1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Hải Dương:

Hàng ngàn người đổ về Côn Sơn - Kiếp Bạc

(Dân trí) - Lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc đã khai mạc ngày 4/10 tại xã Hưng Đạo (Chí Linh, Hải Dương). Hàng ngàn lượt đổ về dâng hương trong ngày đầu lễ hội lớn nhất khu vực châu thổ sông Hồng này, khiến nhiều ngả đường dẫn đến di tích liên tục tắc.

 
 
Hàng ngàn người đổ về Côn Sơn - Kiếp Bạc - 1
Đông đảo du khách và nhân dân địa phương nườm nượp đổ về tham dự lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc (Ảnh: Đô Quốc)

 

Lễ hội diễn ra trong 3 ngày từ 4/10 đến 6/10 (tức từ 16 đến 18/8 âm lịch). Sáng 16/8 âm lịch, lễ hội chính thức được khai mạc tại khu di tích đền Kiếp Bạc cùng lễ kỉ niệm 709 năm ngày mất của Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn và 567 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc - Danh nhân văn hóa Thế giới Nguyễn Trãi.

 

“Tháng tám giỗ cha tháng ba giỗ mẹ” là câu ca nhớ về lễ hội tưởng niệm ngày mất của Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn và ngày lễ hội thờ Mẫu Liễu Hạnh.

 

Lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc là lễ hội có qui mô lớn nhất ở khu vực châu thổ sông Hồng với hai phần lễ và hội.

 

Phần lễ gồm những nghi thức truyền thống, có ý nghĩa sâu sắc thu hút rất đông khách thập phương như Lễ hội quân trên sông Lục Đầu, lễ ban ấn, lễ tế tạ… Phần hội khá phong phú và đa dạng với nhiều cuộc thi như thi làm cỗ tiễn thánh, đua thuyền, đấu vật, hát dân ca, quan họ…
 
Hàng ngàn người đổ về Côn Sơn - Kiếp Bạc - 2
Lễ hội quân trên sông Lục Đầu (Ảnh: Đô Quốc)
 

 

Dù đã được chuẩn bị khá kĩ lưỡng nhưng do lượng khách đổ về quá nên hiện tượng tắc đường liên tục xảy ra vào các buổi sáng, tại khắp các ngả đường đến khu di tích Kiếp Bạc.

 

Nhiều du khách từ các tỉnh xa đã phải bỏ xe đi bộ vài cây số mới vào được đến khu vực đền. Vì thế, dịch vụ xe ôm tha hồ hốt bạc. Một “cuốc” từ chỗ ách tắc vào đến đền từ 15 đến 20 ngàn đồng.

 

Cũng vì tắc đường, dịch vụ gửi xe tự phát mọc như nấm. Hầu hết du khách từ xa đã mua vé xe của ban tổ chức nhưng không thể vào gửi xe tại bãi mà chấp nhận gửi xe tư nhân với giá từ 10 đến 20 nghìn đồng một chiếc.
 
Hàng ngàn người đổ về Côn Sơn - Kiếp Bạc - 3
Liên hoan diễn xướng hầu đồng (Ảnh: Đô Quốc)

 

Ghi nhận của PV Dân trí, một số hiện tượng mất mĩ quan còn khá phổ biến tại lễ hội: nhiều ăn xin chèo kéo du khách, xem bói tự phát.

 

Chị Nguyễn Thị Vân Anh, du khách từ Hà Nội chia sẻ: “Đây là một lễ hội lớn có ý nghĩa linh thiêng nên dù rất bận, tôi cũng sắp xếp thời gian đến lễ bái nhưng tắc đường kéo dài, thu vé cả hai khu di tích, hiện tượng ăn xin… làm cho khách thập phương chúng tôi vất vả quá”.

 

Bà Huỳnh Ngọc Huệ, 70 tuổi, ở thị trấn Chí Linh lại có những chia sẻ khác: “Đã mấy chục năm rồi, lễ hội nào tôi cũng đến đây dự ngày giỗ cha. Năm nào chả có ăn xin, xem bói, bún rong…Nhưng như thế mới là ngày lễ hội. Không có nữa nó buồn đi”.

 

Anh Thế - Đô Quốc