bà con đã nhận, nhiều ngành, nhiều cấp kiểm tra kết luận bà con nông dân nợ tiền nhưng không đủ năng lực để trả.  

Theo nguyên tắc thì công ty không được phép giữ sổ đỏ của người dân, tuy nhiên trong hợp đồng vay vốn phát triển cây cà phê chè ở đây là người dân tự nguyện. Cái khó của chúng tôi là không biết cách gì để trả lại sổ đỏ cho người dân. Vẫn biết việc giữ sổ đỏ ảnh hưởng rất lớn đến năng lực đầu tư của bà con nhưng hiện tại chúng tôi bất lực về vấn đề này! Người nông dân khi tham gia chương trình này cũng đã làm rất chặt chẽ nhưng đây là do rủi ro. 

 
Tổng số vốn hộ nông dân vay của công ty tính đến thời điểm 31/12/2008 là gần 120 tỉ đồng, trong đó vốn gốc là hơn 78,6 tỉ đồng, lãi suất là hơn 40,7 tỉ đồng. Về phía công ty cũng có một phần trách nhiệm là do năng lực chỉ đạo của đội ngũ cán bộ nông vụ còn nhiều hạn chế, nên việc tuyên truyền, khuyến nông và cung ứng, quản lý và sử dụng phân bón, giống… có lúc có nơi chưa hợp lý". 
Trao đổi với Dân trí, ông Nguyễn Xuân Sang, Phó Giám đốc Sở NN & PTNT Thanh Hóa, cho biết: "Theo nguyên tắc chúng tôi cũng đã yêu cầu phía Công ty cao su giải trình và làm báo cáo về dự án do công ty làm chủ đầu tư với UBND tỉnh, Bộ Nông Nghiệp, Tập đoàn Vinacaphê để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét giải quyết xử lý những tồn đọng của dự án cà phê. 

Sở NN & PTNT với tư cách là đơn vị chuyên ngành có trách nhiệm nhắc nhở đôn đốc đối với công ty cao su. Riêng sổ đỏ của người dân, yêu cầu công ty xem xét, phân loại các hộ tham gia dự án. Những hộ có đủ năng lực thanh toán thì nên giải quyết cho họ, còn những hộ quá khó khăn phải hoàn thiện hồ sơ để báo cáo Chính phủ tạo điều kiện giúp bà con nông dân. 

Trong dự án này, trách nhiệm thuộc về phía chủ đầu tư, vì đây là đơn vị lập dự án và đề xuất tất cả nên phải có trách nhiệm với đối tác là người nông dân. Phía chủ đầu tư chỉ hỗ trợ cho người dân 1 năm, trong khi đó kế hoạch của dự án là hỗ trợ trong 3 năm (một năm trồng 2 năm chăm sóc - PV). 

Tuy nhiên chúng ta cũng cần đánh giá lại những nguyên nhân chủ quan và khách quan dẫn đến sự thất bại của dự án này. Điều quan trọng là tìm cách giúp bà con nông dân và doanh nghiệp tháo gỡ những khó khăn này".

Duy Tuyên - Bích Hải - Nguyễn Duy