1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Hải Phòng: Ma tuý mua dễ như rau!

(Dân trí) - Hoạt động mua bán ma tuý ở Hải Phòng đang ngày ngày diễn ra khá công nhiên, tại nhiều địa điểm với muôn vàn thủ đoạn tinh vi. Theo chân Bình, một con nghiện từng 4 lần cai nhưng bất thành, phóng viên Phạm Phúc Hưng đã xông vào những toạ độ nóng về “hàng trắng” trong lòng thành phố Cảng.

 “Chợ” ma túy trên phố đường tàu

 

Khoác lên mình chiếc quần soóc và chiếc áo phông nhàu nhĩ, cáu bẩn, chân xỏ một đôi dép lê quèn quẹt tôi theo Bình tới “chợ ma tuý” phố đường tàu khi kim đồng hồ vừa chỉ 22 giờ 30 phút.

 

Phố đường tàu ở Hải Phòng kéo dài từ phố Cầu Đất, qua đường Hai Bà Trưng đến cầu Quay. Nằm hai bên đường tàu là những căn nhà không số. Thời bao cấp, nhiều người dân sống dọc hai bên phố đường tàu này chuyên làm nhiệm vụ trung chuyển hàng lậu buôn chuyến, từ chè khô đến măng, mộc nhĩ... Khi tàu chạy chầm chậm để vào ga, hàng cứ thế bay vèo vèo qua cửa sổ và lan can tàu, “hạ cánh” vào đúng nhà đã định. Còn bây giờ, trong cơ chế thị trường, khu phố này lại sinh ra “hằng hà sa số” những “Tám Bính”, “Năm Sài Gòn” chuyên các ngón nghề “đột vòm”, “chôm chỉa”, “chạy vỏ”... và đặc biệt là xì ke, ma tuý....

 

Chúng tôi dừng xe tại đoạn giao nhau giữa phố đường tàu với đường Trần Nguyên Hãn. Cũng như ban ngày, phố đường tàu về đêm khá vắng vẻ. Bình bảo: “Trông vậy mà không phải vậy, muốn mua hàng trắng không đâu nhanh mà lại rẻ như đây. Thời gian trước, dừng xe máy là bọn nó xà đến trao hàng ngay trên lề đường. Gần đây công an truy quét liên tục nên chúng nó phải rút vào hoạt động bí mật, chủ yếu thuê bọn “chim lợn” vừa làm nhiệm vụ cảnh giới, vừa tiếp “mối” đến ăn hàng”.

 

Bình hất hàm về phía một quán nước tồi tàn cách đó không xa, lố nhố chừng 5, 6 gương mặt hốc hác đang ngồi nói chuyện một cách lạnh lẽo: “Đấy là bọn xe ôm đang chờ con nghiện. Chúng nó cẩn thận lắm, biết là sau khi phê thuốc, thân thể rũ rượi, không thể tự tìm đường mò về nên “lệch” thêm mấy nghìn cho bọn xe ôm chở về”. Im lặng một lát, Bình lạnh lùng nói tiếp: “Vả lại, nếu lỡ “quá tầm”, chết rục ở đấy thì cũng có đứa vác đi”.

 

Chúng tôi không phải đợi lâu, phía bên kia đường chốc chốc lại xuất hiện một vài chiếc xe ôm chở con nghiện lao tới. Những bóng người liêu xiêu nhanh chóng mất hút vào bóng sáng lờ nhờ. Bình tiếp tục nhấn ga, dông thẳng xe vào “chợ”. Bất ngờ từ đâu, một gã dặt dẹo chặn trước đầu xe: “Em lấy bao nhiêu?”. “Năm mươi, nhưng loại ngon đấy nhá!”, “Đưa loại không ngon để chúng mày tát vỡ mõm anh à. Anh đảm bảo “xịch” vào là người các chú nổ tung, nôn ngay”.

 

Sau một cái búng tay của gã này, Bình cho xe chạy rề rề vào trong. Đi vào một con ngõ sâu hun hút, tối đen, thấp thoáng một bà cô mặt húng hiếng son phấn. Chưa đầy một phút, gã chim lợn quay ra, chìa tay xin 5 nghìn dắt mối rồi đút vội “tép” heroin vào tay tôi.

 

Cảnh mua bán diễn ra chóng vánh, kẻ mua không mặc cả, người bán không nói thách, cứ đơn giản “tiền trao cháo múc”. Theo lời Bình, trong số khách hàng thường xuyên ở đây, không ít người là phụ nữ. Đó là những nhân viên từ một số quán karaoke, gội đầu thư giãn, nhà nghỉ sau ca đêm tìm tới đây ăn hàng. Muộn hơn chút nữa, tầm 2-3 giờ đêm, chợ ma tuý lại nhộn nhịp khác thường bởi đây là lúc con nghiện toả đi trộm cắp ở khắp nơi tụ về bán đồ chôm chỉa, lấy tiền thoả mãn cơn vật thuốc.

 

Chết mòn ở ngõ Đình

 

Chúng tôi lại lao về hướng ngõ Đình - một địa danh đã từ lâu nhức nhối về nạn buôn bán ma tuý trong ánh sáng nhàn nhạt của buổi bình minh. Nơi này chỉ cách trung tâm thành phố vài phút chạy xe nhưng chúng tôi có cảm giác như mình đang lạc về một thế giới khác. Theo lời Bình, chợ ma tuý này họp cả ngày nhưng tấp nập nhất vào tầm chiều muộn và sáng tinh mơ. Đây là “cữ” con nghiện vã thuốc và cũng là lúc hoạt động mua bán ma tuý diễn ra nhộn nhịp nhất.

 

…Đó là một con hẻm ngoằn ngoèo, nhỏ xíu len lỏi giữa những bóng nhà rách nát, tồi tàn. Ở căn nhà đầu tiên nhỏ đúng bằng chiếc giường, một cô gái son phấn trát bự mặt và hai gã ma cô đang cởi quần, chuẩn bị đâm xi lanh vào bẹn. Lòng ngõ chật như nêm cối với những hình hài gầy guộc, đen bẩn, kẻ đứng gục bở tường mắt lim dim, kẻ ôm nhau nằm co quắp.

 

Một cô thều thào sau khi đã móc tay vào họng cạo ra một vốc mủ: “Cho em xin nằm đây một lúc nữa”. Bình thì thầm khi chúng tôi liên tục phải lách người tránh những con nghiện và bơm kim tiêm vứt xung quanh: “Con này là L, trước làm gái, cũng thuộc diện có nhan sắc, giờ bết quá chủ nhà đuổi ra ngoài, nó phải lê lết ăn xin, có khi phải dồn xi, xóc xi vứt đi để chích lại. Nó tưởng mình là đầu gấu. Chó thật, sắp chết rồi mà vẫn lăn lóc ở dọc đường...”

 

Chúng tôi bước tới một quán nước tồi tàn le lói ánh đèn. Trước cửa, 5-6 con nghiện ngồi la liệt thản nhiên “phi kim” như giữa chốn không người. “Cho tép hai”, B “tỉn” cất cái giọng nhừa nhựa của một con nghiện. Chủ quán, một người đàn bà chừng 30 tuổi béo lẳn bĩu môi “nói mát”: “Hai thằng thế kia mà sao keo bẩn thế?!”. Nhưng khi đồng 20 nghìn vừa đưa ra, trong tay B “tỉn” đã có một gói heroin nhỏ xíu vừa được chuyền từ tay một đứa trẻ chừng 14, 15 tuổi sang.

 

Tôi gọi với vào bên trong: “Hai xi nhá”, tiếng một người khác nói vọng ra “hết nước cất rồi, chơi tạm nước sôi đi”. B “tỉ” cằn nhằn “chơi thế nhiễm trùng máu bỏ mẹ” nhưng sau vài phút, hắn cũng tặc lưỡi bỏ ra tờ một nghìn để nhận 2 chiếc xi-lanh. Quanh tôi, những con nghiện cứ lăm lăm ống tiêm lượn lờ tìm chỗ chích. Chợt thấy lạnh toát sống lưng, nhỡ sơ sểnh để mũi kim tiêm kia sớt nhẹ vào người là kể như số phận đã an bài.

 

Trời càng sáng, những con nghiện cứ nườm nượm đổ về, người vào kẻ ra không ngớt. Tiếng khóc, tiếng cười, tiếng hát của những con nghiện phê thuốc quyện cùng tiếng í ới gọi nhau của những “chiến hữu” lâu ngày gặp lại khiến “chợ tử thần” bớt đôi phần lạnh lẽo…

 

Còn phải chờ đến khi nào?

 

Đó là câu hỏi mà nhiều người dân thành phố này đặt ra trước thực trạng ma tuý đang được “buôn bán trao tay” tại nhiều địa điểm trong thành phố: khu Đồng Bún, Đồng Tâm, khu ngã 5 Tượng đài Liệt sĩ (quận Kiến An), khu đường tàu Cát Cụt... Sự tồn tại của những “chợ” ma tuý này như những “khối u” giữa lòng thành phố.

 

Dù các cơ quan chức năng đã tổ chức biết bao lần vây ráp, truy quét song trên thực tế, vẫn chưa thể dẹp bỏ tận gốc hiện trạng đáng sợ đó. Thậm chí, theo lời những con nghiện mà chúng tôi tiếp xúc khi thực hiện bài viết này, ngay sau mỗi chiến dịch, “chợ” lại tái họp với những ngón nghề ranh mãnh hơn, táo tợn hơn, thủ đoạn của những kẻ buôn bán cái chết trắng cũng ngày một tinh vi hơn. 

 

Phạm Phúc Hưng

 

* Tên một số nhân vật đã được thay đổi theo yêu cầu.