1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Giám sát phải “vi hành”, gặp dân trước, gặp quan sau

(Dân trí) - Giám sát kiểu cưỡi ngựa xem hoa, dễ bị “bịt mắt” bởi báo cáo, số liệu. Mù mờ về thực chất công nợ của các tập đoàn, tổng công ty… Đây là những cảnh báo đại biểu Quốc hội nêu ra để yêu cầu khắc phục ngay trong chương trình giám sát năm 2013.

Tập hợp kiến nghị của các cơ quan, UB thường vụ QH cho biết nhiều ý kiến tập trung vào những vấn đề rất nóng hiện nay.

Về lĩnh vực kinh tế, nhiều cơ quan đề xuất giám sát việc quy hoạch và hiệu quả đầu tư sân bay, cảng biển, khu kinh tế, khu công nghiệp tập trung, thủy điện; hiệu quả hoạt động các tập đoàn, tổng công ty; hoạt động của hệ thống Ngân hàng, các tổ chức tín dụng; quản lý vốn ODA, vốn trái phiếu Chính phủ; hiệu quả đầu tư và việc triển khai thực hiện các công trình, dự án quan trọng quốc gia mà Quốc hội đã thông qua kể từ nhiệm kỳ Quốc hội khoá XII đến nay; đánh giá tác động môi trường, công tác tái định cư khi triển khai Dự án xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2…

Nhóm vấn đề về xã hội cũng có nhiều kiến nghị giám sát quản lý hoạt động biểu diễn, nghệ thuật; thành lập, hoạt động và quản lý các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, hành nghề y dược tư nhân, đặc biệt là các cơ sở y tế tư nhân của người nước ngoài tại Việt Nam…

Lĩnh vực an ninh, quốc phòng, có đề xuất giám sát việc thi hành pháp luật về quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biển đảo; công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Chốt lại các kiến nghị, UB Thường vụ Quốc hội đã đề nghị các đại biểu xem xét, quyết định 2 trong 3 nội dung sau để tiến hành giám sát chuyên đề tại 2 kỳ họp trong năm 2013.

Chuyên đề 1: Việc thi hành Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cho đầu tư xây dựng cơ bản, giai đoạn 2006-2012 .

Chuyên đề 2: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, giai đoạn 2009-2012

Chuyên đề 3: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, giai đoạn 2006 – 2012.

Những số liệu che giấu thực tế
Đại biểu Lê Nam: Giám sát cũng phải gắn với trách nhiệm của cán bộ thực hiện.
Đại biểu Lê Nam: "Giám sát cũng phải gắn với trách nhiệm của cán bộ thực hiện".

Tán thành những nội dung đề xuất này nhưng đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai) nêu yêu cầu nội dung báo cáo kết quả giám sát chuyên đề phải rõ trách nhiệm của từng cấp, từng ngành và trách nhiệm của cá nhân. Dẫn lại báo cáo giám sát việc giải quyết khiếu kiện về đất đai vừa thảo luận tại Quốc hội hôm qua, đại biểu cho rằng phải làm rõ trách nhiệm chủ yếu thuộc về bộ, ngành nào, địa phương nào, cán bộ lãnh đạo nào.

Ngoài ra, ông Vở lưu ý giám sát thường xuyên việc thực hiện lời hứa, trả lời kiến nghị của cử tri làm cơ sở đánh giá khi tiến hành lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm thời gian tới.

Đồng quan điểm, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) đặt vấn đề giám sát phải làm sao nắm được thực chất và đề xuất phương pháp “vi hành” - gặp dân trước, gặp quan sau.

Ông Nghĩa cũng gợi ý mời thêm các chuyên gia, các nhà khoa học, các đại diện của tổ chức xã hội tham gia các đoàn giám sát để có ý kiến độc lập, khách quan, nêu được những câu hỏi sâu sắc hơn, tránh tình trạng chỉ làm việc với lãnh đạo, chính quyền, nghe qua một số bản báo cáo và cuối cùng để cho “số liệu nhiều khi che dấu được những thực tế ở địa phương”.

Đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) nói thẳng thực tế, nhiều đoàn giám sát trước khi đến địa phương thông báo rất hoành tráng, lãnh đạo các tỉnh đều hết sức trân trọng, nhưng khi về đến nơi thực tế lại chỉ có vài ba người lèo tèo. Ông Nam cho rằng tổ chức giám sát cũng phải gắn với trách nhiệm cán bộ tiến hành, không thể thích thì tham gia, hết thích thì thôi.

Đại biểu Trần Du Lịch (TPHCM) “gật đầu” với nhận xét này và kiến nghị cơ chế buộc các đoàn giám sát làm việc nghiêm túc, không cưỡi ngựa xem hoa. Ngoài ra, cơ cấu đoàn giám sát cũng nên bớt thành phần quan chức đi theo mà tăng các chuyên gia độc lập để tư vấn cho cán bộ giám sát.

“Kinh nghiệm đi giám sát thấy rằng nếu vấn đề nào mà chúng ta hiểu được, các chuyên gia tư vấn hiểu được, đoàn tới nơi chất vấn, truy vấn thì mới rõ được vấn đề. Còn nếu chỉ đến nghe đọc báo cáo rồi vui vẻ ra về thì không hiệu quả” – ông Lịch nói.

Đại biểu cũng đề xuất, ngay sau giám sát, không chỉ dừng ở việc đánh giá trách nhiệm địa phương mà phải tổ chức điều trần ở các UB, yêu cầu Bộ trưởng phụ trách lĩnh vực tới giải trình để thấy rõ trách nhiệm, đi đến tận cùng vấn đề.

Công nợ của tập đoàn chưa được báo cáo trung thực!?
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa: Con số thống kê về công nợ tập đoàn biết nói rất kém.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa: "Con số thống kê về công nợ tập đoàn biết nói rất kém".

Về nội dung chương trình giám sát dự kiến cho năm tới, nhiều đại biểu cũng đề xuất thêm những “điểm nóng” khác đang gây chú ý của cả xã hội.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa trình bày băn khoăn về tình hình công nợ của các tập đoàn và tổng công ty. Đây là vấn đề đã nói nhiếu, chất vấn nhiều nhưng ông Nghĩa nghi ngờ, thực chất, tình hình công nợ của khối doanh nghiệp này không được báo cáo một cách trung thực, đầy đủ, “có thể nói những con số thống kê biết nói rất kém”.

“Chúng tôi thấy rằng, khi xác định thành phần kinh tế nhà nước là chủ đạo, cơ quan quyền lực cao nhất phải nắm được tình trạng sức khỏe của khối đơn vị này để giám sát, để cùng với Chính phủ, các tập đoàn giải quyết khó khăn. Anh nào không có bệnh thì chúng ta phòng bệnh, anh nào có bệnh thì chúng ta giúp sức để chữa bệnh và những anh nào cần cấp cứu thì chúng ta cũng kịp thời cấp cứu, tránh tình trạng khi đổ vỡ, khi báo động đỏ, thậm chí là khi có nguy cơ phá sản lúc đó Quốc hội mới bắt đầu quan tâm chất vấn, vào cuộc” – đại biểu phân tích.

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) lại đề nghị “nhắm” ngay vào vấn đề nợ xấu, hàng tồn kho và bất động sản đóng băng để, những cục máu đông ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cả nền kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp và đời sống của từng gia đình, người dân.

Bà Khánh nêu một loạt câu hỏi: “Qua các báo cáo, Quốc hội vẫn chưa rõ được nợ xấu ở đâu, ngân hàng nào, mức độ cụ thể ra sao. Việc xử lý nợ xấu, nếu chỉ có Chính phủ với ngân hàng, Bộ Tài chính có giải cứu được không? Tình hình tồn kho, bất động sản đóng băng nếu chỉ có Chính phủ và từng bộ, ngành riêng lẻ có tháo gỡ được không?”.

Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng thì đề xuất Quốc hội giám sát việc điều hành giá xăng dầu, làm rõ tình trạng lên nhanh xuống chậm, lỗ thật hay giả, giải quyết triệt để vấn đề để yên lòng dân.

P.Thảo