1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

TPHCM:

“Gồng mình” chống dịch tay chân miệng và sốt xuất huyết

(Dân trí) – Kết thúc tháng cao điểm phòng chống, nhưng dịch tay chân miệng vẫn tiếp tục lây lan trên điện rộng. Trong khi đó, sốt xuất huyết bắt đầu bùng phát mạnh, thành phố đứng trước nguy cơ bị hai loại bệnh dịch tấn công, ngành y tế đang phải “gồng mình” chống đỡ.

Phòng chống tay chân miệng “sai một li đi một dặm”

Thêm một trường hợp tử vong tại bệnh viện Nhi Đồng 2 vào ngày 6/6 đã đưa số ca tử vong vì bệnh tay chân miệng (TCM) kể từ đầu năm lên đến 13 trẻ. Nỗ lực phòng dịch và hạn chế số ca tử vong đang thất bại, trong khi đó việc mua máy thở để hỗ trợ cho công tác chống dịch được Sở y tế “đệ trình” lên UBND thành phố vẫn còn phải… “chờ lên kế hoạch”.

Đầu tháng 5/2011 Sở y tế thành phố đã phát động tháng cao điểm phòng chống dịch bệnh TCM. Nhưng một thực tế trớ trêu đã xảy ra, bởi tháng cao điểm phòng chống đã trở thành tháng dịch bệnh bùng phát dữ dội nhất. Với 640 trường hợp phải nhập viện, tháng 4/2011 được xem là tháng “nóng” về dịch bệnh khiến ngành y tế “cuống cuồng” tìm giải pháp ứng phó. Nhưng kế hoạch vạch ra một đường việc thực hiện lại chạy sang một nẻo khiến số ca bệnh TCM trong tháng 5 tăng vọt lên con số chóng mặt 1.433 ca, tăng 337% so với cùng kỳ năm 2010.

“Gồng mình” chống dịch tay chân miệng và sốt xuất huyết - 1
Số ca mắc TCM đã tăng vọt trong tháng 5 (cột màu đỏ)

Trước thực tế trên ông Lê Trường Giang, Phó giám đốc Sở Y tế thành phố “cắt nghĩa” cho thất bại nặng nề này: “Công tác phòng chống dịch mắc sai phạm nghiêm trọng từ Trung tâm y tế dự phòng thành phố đến các Trung tâm y tế dự phòng quận huyện. Cả hệ thống đã không làm đúng chỉ đạo vệ sinh hàng ngày, khử khuẩn hàng tuần tại các hộ gia đình có trẻ dưới 5 tuổi.”

Cũng theo ông Giang: “Qua kiểm tra công tác phát thuốc diệt khuẩn chống dịch nhiều quận huyện chỉ mang thuốc đến phát cho các hộ có dịch mà quên khoanh vùng chống dịch nên đã để TCM lây lan rộng hơn. Hiện trên địa bàn thành phố có khoảng hơn 100.000 hộ dân có trẻ dưới 5 tuổi, nhưng chỉ có 10.000 lọ chất khử khuẩn Surfanios  phát miễn phí. Việc phát thuốc được xem như “chất xúc tác” để hướng dẫn người dân đi mua dung dịch khử khuẩn về chống dịch nhưng Trung tâm y tế dự phòng các quận huyện đã không thực hiện công đoạn truyền thông giới thiệu sản phẩm.”

Khi việc chống dịch nóng hơn ngồi trên chảo lửa thì lãnh đạo của một số Trung tâm y tế quận huyện lại “bỏ quên” công tác này. Lý giải về việc không đến nhận thuốc sát khuẩn về phát cho dân, đại diện Trung tâm y tế quận 10 cho biết: “Quận 10 không nhận được thông tin từ Sở… Khi nhận được thì các phòng ban đều bận.” Tương tự đại diện quận Phú Nhuận khẳng định: “Không nhận được chỉ đạo của Sở về việc phát thuốc sát khuẩn cho dân.” Tranh luận ai đúng ai sai ấy, vẫn chưa đến "hồi phân giải".

Nguy cơ bị hai loại dịch bệnh “đánh úp”

Giữa lúc ngành y tế đang phải dồn hết lực để đối phó với dịch TCM thì bệnh sốt xuất huyết (SXH) đang có những diễn biến bất thường. Trong 5 tháng đầu năm, toàn thành phố đã có 3.827 trường hợp phải nhập viện vì SXH, 1 trường hợp đã tử vong. Tính riêng tháng 5 số người mắc bệnh là 518 trường hợp, nếu so với cùng kỳ năm 2010 số ca bệnh đã tăng lên 81%.

“Gồng mình” chống dịch tay chân miệng và sốt xuất huyết - 2
Thành phố đang đứng trước nguy cơ bị hai loại bệnh tấn công
 
Khu vực phía Nam đã chuyển sang mùa mưa, đây là thời điểm thích hợp cho loại muỗi gây bệnh SXH phát triển. Hiện, bệnh SXH đã lan rộng tại 198/322 phường xã thuộc địa bàn thành phố với tỷ lệ trung bình mỗi phường có 2,6 người mắc bệnh. Nguy cơ SXH bùng phát mạnh đang khiến ngành y tế lo ngại.

Bà Lê Hồng Nga, Phó khoa Chăm sóc và Kiểm soát bệnh truyền nhiễm thành phố kêu gọi người dân tăng cường diệt lăng quăng và thực hiện các biện pháp phòng tránh SXH cho gia đình. Bên cạnh đó Sở Y tế sẽ tổ chức các chiến dịch ra soát lại các “điểm nguy cơ” và “vùng nguy cơ” của dịch bệnh, đồng thời kiên quyết xử phạt các hộ gia đình, các cơ sở không thực hiện phòng chống dịch bênh theo chỉ đạo của ngành y tế.

Ông Lê Trường Giang cho biết, Sở Y tế sẽ chỉ đạo tập trung ưu tiên cho công tác “dập tắt” dịch TCM trước khi SXH bước vào giai đoạn “nóng”. Song trước sự bùng phát “chóng mặt” của dịch TCM hiện tại cùng với cách phòng dịch thiếu sự đồng nhất và khoa học đã và đang diễn ra, liệu mục tiêu của ngành y tế có mang lại kết quả như mong đợi?

Nếu không hạ thấp được số ca TCM thì chắc chắn với mầm bệnh hiện tại, loại bệnh có tính chất chu kỳ này sẽ bùng phát khốc liệt hơn vào thời điểm từ tháng 9 đến tháng 11, cùng với nó, SXH đang vào mùa. Liệu ngành y tế có đủ sức để đối phó?

Vân Sơn