1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Giám đốc BVĐKTƯ Cần Thơ mua sắm gần 70 tỷ đồng không phép?

(Dân trí) - Sau khi đăng bài “Mập mờ 2 tên thuốc một số đăng ký” ở Bệnh viện Đa khoa Trung ương (BVĐKTƯ), <i>Dân trí</i> lại tiếp tục nhận được phản ánh của bạn đọc về những khuất tất quanh việc mua thuốc không qua đấu thầu của đơn vị này.


Giám đốc BVĐKTƯ Cần Thơ mua sắm gần 70 tỷ đồng không phép? - 1
 
Giám đốc BVĐKTƯ Cần Thơ mua sắm gần 70 tỷ đồng không phép? - 2

Quyết định 349 (2 trang) của Giám đốc Đặng Quang Tâm phê duyệt kết quả mua thuốc bổ sung dưới hình thức mua sắm trực tiếp.
 

Theo Luật đấu thầu, trước 3 tháng khi hết hạn hợp đồng, bệnh viện phải tổ chức đợt thầu mới. Đợt thầu năm 2009-2010, giám đốc BVĐKTƯ Cần Thơ phê duyệt kết quả trúng thầu ngày 20/7/2009, có hiệu lực một năm. Tuy nhiên, đến tháng 12/2009 mới qua 5 tháng Giám đốc bệnh viện Đặng Quang Tâm đã ký quyết định số 349/QĐ-BV mua thuốc bổ sung phê duyệt kết quả đấu thầu mua thuốc, hóa chất và vật tư tiêu hao dưới hình thức mua sắm trực tiếp bằng nguồn ngân sách nhà nước và nguồn thu viện phí năm 2009-2010 với số tiền lên đến gần 70 tỷ đồng.

 

Điều 6 khoản II tại Thông tư liên tịch Hướng dẫn đấu thầu mua thuốc trong các cơ sở y tế công lập ngày 10/8//2007:

“Trường hợp trong năm phát sinh nhu cầu mua bổ sung về số lượng một số mặt hàng thuốc không nằm trong kế hoạch đấu thầu với số lượng nhỏ, tổng giá trị thấp (dưới 100 triệu đồng), Thủ trưởng đơn vị được quyền quyết định mua sắm các mặt hàng thuốc sau khi đã được sự thống nhất của Hội đồng thuốc và điều trị của đơn vị với điều kiện bảo đảm chất lượng và đơn giá mua thuốc không vượt giá tối đa hiện hành của mặt hàng thuốc đó được công bố tại thời điểm gần nhất của Bộ Y tế. Trong trường hợp, mặt hàng thuốc đó chưa được công bố giá tối đa, thì đơn giá mua thuốc phải bảo đảm không được cao hơn giá mặt hàng thuốc đó đã trúng thầu trong vòng 12 tháng trước của các cơ sở y tế công lập được Cục Quản lý Dược Việt Nam cập nhật và thông báo trên trang thông tin điện tử của ngành y tế (Website của Cục Quản lý Dược Việt Nam)”

Theo luật đấu thầu, nếu vì lý do bất khả kháng, bệnh viện không tổ chức đấu thầu được thì phải báo cáo Bộ và phải được Bộ Y tế phê duyệt thì mới được tổ chức mua và sử dụng trong thời gian 6 tháng. Trong khi kết quả đấu thầu năm 2009 còn hiệu lực đến hơn 6 tháng, ông Tâm đã vội vàng ký quyết định mới “đè” lên quyết định cũ.

 

Rất khó hiểu, trong đợt mua sắm trực tiếp này, ông Tâm cũng chấp thuận mua của Công ty TNHH dược phẩm Huy Cường thêm 30.000 lọ Harxone - một thuốc kháng sinh dạng tiêm của Trung Quốc mang số đăng ký của một loại thuốc khác là Mesutyl (Dân trí đã đưa tin).

 

Một đơn vị cung cấp thuốc cho BVĐKTƯ Cần Thơ đề nghị không nêu tên cho biết, để “qua mặt” Bộ Y tế và kho bạc để thanh toán được tiền, BVĐKTƯ đã buộc các công ty kinh doanh dược phẩm bán thuốc cho bệnh viện trong đợt mua sắm trực tiếp này phải viết hóa đơn lùi ngày bán lại đến trước 20/7/2010? Vì sao làm vậy chắc ông Giám đốc hiểu quá rõ.

 

Trả lời Dân trí về việc mua sắm trực tiếp không qua đấu thầu với số tiền gần 70 tỷ đồng khi chưa được Bộ y tế cho phép, ông Đặng Quang Tâm, Giám đốc Bệnh viện và kế toán trưởng lý giải: Đây là việc làm sai nhưng có lợi cho bệnh viện và bệnh nhân! Bộ tài chính rất hoan hô việc làm này vì mua sắm trực tiếp không qua đấu thầu 1 năm sẽ giảm được từ 16 đến 20 tỷ đồng cho bệnh viện?! Việc này đã được Phó vụ trưởng vụ Kế hoạch tài chính  bộ Y tế Nguyễn Quang Ân đồng ý bằng miệng!

 

Ông Tâm còn lý giải việc mua sắm này dù chưa được phép của Bộ y tế nhưng vẫn hoàn toàn hợp lý vì bệnh viện không mua bằng nguồn ngân sách Nhà nước mà mua bằng nguồn thu viện phí. Sự thật là trong số gần 70 tỷ đồng mua sắm trực tiếp bao gồm nguồn ngân sách và nguồn thu viện phí. Dù là nguồn viện phí cũng chịu sự quản lý của Nhà nước và phải được cấp trên phê duyệt.

 

PV nêu câu hỏi: vì sao Giám đốc từng khẳng định bệnh viện có một đội ngũ chuyên viên xây dựng hồ sơ thầu rất chuyên nghiệp mà lại dự toán mua thuốc cho 1 năm nhưng mới được 5 tháng đã hết? Ông Tâm lại trả lời: “vì kế hoạch thầu không sát, thời gian bệnh viện thông qua danh mục thuốc quá lâu, bổ sung thêm thuốc ở các khoa phát sinh nhiều”.

 

Báo Dân trí từng nêu rất nhiều việc làm khuất tất của ông Đặng Quang Tâm như: Buộc bác sĩ chuyên khoa II duy nhất ngành tim mạch của bệnh viện làm việc như văn thư; giám đốc cử anh vợ đi học chuyên II khi chưa phải là người của bệnh viện; 2 lần sử dụng 2 loại thuốc khi chưa được phép lưu hành với số lượng lớn; hợp đồng mua trang thiết bị đồ gỗ là cây tự nhiên (gỗ xoan đào) nhưng nhận hàng lại là gỗ ván ép

 

Những việc khuất tất nêu trên gây bức xúc trong dư luận nhiều năm qua, bạn đọc của Dân trí đang chờ câu trả lời thỏa đáng của Bộ Y tế.

 

 

Sáng 1/7, trao đổi với phóng viên Dân trí qua điện thoại, Phó chánh thanh tra Bộ Y tế Bùi Đức Phong cho biết, trước thông tin Dân trí phản ánh về những sai phạm tại bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần thơ, Chánh thanh tra Bộ Y tế Trần Quang Trung đã có công văn yêu cầu Thanh tra Bộ Y tế khu vực phía nam tiến thành thanh kiểm tra, xác minh những thông tin được nêu.

 

Ông Phong cho biết, ngay sau khi nhận được công văn chỉ đạo này, thanh tra Bộ Y tế khu vực phía nam, người trực tiếp phụ trách là ông Phong đã tới bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ để tiến hành xác minh lại những thông tin báo Dân trí đã phản ánh. “Chúng tôi vừa hoàn thành chuyến công tác, nên hiện giờ mới đang tiến hành làm tổng hợp để báo cáo Chánh thanh tra Bộ Y tế, vì thế, hiện chúng tôi chưa công bố được những thông tin này. Trong đầu tuần tới chúng tôi hoàn thành báo cáo tới Chánh tranh tra Trần Quang Trung và sẽ có thông tin tới báo”, ông Phong khẳng định.

 

 

 PV