1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

TPHCM:

Giải quyết các “nút thắt” chống ngập cho Tân Sơn Nhất

(Dân trí) - Để lấy lại dòng kênh A41 nhằm giải quyết chống ngập cho sân bay Tân Sơn Nhất cần đến hơn 300 tỷ đồng và tốn nhiều thời gian. Trước mắt, TPHCM sẽ kiên quyết xử lý các điểm lấn chiếm kênh A41 và khơi thông 5-6 “nút thắt” chính là những chỗ eo hẹp làm cản dòng nước.

Kênh A41 dài gần 2km từ nhà máy A41 đến đường Cộng Hòa. Kênh A41 là một trong 3 dòng kênh đảm nhận việc thoát nước cho sân bay Tân Sơn Nhất, bênh cạnh kênh Hy Vọng và Nhật Bản. Con kênh này phụ trách thoát nước cho 130ha trong khu vực, trong đó có 40ha sân bay.

Kênh A41, đoạn chảy ra đường Cộng Hòa bị lấn chiếm chỉ rộng chưa tơi 1m
Kênh A41, đoạn chảy ra đường Cộng Hòa bị lấn chiếm chỉ rộng chưa tơi 1m

Thế nhưng tình trạng kênh bị lấn chiếm làm hạn chế khả năng thoát nước đã ảnh hưởng đến an toàn bay và hoạt động khai thác bay của Tân Sơn Nhất nhiều năm qua. Việc xử lý lấn chiếm, lấy lại hiện trạng lòng kênh như ban đầu gặp nhiều khó khăn. Sân bay vẫn tiếp tục ngập khi mưa lớn kéo dài.

Theo ông Đặng Tuấn Tú - Giám đốc Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, kênh A41 bị ách tắc nhiều nhất, dẫn đến ngập cục bộ ở bãi đậu máy bay và đường lăn.

Dòng kênh đoạn từ đường Phan Thúc Duyện ra đường Cộng Hòa dài khoảng 850m bị lấn chiếm nhiều nhất. Bờ kênh nguyên thủy trước giải phóng rộng từ 6-8m nhưng nay đã bị lấn chiếm gần hết, có chỗ chỉ còn nửa mét.

Trong hơn 1 năm qua, TPHCM có nhiều giải pháp (như nạo vét, khơi thông dọn chảy, vớt rác) nên khả năng tiêu thoát nước cho kênh A41 có phần hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, nếu gặp những cơn mưa lớn và kéo dài thì sân bay sẽ tiếp tục ngập và uy hiếp đến an toàn bay. Dự kiến, dự án mở rộng kênh A41 cần khoảng 300 tỷ đồng và rất nhiều thời gian để giải tỏa.

Do đó, ông Đặng Tuấn Tú đề nghị dồn lực mở rộng, khơi thông 5-6 “nút thắt” chính là những chỗ eo hẹp làm cản dòng nước.

“Khơi thông mở rộng những nút thắt đó thì nó cũng khôi phục tương đối dòng chảy. Năm qua chúng ta tập trung nạo vét, khơi thông thì dòng chảy đỡ. Ngập vẫn ngập nhưng mà thoát nước nhanh hơn”, ông Tú nói.

Trong khi đó, ông Hứa Quốc Hưng - Phó Chủ tịch UBND quận Tân Bình, cho biết dự án đầu tư cải tạo kênh A41 có 179 trường hợp bị ảnh hưởng và quận đã khảo sát kiểm kê, ban hành thông báo thu hồi đất.

Lòng kênh bị lấn chiếm và xả rác
Lòng kênh bị lấn chiếm và xả rác

Theo ông, đến cuối năm sẽ hoàn thành thủ tục thu hồi đất và quý 1/2018 bàn giao mặt bằng để xây dựng và cuối năm 2018 sẽ hoàn thành kênh A41. Tuy nhiên, khó khăn của dự án là tình trạng pháp lý đất có nhiều giai đoạn khác nhau, phức tạp nên rất khó xác minh. Có đoạn, lòng kênh nằm bên trong nhà dân.

Còn ông Trần Doãn Mậu - Giám đốc Cảng vụ hàng không miền Nam cho rằng cần phải xử lí ngay những trường hợp lấn chiếm mương.

“Những hộ nào lấn quá đáng chúng ta có thể xử lí ngay thì vấn đề thoát nước cơ bản giải quyết được 50%”, ông Mậu nói.

Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến yêu cầu xử lý nghiêm những trường hợp lấn chiếm kênh rạch chứ không chờ đợi mất thời gian.

Ông Tuyến yêu cầu chính quyền quận Tân Bình lập phương án tiến độ chặt chẽ, đúng quy định, rà soát lại đất kênh bị lấn chiếm để báo cáo TP. Nếu cần thiết, lãnh đạo thành phố sẽ khảo sát thực tế để làm trước việc khơi thông các nút thắt để tăng khả năng thoát nước, song song với đó là thực hiện dự án tổng thể.

Ông Trần Vĩnh Tuyến cho rằng, để giải quyết bài toán chống ngập ở khu vực trong sân bay cũng như toàn thành phố thì rất cần sự chung tay của tất cả mọi người dân.

“Theo phân tích của các chuyên gia, nếu khơi thông lại các kênh rạch tự nhiên của thành phố thì tình trạng ngập nước sẽ giảm đến 50%”, ông Tuyến nói.

Quốc Anh