1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Nghệ An:

Hàng chục hộ dân “ở trọ” trên đất của mình

(Dân trí) - Mặc dù đã sinh sống ổn định 15 năm trời nhưng 34 hộ dân tại xóm 17, xã Khánh Sơn (Nam Đàn, Nghệ An) chưa được cấp giấy CNQSDĐ. Quyền lợi bị thiệt thòi, các hộ dân này như những người ở trọ ngay trên chính đất của mình.

Xóm 17, xã Khánh Sơn (Nam Đàn) đến thời điểm này có 34 hộ dân chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ). Điều đáng nói là để có diện tích này họ đã phải rời bỏ nơi chôn rau cắt rốn, bãi bồi ven sông để lên với vùng “chó ăn đá, gà ăn sỏi”, phục vụ chủ trương mở rộng cơ đê Năm Nam. 15 năm trời sống trên đất của mình mà cứ ngỡ như đang phải đi ở trọ khi tờ giấy màu đỏ chứng minh quyền sở hữu hợp pháp của họ vẫn chưa có.

Hàng chục hộ dân “ở trọ” trên đất của mình - 1

Ông Nguyễn Văn Lai: "Sống trên đất 15 năm mà vẫn chưa được cấp sổ đỏ. Chắc chính quyền quên chúng tôi rồi"

Năm 1996, thực hiện chủ trương mở rộng cơ đê Năm Năm (5 xã phía Nam huyện Nam Đàn), 34 hộ dân sinh sống ngay dọc tuyến đê này bị cắt một phần đất vườn. Để tạo điều kiện cho các hộ dân này sinh sống khi diện tích đất còn lại quá nhỏ, UBND xã Khánh Sơn đã di dời họ lên vùng rú Ngang và thành lập một xóm mới, gọi là xóm 17 như hiện nay. Từ 34 hộ dân lên xây dựng vùng rú Ngang theo diện “tái định cư” này, cùng với thời gian, xóm 17 đã phát triển và mở rộng với gần 100 hộ dân. Từ một vùng hoang vu, nay xóm 17 đã có nhiều nhà mái bằng, nhà tầng với mô hình phát triển vườn rừng. Thế nhưng hàng chục hộ dân nơi đây vẫn canh cánh một nỗi buồn: Chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất!

Ông Nguyễn Văn Lai (SN 1964) cho biết: "Tôi rời mảnh đất cha sinh mẹ đẻ ở xóm 6 lên đây từ năm 1996 khi Nhà nước có chủ trương mở rộng cơ đê Năm Nam. Hồi đó họ nói đi thì đi thôi, cũng được hỗ trợ ít tiền di chuyển. Đến nơi mới, họ chỉ mô mình cắm cọc làm lều ở đó rồi trồng chanh và mấy cây ăn quả. Dùi gắng mãi hai vợ chồng mới xây dựng căn nhà cấp 4 này để tránh mưa tránh nắng.

Nghèo khó quanh năm, vợ tui phải đi làm giúp việc ngoài Hà Nội, năm về 2 lần, đứa con gái đầu đi làm thuê trong Nam, nhà còn 3 bố con với nhau thôi. Có muốn phát triển kinh tế để vợ chồng con cái ở gần nhau cũng chịu, không có tiền", ông Lai tâm sự.

Nguyên nhân của sự nghèo khó như ông Lai nói là do đất chưa được cấp giấy CNQSD nên không có tài sản thế chấp cho ngân hàng để vay vốn sản xuất, phát triển kinh tế. “Đất ở gần 2 chục năm rồi nhưng chưa có sổ đỏ. Chắc xã quên mất chúng tôi rồi. Mấy lần chúng tôi lên xã hỏi thì họ nói là tình trạng chung của cả xóm, sau đó cũng thôi, không thấy họ nói chi nữa cả. Mà hồi đó, nhà tui là gia đình chính sách, tui thờ anh trai liệt sỹ mới được ở đây đấy chứ”.

Ông Đặng Văn Bình - xóm trưởng xóm 17, Khánh Sơn cho biết: “Vừa rồi, nghe bảo thực hiện chủ trương cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho những hộ chưa có, UBND xã mới bảo tôi phát giấy cho các hộ dân điền thông tin để chuẩn bị cấp sổ đỏ nhưng nghe nói vướng mắc thủ tục nên chưa làm được”.

Hàng chục hộ dân “ở trọ” trên đất của mình - 2

Ông Đặng Văn Bình: "Nghe nói vướng mắc thủ tục nên chúng tôi chưa được cấp giấy CNQSDĐ"

Theo ông Bình sở dĩ chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bởi vì các hộ dân này không còn giữ được các biên lai nộp tiền đất thời điểm mới lên đây định cư. Số tiền các hộ dân phải nộp từ 130 - 750 nghìn đồng, nhưng không nộp thống nhất một nơi mà lại nộp cho 5 người khác nhau (cán bộ HTX Khánh Sơn 2 và Cán bộ địa chính, thủ quỹ UBND xã) nên giờ cũng không biết số tiền đó đã đi đâu.

“Chính tôi cũng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Lúc chuyển từ xóm 5 lên đây tôi cũng không được cấp bất cứ giấy tờ gì cả, mà họ cũng không thu hồi bìa cũ nên giờ đất cũ vẫn còn bìa đỏ, còn đất đang sinh sống thì lại không có bìa. Không có bìa nên không có gì để thế chấp cho ngân hàng để vay vốn sản xuất, muốn phát triển kinh tế phải vay mượn bên ngoài với lãi suất cao. Nhiều hộ muốn bán đất hay cắt cho con cũng không được vì không có giấy CNQSDĐ. Vừa rồi tôi cũng đi hỏi nhưng cũng chưa thấy họ trả lời”, ông xóm trưởng xóm “ngụ cư” cho hay.

Hàng chục hộ dân “ở trọ” trên đất của mình - 3

Trong số hơn 50 hộ dân tại xóm 17, xã Khánh Sơn (Nam Đàn, Nghệ An) chưa được cấp giấy CNQSDĐ có đến hơn một nửa là các hộ dân lên đây theo diện tái định cu nhường đất mở rộng cơ đê Năm Nam

Mang những khúc mắc của người dân lên gặp cán bộ địa chính xã Khánh Sơn Nguyễn Trọng Hiển, ông Hiển cho biết: “Hiện tại việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân chuyển lên xóm 17 gặp khó khăn do vướng thủ tục. Không có căn cứ nào để cấp sổ đỏ cho họ bởi họ không có biên lai thu tiền đất, biên bản bàn giao đất về nơi ở mới. Vừa rồi đoàn thanh tra của huyện về yêu cầu kiểm tra toàn bộ thủ tục thu hồi đất, giao đất nhưng trong hồ sơ lưu trữ của xã chỉ còn hồ sơ khảo sát di dân, còn biên bảo thu hồi đất và giao đất thì không tìm được, cũng không rõ là có hay không có các biên bản này. Nếu ngày trước làm bài bản, quy củ thì đã không có chuyện này xảy ra. Việc này phải đợi huyện giải quyết, xã không làm được”.

Trong lúc đó, ông Phạm Viết Hòe - nguyên cán bộ quản lý đất đai của xã Khánh Sơn thời kỳ 1994-1996 khẳng định, vào thời điểm đó việc thu hồi đất và di dân còn dễ, vận động là người dân đi, chính quyền cũng không quan tâm lắm đến các thủ tục kèm theo, bởi vậy không có quyết định thu hồi đất cũng như bàn giao đất cho các hộ dân.

Hàng chục hộ dân “ở trọ” trên đất của mình - 4

Hàng chục lá đơn đề nghị cấp giấy CNQSDĐ của 34 hộ dân

Ông Lê Văn Bình - Trưởng Phòng TN&MT huyện Nam Đàn cho biết: “Theo quy định, để cấp giấy GCNQSDĐ cho các hộ dân thì phải căn cứ vào văn bản bàn giao đất, phiếu thu thực hiện nghĩa vụ tài chính của HTX hoặc UBND xã thời kỳ đó và bản quy hoạch mặt bằng phân lô. Tuy nhiên khi về kiểm tra lại UBND xã Khánh Sơn thì chúng tôi lại không tìm được những giấy tờ trên, trong khi căn cứ duy nhất của người dân là các phiếu thu thì không ai còn giữ được.

Vấn đề này thuộc về trách nhiệm của UBND xã Khánh Sơn. Huyện cũng đang tập trung chỉ đạo giải quyết nhưng vấn đề này quá tầm của huyện. Hiện tại toàn huyện Nam Đàn đang có tới 1.300 trường hợp như 34 hộ dân tại xóm 17, xã Khánh Sơn, chúng tôi cũng đang tổng hợp xin ý kiến tỉnh. Huyện và xã phải tìm cách giải quyết, không để cho người dân phải chịu thiệt thòi”.
 
Hoàng Lam