1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. TPHCM "khát" cây xanh
  4. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai

Ghế đá công cộng: Muốn ngồi hãy… trả tiền!

Ghế đá công cộng là của chung nhưng không ít người gặp phải tình huống “dở khóc dở cười”: có ghế mà không được ngồi, hoặc muốn ngồi thì phải trả… tiền nước.

Ghế đá công cộng: Muốn ngồi hãy… trả tiền!
Ghế đá công cộng thuộc "quyền sở hữu" của các chủ quán nước

 

 

Muôn kiểu “xí chỗ” ghế đá công cộng

 

Đường Thanh Niên (Hà Nội) vốn là địa điểm tham quan, thư giãn của nhiều người, đây còn là chốn hẹn hò lý tưởng cho các bạn trẻ. Thế nhưng rất nhiều người bức xúc trước tình trạng có ghế đá công cộng mà không được ngồi, nếu muốn ngồi thì phải... trả tiền uống nước.

 

Thu Hà - Sinh viên năm thứ nhất Học viện Báo chí & Tuyên truyền - cùng bạn đi lễ chùa Trấn Quốc, tiện thể ra đường Thanh Niên ngắm cảnh Hồ Tây. “Bọn em đi bộ một đoạn, chủ bụng tìm ghế đá ngồi cho đỡ mệt. Đi gần hết con đường rồi mà hầu như chỗ não cũng có người. Nhưng “ức” nhất là những ghế đá có vị trí “đẹp” đều bị các cô bán trà đá “chiếm dụng” làm của riêng” - Hà chia sẻ kỷ niệm lần đầu tham quan Hồ Tây.

 

Đi dạo trên đường Thanh Niên, phóng viên cũng nhiều lần thắc mắc tại sao có ghế đá bỏ trống mà nhiều người lại không ngồi, chỉ đứng ngắm cảnh, nói chuyện. Sau nhiều lần quan sát mới biết rằng ghế đá công cộng đều đã bị chủ quán nước “chiếm dụng” công khai.

 

Con đường Thanh Niên chỉ khoảng gần 1 km nhưng có đến hơn chục quán nước. Điều lạ là chủ quán coi những chiếc ghế đá công cộng phục vụ người dân là phương tiện buôn bán. “Địa bàn” kinh doanh được phân định rõ ràng: Mỗi người một đoạn vỉa hè; ghế đá công cộng nào thuộc khu vực của ai thì người đó tự “đánh dấu”.

 

Có muôn kiểu người bán hàng “xí chỗ” ghế đá công cộng. Các cô bán nước “vô tư” đặt bàn ghế, hàng hóa ngay sát hàng ghế đá nên chẳng mấy người “to gan” dám chen chân vào đó ngồi. Các cô còn “cao tay” khi đặt nào là vỏ dừa, can nước, tấm đệm ngồi… trên ghế đá để “đánh dấu”. Thế nên, rốt cuộc ai muốn được ngồi ghế đá công cộng ngắm cảnh thì phải uống nước, nghĩa là phải trả tiền…

 

Ghế đá công cộng: Muốn ngồi hãy… trả tiền!
Những tấm đệm ngồi...

 

Ghế đá công cộng: Muốn ngồi hãy… trả tiền!
... hay những can nước được chủ quán dùng để "xí chỗ" ghế đá.

 

 

Muốn ngồi phải… trả tiền!

 

Vừa ngồi xuống ghế đá trên đường Thanh Niên, Hưng - sinh viên năm thứ 4, ĐH Mỏ địa chất Hà Nội và bạn gái tròn mắt sửng sốt khi cô bán nước đi tới đon đả bảo hai đứa gọi đồ uống. Khi Hưng và bạn gái lắc đầu, cô này lập tức quay ngoắt 180 độ, quát: “Không uống thì đứng dậy cho người khác còn bán hàng. Không bỏ tiền còn đòi ngồi ghế”. “Lúc đó, hai đứa được phen bẽ mặt, chỉ lẳng lặng đứng dậy đi chỗ khác”, Hưng than thở.

 

Chung cảnh ngộ với Hưng, chị Lan, nhân viên công ty Kona cũng vừa ngồi xuống ghế đá thì chủ quán nước bê khay đồ ăn, nước uống đến, bảo chị chọn. Chị Lan chia sẻ: “Biết là phải mua đồ ăn, uống nước mới được ngồi nghế đá, nhưng lúc đó mỏi chân quá rồi nên đành nhắm mắt rút tiền thôi”.

 

Ghế đá công cộng: Muốn ngồi hãy… trả tiền!
Muốn ngồi ghế đá công cộng thì phải chấp nhận trả tiền... mua nước uống.

 

Tình trạng ghế đá công cộng bị chủ quán nước “chiếm dụng” đã trở nên phổ biến trên đường Thanh Niên. Điều này gây bức xúc cho người dân, đặc biệt gây mất văn hóa - thẩm mỹ vì đường Thanh Niên vốn có nhiều khách du lịch nước ngoài đi lại.

 

Bác Tâm sống gần Hồ Tây bức xúc: “Tôi thường xuyên dẫn cháu ra đây tập thể dục. Nhưng nhiều khi có ghế đá mà không được ngồi, rất bực mình. Đi bộ mãi mà không ngồi nghỉ thì ai mà chịu được”.

 

Tình trạng ghế đá Hồ Tây bị chiếm dụng đã trở trành “chuyện thường ngày ở huyện” nhưng hình như cơ quan chức năng nơi đây không hề biết? Hay biết cũng… mặc kệ?

 

Theo Dương Miền

 Gia đình & Xã hội