1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Giám đốc Bệnh viện Nội tiết “thả tay” sai phạm

(Dân trí) - Kết thúc thanh tra theo đơn tố cáo, Bộ Y tế vừa có kết luận về những sai phạm của Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Tạ Văn Bình. Theo đó, ông Bình đã “vung quyền” trong công tác quản lý cán bộ, quản lý tài sản công.

Trù dập nhân viên, tuỳ tiện tuyển dụng
 
Kết luận thanh tra do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyến ký sau 2 tháng vào cuộc cho thấy nhiều nội dung tố cáo của cán bộ Bệnh viện Nội tiết với người đứng đầu đơn vị là có thật. Giám đốc Tạ Văn Bình mắc hàng loạt sai phạm trong quá trình điều hành, quản lý bệnh viện.
 
Về công tác cán bộ, nhân sự, các trường hợp điều chuyển, sử dụng lao động qua thanh tra thể hiện nhiều quyết định vô nguyên tắc, lạm quyền của ông Bình.
 
Đối với cán bộ nhân viên trong bệnh viện, phần lớn trong số 34 người bị thôi việc, thuyên chuyển hoặc chuyển công tác đều có bức xúc.
 
Giám đốc Bệnh viện Nội tiết “thả tay” sai phạm - 1
Nhiều y bác sỹ bức xúc vì bị lãnh đạo Bệnh viện Nội tiết điều chuyển vô lối.
 
Trường hợp cán bộ phòng Kế hoạch tổng hợp Lưu Thế Cường bị điều về một khoa khác trong bệnh viện, thanh tra khẳng định là không phù hợp trình độ chuyên môn nên quá trình làm việc dễ dẫn đến sai xót.
 
Cán bộ trong viện bị chuyển đi nhiều, trong khi các trường hợp nhận người của ông Bình cũng có vấn đề. Thanh tra nhận định, việc ông Bình tiếp nhận bác sỹ Nguyễn Thị Hồng Loan từ Học viện Y dược cổ truyền về với tư cách giảng viên, bổ nhiệm ghế Phó trưởng Khoa Điều trị tự nguyện là không đúng đối tượng, thẩm quyền.
 
Bà Loan được hưởng phụ cấp chức vụ tính vào lương theo hệ số 0,5 đối với nhiệm vụ quản lý, hướng dẫn sinh viện đại học, các đối tượng sau đại học, điều dưỡng viên đến thực tập tại Bệnh viện Nội tiết; tham gia khám và điều trị, tham gia các công trình nghiên cứu khoa học...
 
Trên thực tế, học sinh, sinh viên do Học viện Y dược cổ truyền VN (nơi bà Loan đang công tác) gửi sang Bệnh viện Nội tiết chỉ theo đợt, nhưng bà Loan đã được chấm công 100% thời gian, hưởng thu nhập tăng thêm, phụ cấp chức vụ và phụ cấp trách nhiệm.
 
Ông Bình cũng quyết định việc điều động lái xe Đỗ Văn Đàn đến nhận công tác tại Khoa dược. Đối tượng được “nâng đỡ” không đủ điều kiện, chưa có bằng dược tá theo quy định.
 
Những việc làm “tréo ngoe” của ông Tạ Văn Bình, thanh tra khẳng định có cơ sở cho thấy bệnh viện nhận người, phân công công tác theo quen hệ thân quen, có tính chất ưu ái, thiên vị trong việc bố trí, tiếp nhận.
 
Với những trường hợp khác, việc phạt tiền, trừ vào lương của cán bộ, viên chức trong bệnh viện lại tuỳ tiện. Một số trường hợp đã thanh tra, cán bộ viên chức bị phạt nhưng khi lĩnh tiền phải ký nhận cả số bị trừ phạt là có thật. Cách này nhằm hợp lý chứng từ kế toán sai nguyên tắc gây bức xúc với nhiều người lao động.
 
Cơ quan thanh tra kết luận, ông Tạ Văn Bình có hành động trù dập nhân viên, những người không đồng ý với những hành động sai trái của mình, không cho cán bộ làm đúng chuyên môn buộc họ phải chuyển đi nơi khác.
 
Khống giá thiết bị, “nuốt tiền” xe công
 
Về lĩnh vực quản lý tài sản, con số thất thoát trong năm 2007 được thanh tra kết luận là trên 190 triệu đồng. Số hụt thu ngân sách này được cho là do sổ sách kế toán của Bệnh viện Nội tiết không phản ánh đầy đủ một số khoản thu dịch vụ.
 
Theo đó, từ năm 2006, bệnh viện không làm đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với ngân sách, chưa kể từ các khoản thu khám chữa bệnh theo yêu cầu (khoảng 20 tỉ đồng). Nhiều khoản thu khám chữa bệnh theo yêu cầu, ngoài giờ, tư vấn... bệnh viện thu cao hơn mức phí Bộ Y tế quy định.
 
Quá trình thanh tra cũng phát hiện việc đầu tư máy móc thiết bị tại bệnh viện không đúng chất lượng yêu cầu. Một số cán bộ trong bệnh viện tố cáo 3 thiết bị nhập về có dấu hiệu bị “rút ruột”, gửi giá.
 
Giám đốc Bệnh viện Nội tiết “thả tay” sai phạm - 2
Những thiết bị tiền tỷ mua về để "đắp chiếu" (ảnh Vietnamtimes).
 
Năm 2001, Bệnh viện Nội tiết mua máy đo độ tập trung Iod phóng xạ (ATOM LAB 930) đặt ở Khoa Chẩn đoán hình ảnh, điều trị xạ và thăm dò chức năng. 2 năm sau, ngày 17/9/2003, máy được chuẩn hoá, có sổ theo dõi lý lịch máy. Tháng 4/2006, máy bắt đầu hỏng và từ 2006, không có nhật ký ghi theo dõi sử dụng máy.
 
Dò lại hoá đơn thanh toán của bệnh viện, chiếc máy được mua với giá gần 300 triệu đồng, trong khi giá gốc chỉ xấp xỉ 235 triệu. Số tiền chênh lệch mà bệnh viện thiệt hại từ chiếu máy lên tới 65 triệu đồng.
 
Chiếc máy thở đa năng tại Khoa Hồi sức cấp cứu thì trong hồ sơ mời thầu của Công ty TNHH Kỹ thuật Đông Nam Á là máy thở, nhưng trên thực tế lại là máy trợ thở.
 
Ngay từ khi mua về, máy đã liên tục trục trặc, giá bị đội lên và thực tế đưa vào sử dụng nhưng quá trình sửa chữa đã chiếm hết thời gian bảo hành. Máy gây mê kèm thở tại Khoa ngoại cũng trong tình trạng tương tự.
 
Về việc sử dụng xe công, tính từ tháng 1/2006 đến tháng 7/2008, trung bình mỗi tháng, lượng xăng tiêu thụ trên 500 lít, tức mỗi ngày Giám đốc Bình phải di chuyển tới 130 - 140km. Việc này được xác định, tài sản công được trưng dụng chủ yếu cho việc riêng của ông Bình…
 
Với những sai phạm thanh tra đã khẳng định, Bộ Y tế chỉ đạo Bệnh viện Nội tiết kiểm điểm trách nhiệm Ban Giám đốc về công tác quản lý, điều hành và thực hiện giám sát tài chính, đầu tư tại đơn vị.
 
Với những việc làm sai phạm của ông Bình, Bộ yêu cầu thu hồi những khoản chi phụ cấp chức vụ không đúng dành cho bác sỹ Nguyễn Thị Hồng Loan. Việc mua bán máy móc kém chất lượng cũng được yêu cầu kiểm điểm. Các khoản tiền sai phạm, thanh tra đề nghị buộc nộp lại ngân sách nhà nước.
 
P.Thảo