1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Hà Nội: Lạ mắt vì vắng hàng rong

(Dân trí) - Không đợi bị nhắc đến lần thứ hai, gánh bánh cuốn Thanh Trì ở góc Hàng Gai - Tô Tịch đã được dọn từ 7h30. Nhìn hai vị khách già, bà chủ quán miệng nói mà mắt như khóc: “Thôi các ông cố ăn hôm nay đi, mai thì ăn cơm nguội ở nhà nhé…”

Buổi sáng cuối cùng… và đầu tiên

Ngay từ 6 giờ 15 phút sáng nay, người dân Hà Nội đã cảm thấy những điều rất khác lạ mà có lẽ đã quá lâu rồi không gặp. Những góc phố, những vỉa hè, con đường ngày thường vốn nhộn nhạo nay bỗng dưng thẳng tăm tắp, vắng bóng hẳn những mẹt hàng rong. Nơi không khí chộn rộn sớm nhất có lẽ là tại các trụ sở chính quyền với công tác chuẩn bị cờ hoa, băng rôn, khẩu hiệu, được dán, được treo mắc trên thành xe, cổng trụ sở… Hầu như góc phố nào cũng có bóng dáng lực lượng công an phường, dân phòng, thanh niên tự quản nhắc nhở người dân chấp hành luật lệ, trật tự hè đường.
 
Hà Nội đã thực sự khoác lên mình một tấm áo mới.
 
Hà Nội: Lạ mắt vì vắng hàng rong - 1

Công tác tuyên truyền diễn ra từ 6 giờ sáng trước cổng trụ sở UBND phường Đội Cấn
 
Nơi thấy rõ nhất tác động của chiến dịch ra quân lập lại trật tự nơi vỉa hè của các cấp chính quyền Thủ đô là quận Hoàn Kiếm. Dọc vỉa hè các phố Lương Văn Can, Hàng Gai, Hàng Lược, Bà Triệu, phố Huế chỉ sau một đêm trở nên rộng rãi, thoáng đãng hơn hẳn. Nhưng một điều không khó để nhận ra, dù có chăm chỉ thu cất đến đâu thì hầu như hàng quán, cửa hàng nào cũng vẫn “chừa” lại ít chân bàn, ít ghế bệt. Dĩ nhiên, chỉ sau cú ngoắc tay, tiếng còi kèm theo cây gậy chỉ đầy kiên quyết của lực lượng chức năng, những thứ đó được dọn lên. Và cũng gần như một kiểu phản xạ, không lâu sau đó, chân bàn, một vài chiếc ghế lại được mang ra.
 
Hà Nội: Lạ mắt vì vắng hàng rong - 2

Lực lượng chức năng phải làm việc vất vả đoạn trước Viện Mắt Trung ương

Hình ảnh đặc biệt gây nhiều ấn tượng với chúng tôi trong buổi sáng ra quân hôm nay là bà cụ chủ mẹt hàng bánh cuốn Thanh Trì nơi đầu góc phố Hàng Gai - Tô Tịch. Như thường lệ, bà cụ Ước dọn hàng ra từ 5 giờ 30 phút sáng và thường ngồi đó đến khi vị khách ăn sáng cuối cùng cất bước. Nhưng hôm nay thì khác. Ngay từ 7 giờ sáng, gánh hàng của bà cùng một vài vị khách trung niên đã liên tục bị “đánh động” bởi ánh đèn flash chớp sáng, tiếng lách cách của nhiều chiếc máy ảnh khi lực lượng tự quản đến nhắc nhở.

“Thôi các ông ăn cố hôm nay đi, mai thì ăn cơm nguội ở nhà nhé”, tiếng nói kèm theo nụ cười móm mém của cụ già đã không giấu nổi ánh mặt đượm buồn. Và chỉ ít phút sau khi vị khách cuối cùng kết thúc bữa ăn sáng, bà cụ đã gần 80 tuổi cùng người cháu gái mau mắn xếp gọn gánh hàng, lên xe và chiếc xe chầm chậm lăn bánh. Có lẽ, đây là buổi bán hàng cuối cùng của bà cụ đã từng 60 năm gắn bó nơi góc phố này.

Rảo bước trong “mùa” chiến dịch

9 giờ 30 phút, trên một góc phố nhỏ trên đường Bà Triệu, hai người phụ nữ tên Lâm và Tính, cùng quê Hưng Yên đang gánh rau, rảo bước như chạy. “Tôi biết, nếu dừng lại bán là không được, sẽ bị phạt. Nhưng nếu đi như thế này, thì sẽ không…”, chị Lâm cho biết.
 
Chỉ về 2 gánh rau còn đầy ắp ụ, chị Tính cười mếu máo: “Không biết khi nào hết đận gian khó này. Nếu không bán nữa thì về quê biết làm gì?”. Theo tính toán nhanh của hai người phụ nữ này, mỗi ngày gánh rau rong các phố cũng giúp họ thu nhập chừng xấp xỉ 100 nghìn, trong khi đó, về quên thì chỉ biết trông chờ vào mấy sào ruộng ít ỏi.
 
Hà Nội: Lạ mắt vì vắng hàng rong - 3
Vỉa hè khu vực phố cổ Hà Nội bỗng chốc trở nên quang đãng

Cũng cần ghi nhận, việc thực hiện chủ trương cấm để xe ô tô, xe máy, xe đạp trên hè phố gặp thuận lợi tại nhiều tuấn phố văn minh đô thị. Cụ thể như tại phố Tràng Tiền, Tràng Thi, Hàng Bông, Đinh Tiên Hoàng, Lê Thái Tổ, lực lượng chức năng tại đây gần như không gặp phải trường hợp lấn chiếm.

Trong khi đó, tại một số tuyến phố mà hoạt động kinh doanh buôn bán vốn chủ yếu diễn ra trên vỉa hè như Hàng Lược, Chả Cá, Lương Văn Can, lực lượng chức năng vẫn vấp phải thái độ chấp hành theo kiểu đối phó. Đây là minh chứng rõ nét nhất của việc một chủ trương đúng, cần tốn rất nhiều thời gian, công sức của nhiều ban ngành.
 
Hà Nội: Lạ mắt vì vắng hàng rong - 4
Ảnh chụp trên phố Đường Thành

Đến giữa trưa, không khí của ngày đầu tiên ra quân vẫn chưa hết nóng bỏng. Khoảng 11 giờ, vỉa hè phố Giảng Võ đoạn chạy qua dãy nhà hàng quán ăn bỗng trở nên thông thoáng lạ thường. Đám nhân viên quán cơm Nhà Chè thay vì dựng xe tầng tầng lớp lớp phía trước cửa quán, nay san đều thành một hàng chạy dọc vỉa hè. Các quán cơm xung quanh cũng cùng áp dụng phương cách này.

“Lập lại trật tự, không phải đuổi hàng rong”

7h sáng ngày 1/7, Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã có mặt tại buổi lễ ra quân của phường Điện Biên, quận Ba Đình. Trong cuộc gặp này, ông Thảo nhiều lần nhấn mạnh không thể dùng biện pháp cứng rắn, ra quân một cách rầm rộ mà kết hợp với đó vẫn là tuyên truyền nâng cao ý thức, thay đổi một số thói quen của người dân.

Ba Đình là trung tâm hành chính của Thủ đô nơi hầu hết các cơ quan trung ương đều đóng trên địa bàn quận nên việc đảm bảo trật tự đô thị luôn được coi là nhiệm vụ trọng tâm. Trong danh mục 62 tuyến phố cấm bán hàng rong thì quận Ba Đình có tới 26 phố và hầu hết đều là những địa danh gắn với các khu di tích lịch sử và các cơ quan trung ương.

Cũng trong cuộc trao đổi này, một lần nữa vị Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh: “Quy định 02 và quyết định 20 của thành phố không phải loại bỏ hàng rong mà hướng tới sắp xếp bà con có nơi, có trốn nên việc tuyên truyền vẫn là giải pháp lâu dài. Vai trò chính quyền cơ sở là phải tính toán nghiên cứu, quy hoạch điạ bàn của mình để người dân vừa có chỗ kinh doanh buôn bán hợp ly vừa có chỗ để xe nhưng vẫn tạo nên trật tự phố xá. Cấm mà không lo được chỗ để xe, buôn bán cho dân thì sẽ không hiệu quả. Bên cạnh xử lý phải có động viên khen thưởng những cá nhân tập thể làm tốt công tác này!”.

Cũng cần phải nhắc lại, trong cuộc trao đổi với báo giới chiều qua, 30/6, khi một phóng viên hỏi về việc có thông tin cho rằng một quận nội thành của Hà Nội có chủ trương loại bỏ hoàn toàn hàng rong trên địa bàn, một lãnh đạo của TP đã khẳng định: “Việc thực hiện Quy định 02 và Quyết định 20 là sắp xếp, ổn định lại hàng rong; để cho Hà Nội xanh, sạch, đẹp. Hiện nay hoàn toàn không có chủ trương xóa bỏ hàng rong”.

Phúc Hưng