1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Giảng viên bị sinh viên tố nhận tiền “đi thầy” nói gì?

(Dân trí) - PGS. TS Nguyễn Bá Diến, Trưởng bộ môn Luật quốc tế - Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội không đồng tình với hầu hết những điểm chính trong Bản Kết luận nội dung tố cáo đối với ông do Chủ nhiệm Khoa Luật, GS. TS Phạm Hồng Thái ký.

Trước tiên, PGS.TS. Nguyễn Bá Diến phản hồi với nội dung cho rằng, việc bố trí giảng viên, cử nhân Nguyễn Hùng Cường giảng dạy là trái với công văn số 225/KL - HCTC ngày 19/10/2010 của Chủ nhiệm Khoa Luật.

PGS.TS. Nguyễn Bá Diến lý giải, văn bản số 225/KL - HCTC khi ban hành đã viện dẫn việc dựa trên nhiều quy định, tuy nhiên những quy định này lại không hề nói về tiêu chuẩn giảng viên giảng dạy Đại học. Theo PGS.TS. Nguyễn Bá Diến, nếu nói tiêu chuẩn giảng viên thì lúc đó phải áp dụng theo “Điều lệ trường Đại học” ban hành theo quyết định số 153/2003/ QĐ - TTg ngày 30/7/2003. Điều 46 của Điều lệ này quy định, tiêu chuẩn giảng viên phải theo Điều 61 Luật Giáo dục (tức chỉ yêu cầu có bằng Đại học trở lên).

Cũng theo PGS.TS. Nguyễn Bá Diến, trước đó, ngày 24/9/2009, Khoa Luật đã tổ chức Hội đồng Thẩm định duyệt giảng cấp khoa Luật để thẩm định năng lực chuyên môn của giảng viên Nguyễn Hùng Cường, kết quả đã công nhận giảng viên Nguyễn Hùng Cường đủ điều kiện giảng dạy cấp khoa (cấp trường). PGS.TS. Nguyễn Bá Diến Diến khẳng định, với kết quả từ việc duyệt giảng là có thể đứng lớp, không cần phải có một quyết định nào nữa (vì từ xưa tới nay, ở Khoa Luật chưa hề có một quyết định đứng lớp nào cả).

Trưởng Bộ môn Luật Quốc tế còn cho biết, dù công văn 225/KL - HCTC có nội dung và căn cứ trái luật, nhưng trên thực tế, từ ngày 19/5/2010 (sau khi có công văn 225/KL - HCTC và Điều lệ Trường Đại học 2010), PGS.TS.Nguyễn Bá Diến chỉ phân công giảng viên Nguyễn Hùng Cường hướng dẫn sinh viên thảo luận và phụ giảng cho ông ở các lớp K53. Việc phân công này theo ông là phù hợp với Luật Giáo dục 2005 và và Điều lệ trường Đại học 2010.
 
Giảng viên bị sinh viên tố nhận tiền “đi thầy” nói gì? - 1
PGS.TS. Nguyễn Bá Diến

Liên quan đến nội dung tố cáo thứ hai là hình thức thi áp dụng cho sinh viên Tư pháp Quốc tế tại các lớp K53, PGS.TS. Nguyễn Bá Diến Diến cho rằng, việc cho học sinh bốc câu hỏi, viết phần trả lời trong 20 - 25 phút sau đó chấm phần trả lời và chỉ hỏi vấn đáp những trường hợp cân nhắc giữa điểm 4 và 5, điểm 9 lên 10 hoặc một số em đề nghị được hỏi thêm (viết trong bài) là hình thức thi “hiệu quả, chất lượng, lại phối kết hợp các hình thức thi”.

PGS.TS. Nguyễn Bá Diến cũng không đồng tình với việc Kết luận của Khoa Luật cho rằng, cách thức thi ông thực hiện không đúng với các quy chế hiện hành. Theo PGS.TS. Nguyễn Bá Diến, các quy chế của Bộ Giáo dục Đào tạo và ĐHQG Hà Nội đều quy định có thể thi viết, thi vấn đáp… hoặc kết hợp giữa các hình thức thi trên.

PGS.TS. Nguyễn Bá Diến cho biết, ông đã từng trao đổi về cách thức thi ông áp dụng với Chủ nhiệm Khoa Luật, GS. TS Phạm Hồng Thái. Tại cuộc họp Bộ môn Luật Quốc tế cuối tháng 9/2010 ông cũng đã đưa hình thức thi trên ra thảo luận và không ai có ý kiến phản đối. Đến tháng 1/2011 Chủ nhiệm Khoa Luật đã đề nghị Bộ môn Luật Quốc tế dừng áp dụng hình thức thi thí điểm nêu trên và PGS.TS. Nguyễn Bá Diến đã chấp hành theo ý kiến này.

Đối với nội dung tố cáo PGS. TS Nguyễn Bá Diến nhận tiền “đi thầy" của sinh viên, PGS.TS. Nguyễn Bá Diến cho rằng, tổ xác minh thứ nhất kết luận về việc có dấu hiệu của tội nhận hối lộ là sự “vu khống, vô căn cứ”, bởi chỉ có lời “cung” về việc đưa tiền mà không có một chứng cứ về việc nhận tiền thì không thể buộc tội “một cách trắng trợn như vậy”.

“Các sinh viên như nêu trên đây cần phải bị xem xét về tư cách đạo đức và trách nhiệm đối với hành vi đưa tiền sai trái mà chính họ đã tự tố cáo mình. Tôi đề nghị Khoa Luật và cơ quan chức năng cần làm rõ để có căn cứ xác đáng kết luận các sinh viên này có động cơ, mục đích gì khi đẩy mình vào trạng huống nực cười là tự tố cáo hành vi sai trái của mình?”, PGS.TS. Nguyễn Bá Diến nói.

Kết luận của Khoa Luật đối với nội dung tố cáo này viết “việc sinh viên tố cáo PGS. TS Nguyễn Bá Diến nhận tiền đi thầy của sinh viên và việc một số sinh viên có liên quan trình bày với hai tổ xác minh là có đưa tiền cho PGS. TS Nguyễn Bá Diến trước khi thi môn Tư pháp quốc tế đều là những người có thực, không mạo danh.”, ông Diến cũng không đồng tình.

PGS.TS. Nguyễn Bá Diến lập luận, điểm mấu chốt cần kết luận không phải ở chỗ “những người có thực, không mạo danh” mà là ở chỗ liệu rằng, những lời tố cáo của “những người có thực, không mạo danh”  ấy có đúng sự thật hay không, có bịa đặt và vu khống hay không?

Chưa hết, theo ông, mặc dù không có chứng cứ xác thực để chứng minh tố cáo của một số sinh viên là đúng nhưng trong mục 3 Phần II của văn bản Kết luận vẫn không nêu một cách rõ ràng, minh bạch là “không có cơ sở”; thay vì vậy đã dùng cụm từ “chưa có đủ sơ sở kết luận”.

“Việc PGS.TS Nguyễn Bá Diến và giảng viên Nguyễn Hùng Cường cùng tham gia giảng dạy môn Tư pháp quốc tế tại lớp K53A và K53B nhưng người đứng tên, kí sổ đầu bài và nhận tiền thanh toán là PGS.TS Nguyễn Bá Diến với mức thanh toán của chức danh PGS. TS là không phù hợp với thực tế” cũng là nội dung của bản kết luận được PGS.TS. Nguyễn Bá Diến đề cập.

PGS.TS. Nguyễn Bá Diến lập luận, xác định việc ai giảng dạy phải căn cứ vào sổ đầu bài. Sổ đầu bài là một bằng chứng xác thực chứng nhận việc lên lớp của giảng viên. Tại sao lại không căn cứ vào sổ đầu bài mà lại căn cứ vào những lời khai không thống nhất và mâu thuẫn của sinh viên? Ngoài ra, Khoa Luật còn có hệ thống thanh tra bao gồm thanh tra đào tạo và thanh tra nhân dân. Nếu cho rằng việc anh Cường lên giảng phần nhiều hoặc dạy thay thì tại sao không có biên bản của thanh tra trong thời gian anh Cường giảng dạy? Vậy Khoa Luật “trọng cung” hay “trọng chứng” hơn?

PGS.TS. Nguyễn Bá Diến cho rằng, tất cả những lời tố cáo và bản kết luận nêu trên nhằm vào ông đều xuất phát từ mâu thuẫn nội bộ và tư thù cá nhân của một số người xấu trong Khoa Luật. Những việc này đã chà đạp lên nhân phẩm, xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự của ông, cũng như uy tín của Khoa Luật và ĐHQG Hà Nội.
 

PGS. TS Phạm Trọng Quát, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, trường đã nhận được Kết luận nội dung tối cáo đối với PGS. TS Nguyễn Bá Diến và vừa chỉ đạo Khoa Luật khẩn trương có Quyết định giải quyết tố cáo. Về đơn khiếu nại của cán bộ liên quan trực tiếp đối với Kết luận của Khoa Luật, trường ĐHQG đã chuyển về Khoa Luật, bởi thẩm quyền giải quyết đang thuộc về khoa này. 

 
Kim Tân - Quốc Đô