1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM "khát" cây xanh

Giá từ nay đến Tết sẽ tăng thêm 15%

Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội dự báo: Giá cả hàng hoá Tết năm nay sẽ cao gấp 3 lần năm ngoái và nguy cơ khan hiếm hàng dịp Tết hoàn toàn có thể xảy ra.

Người dân đang lo ngại giá cả thị trường Tết năm nay sẽ tăng cao hơn mọi năm. Theo ông thì thị trường Tết năm nay sẽ thế nào?

Theo quy luật, khi giáp Tết bao giờ giá cả cũng tăng lên. Nhưng năm nay đặc biệt mặt bằng giá lên nhiều hơn vì một loạt nguyên liệu đầu vào lên giá mạnh như xăng dầu, phấn bón. Ngoài ra, giá cả chi phí vận chuyển cũng tăng mạnh.

Ngoài lý do nguyên liệu đầu vào sản xuất tăng, các mặt hàng Tết thi nhau “đội giá” có vì nguyên nhân nào khác?

Đó là lượng tiền tung vào lưu thông rất lớn; rồi thiên tai dịch bệnh làm cho khan hiếm hàng hóa; bên cạnh đó là buôn lậu gian lận thương mại, trốn thuế diễn ra phổ biến. Theo tôi được biết, hiện nay trên địa bàn Hà Nội 80% rượu ngoại là rượu lậu, rượu giả.

Một vấn đề nữa là kênh phân phối của chúng ta thấp kém, hệ thống phân phối từ trang trại, đến kho dự trữ, sơ chế, bán lẻ... bị cắt khúc phân tán, dẫn tới chi phí đầu vào cao.

Đơn cử, tôm mua tại nơi sản xuất ở Thái Bình là 80.000 đồng/kg nhưng về đến Hà Nội tăng lên 140.000/kg. Như vậy, tư thương, đầu nậu “ăn” hết, người nông dân không được lợi nhiều mà người tiêu dùng cũng phải chịu thiệt.

Liệu mức độ dự trữ hàng lương thực thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán có đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân?

Giá từ nay đến Tết sẽ tăng thêm 15% - 1

Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội Vũ Vinh Phú.

Từ nay đến Tết mà không có "quả đấm thép" về dự trữ hàng hóa lương thực thực phẩm thì giá còn tăng thêm từ 10-15% nữa. Đấy là tôi chưa nói đến việc liệu có còn xảy ra dịch bệnh.

Hiện nay trên địa bàn Hà Nội, hệ thống tập đoàn thương mại không có đơn vị nào mạnh cả, trong kho hầu như chẳng có con lợn, con gà dự trữ. Ngay như Tổng công ty Thương mại Hà Nội vừa rồi báo cáo kế hoạch Tết chỉ có 240 tấn thịt lợn dự trữ, trong khi cả Hà Nội một ngày tiêu thụ khoảng 300 tấn thịt lợn, 100 cá, 50 tấn thịt bò, 2000 tấn gà... Vậy thì hơn 200 tấn thịt lợn này giải quyết được vấn đề gì.

Nếu cuối năm lại xảy ra dịch cúm gia cầm mà chưa có khoảng 1.000 tấn gà trong kho thì thì chắc chắn giá sẽ bùng lên, không phải chỉ 80.000 đồng nữa mà hơn 100.000 đồng/kg. Làm thương mại mà không có của ăn của để thì làm thế nào.

Với khả năng cung ứng thấp như vậy, theo ông liệu các siêu thị ở Hà Nội có xảy ra việc "cháy" hàng hóa phục vụ cho dịp Tết?

Hiện nay trên địa bàn có 46 siêu thị nhưng chỉ mới đáp ứng được 10% hàng hoá theo nhu cầu của dân, còn lại 40% là từ các chợ, 45% từ cửa hàng lẻ và bán rong, và 5% là các DN sản xuất trực tiếp bán hàng.

Vậy có nghĩa các siêu thị không thể chủ động trong việc cung ứng hàng hoá cũng như góp phần làm “hạ nhiệt” được giá tiêu dùng trong dịp Tết này?

Hiện nay đang có một thực trạng tại các siêu thị, các công ty nhà nước vốn rất ít (chỉ 5-20 tỷ), 70% hàng hóa bán trong siêu thị là hàng ký gửi. Mà ký gửi thì phải phụ thuộc vào giá của DN, lúc nào giá tăng thì doanh nghiệp sẽ tăng lên, còn 30% hàng kia mình mới chủ động được giá. Nên 2/3 "rổ" hàng hóa là phụ thuộc vào người rao, người cung ứng.

Nếu muốn giữ giá thì chí ít phải có lực lượng chiếm 60-70% thị phần thì mới giữ được giá. Kể cả hiệp hội siêu thị gồm có 21 thành viên thì cũng trong tình trạng "mua đuổi bán đuổi", hầu như chỉ 5-10% thị phần không có dự trữ nhiều.

Xin cám ơn ông!

Theo Lê Minh
VTC News