1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Hạn chế phương tiện cá nhân: Ưu tiên giải pháp "đánh" vào kinh tế

(Dân trí) - Đăng kiểm đối với xe gắn máy trên toàn quốc và quy định niên hạn sử dụng; hạn chế sở hữu phương tiện bằng giải pháp thuế, phí. Người không có hộ khẩu phải sinh sống ít nhất 5 năm trở lên tại thành phố lớn mới được đăng ký phương tiện cá nhân...

Đó là những điểm mới nhất trong dự thảo Đề án “Hạn chế phương tiện cá nhân tham gia giao thông tại các đô thị lớn” với được Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đưa ra nhằm lấy ý kiến của các Bộ, ngành, UBND các thành phố và người dân. Phạm vi áp dụng là 5 thành phố lớn gồm: Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Cần Thơ và Hải Phòng.
 
Chủ sở hữu phương tiện cá nhân sẽ phải nộp nhiều khoản thuế phí để được 
Chủ sở hữu phương tiện cá nhân sẽ phải nộp nhiều khoản thuế phí để được lưu hành xe

Trong nội dung dự thảo Đề án “Hạn chế phương tiện cá nhân tham gia giao thông tại các đô thị lớn” của Bộ GTVT, các giải pháp hạn chế sở hữu phương tiện cá nhân đầu tiên được tính đến là giải pháp về thuế, phí.

Bộ GTVT cho rằng việc đề xuất các giải pháp hạn chế sở hữu phương tiện bằng thuế, phí nhằm mục tiêu đưa ra các giải pháp khung chủ yếu để tăng mức thu đối với việc sở hữu phương tiện cá nhân và là giải pháp tác động vào kinh tế của người sử dụng phương tiện cá nhân. Tuy nhiên, việc đề xuất các mức cụ thể và thời gian áp dụng sẽ do Bộ Tài chính ban hành, phù hợp với sự phát triển của xã hội, đất nước và kết cấu hạ tầng giao thông.

Cùng với đó, tùy theo thời điểm cụ thể sẽ điều chỉnh các loại thuế: Thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế trước bạ, thuế đăng ký phương tiện. Riêng với phí môi trường - đây là khoản phí mà người sử dụng phương tiện cá nhân phải trả cho việc sử dụng phương tiện cá nhân phát thải và gây ô nhiễm không khí, tiếng ồn...

Đối với các giải pháp quản lý sở hữu phương tiện, sẽ cấp hạn ngạch cho các phương tiện được phép đăng ký mới (cấp quota - PV) đối với từng thành phố trên cơ sở tính toán phù hợp với sự phát triển của cơ sở hạ tầng thành phố đó, các thành phố chỉ cho cấp đăng ký phương tiện ở mức giới hạn/năm. Việc sở hữu phương tiện thông qua đấu giá.

Như vậy, cùng với việc phải bỏ tiền mua phương tiện thì chủ sở hữu phương tiện sẽ phải đóng tiền bảo hiểm, các loại thuế, phí và đặc biệt là phải đấu giá và nộp 1 khoản tiền để được quyền lưu hành xe. Tại khu vực nội đô các thành phố lớn, điều kiện để được sở hữu ô tô là chủ phương tiện phải chứng minh được có chỗ để xe.

Tiêu chuẩn kỹ thuật và môi trường sẽ được chú trọng đặc biệt khi dự thảo này nêu ra quy định phương tiện đăng ký mới tại các thành phố lớn phải đáp ứng được tiêu chuẩn về môi trường như khí thải, tiếng ồn... tương đương tiêu chuẩn Euro 3 đến 5 đối với ôtô. Đối với xe máy sẽ áp dụng quy định niên hạn sử dụng, tiến hành đăng kiểm xe máy trên toàn quốc; quy định (giảm) niên hạn sử dụng đối với các loại phương tiện vận tải đặc thù như taxi, xe buýt nhằm hạn chế số lượng phương tiện không đảm bảo kỹ thuật, giảm ô nhiễm môi trường.

Đặc biệt, Bộ GTVT đề xuất giải pháp hạn chế sở hữu phương tiện cá nhân theo thời gian sinh sống tại các thành phố lớn, theo đó điều kiện đăng ký phương tiện cá nhân đối với người không có hộ khẩu tại các thành phố lớn thì phải có thời gian sinh sống ít nhất là 5 năm trở lên.

Đối với các giải pháp hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân, Bộ GTVT đề xuất thu phí lưu thông vào nội đô thành phố theo khu vực, thời gian (xây dựng lộ trình cụ thể); phí phương tiện hoạt động vào giờ cao điểm nhằm giảm ùn tắc và hạn chế phương tiện cá nhân (ứng dụng công nghệ thu phí không dừng tại các trạm thu phí ra vào khu vực trung tâm thành phố); tăng phí dịch vụ trông giữ xe trong khu vực trung tâm thành phố (áp dụng đối với cả ô tô và xe máy, mức thu thực hiện lũy tiến theo thời gian và khu vực).

Nhằm hạn chế phương tiện cá nhân, dự thảo cũng đề cập đến giải pháp cấp phương tiện hoạt động theo khu vực, trong đó bao gồm một số trục giao thông chính vào giờ cao điểm, tuyến phố đi bộ, khu vực đi bộ, cấm hoạt động theo vùng từ đường vành đai nhất định...
 
Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết, để đăng ký phương tiện cá nhân đối với người không có hộ khẩu tại các thành phố lớn là phải có thời gian sinh sống ít nhất 5 năm trở lên là không khả thi, vì người dân có thể sử dụng xe đăng ký ngoại tỉnh và hoạt động trên địa bàn thành phố khác.

Cũng theo lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội, nên bỏ điều kiện để sở hữu ô tô con là phải chứng minh được có chỗ đỗ xe, vì biện pháp này đã từng đưa vào triển khai nhưng không khả thi.

Trong khi đó, đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho rằng cần hạn chế phương tiện cá nhân bằng biện pháp tăng thuế, phí, đặc biệt tăng phí chuyển nhượng, thuế tiêu thụ đặc biệt cao sẽ hạn chế được ô tô con…
 
 
Quỳnh Anh