1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Giải quyết nạn kẹt xe tại TPHCM:

Gấp, nhưng phải chờ!

(Dân trí) - Đến hẹn lại lên, cứ tầm tháng 9, 10 hàng năm thì vấn nạn kẹt xe lại được đem lên bàn nghị sự của các cấp lãnh đạo TPHCM. Và năm nào cũng thế, chỉ thị của TP là: “đến cuối năm phải giải quyết cơ bản nạn kẹt xe”.

Cuối năm nào cũng “giải quyết cơ bản”, và đến giữa năm sau bùng trở lại, cuối năm lại giải quyết. Bởi đơn giản, muốn giải quyết triệt để thì phải… chờ.

Nhiều giải pháp 

Với 3,2 triệu xe máy, hơn 300 ngàn xe ô tô và khoảng 800 ngàn lượt xe ngoại tỉnh đổ về lưu thông hàng ngày tại TPHCM, kẹt xe trong những giờ cao điểm là không thể tránh khỏi. Giải pháp căn cơ nhất là phải mở rộng hệ thống giao thông. Nhiều dự án đã được tiến hành như Đại lộ Đông Tây, mở rộng đường Nguyễn Văn Trỗi - Nam Kỳ Khởi Nghĩa…

Giảm lượng xe cá nhân cũng là một giải pháp. Do đó, UBNDTP đã đề xuất thu phí xe cá nhân với mức từ 500 ngàn đến 1 triệu/năm đối với xe cũ và 1 - 2 triệu đối với xe đăng ký mới để người dân ngại mua xe mới. 

Rồi lòng lề đường bị lấn chiếm, người đi bộ phải tràn xuống lòng đường dễ gây tai nạn và ùn tắt giao thông. Cuối tháng 8/2007, UBNDTP cũng ra chỉ thị cho các UBND quận huyện phải dẹp cho đường thông hè thoáng trong tháng 9, đến nay thì gia hạn cho đến tháng 10. 

Việc phụ huynh học sinh đưa đón con đi học, đậu xe tràn ra lòng đường cũng là nguyên nhân gây ùn tắc trong giờ cao điểm. Dó đó, Sở GTCC có đề nghị các trường mở cổng cho phụ huynh vào trong sân chờ. 

Người TP quen dùng xe cá nhân mà ít thích đi xe buýt, đi bộ. Do đó, Sở GTCC có sáng kiến cấm xe máy đi lại trên một số tuyến đường, tạo cho người dân TP thói quen đi bộ và xe buýt. Dự kiến sẽ thí điểm vào cuối năm nay. 

Rồi biện pháp đi học, đi làm lệch giờ; phân luồng đường; tăng hệ thống xe công cộng… Rất nhiều biện pháp đã được các cơ quan chức năng đề ra để giải quyết nạn kẹt xe, một đại nạn làm thiệt hại 14 nghìn tỷ đồng mỗi năm. Nhưng… 

Vẫn phải chờ 

Không thể không chờ. Vì Sở GTCC rất kỳ vọng vào các dự án mở rộng đường để giảm ùn một cách căn cơ. Nhưng các dự án này lại quá chậm.  

Như dự án đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Nguyễn Văn Trỗi hoàn thành để giảm ùn tại đường Hai Bà Trưng, Điện Biên Phủ… Nhưng đường lại phải chờ các công trình ngầm di dời. Các cơ quan có công trình ngầm trên đường này như điện, nước, truyền thông thì chờ… nhau. Còn các dự án đường trên cao cũng như nhiều dự án giao thông đô thị khác thì còn phải chờ vốn đầu tư.

Lấn chiếm lòng lề đường là nỗi nhức nhối mà nhiều ban ngành, báo đài muốn dẹp hàng chục năm nay. Tháng 9/2007, UBNDTP kiên quyết dẹp, nhưng UBND các quận huyện bảo: vẫn phải chờ… kết thúc các hợp đồng mà họ đã lỡ ký cho các hộ kinh doanh, giữ xe trên vỉa hè. 

Còn việc mở cổng trường cho phụ huynh vào chờ đón con thì còn phải chờ Sở Giáo dục Đào tạo. Vì Sở này nại rằng: nhiều trường không có sân riêng, không lẽ trường mở, trường không. 

Việc thu phí xe cá nhân cũng phải chờ. Vì phải nghiên cứu biện pháp phù hợp. Nếu chỉ thu phí ở Hà Nội và TPHCM thì người dân có thể đăng ký xe ở tỉnh đem về TP sử dụng để tránh. Còn nếu thu phí trên cả nước thì phải thăm dò phản ứng của nhân dân, đánh giá tác động của nó đến nền kinh tế… Những cái đó còn phải chờ Quốc hội nghiên cứu đã. 

Và biện pháp phân luồng thì Sở GTCC vẫn đang tiến hành thực hiện thí điểm từng tuyến, nhưng hiệu quả thì vẫn phải chờ… thực tế. Việc cấm xe trên một số tuyến đường thì phải chờ khu Quản lý giao thông đô thị 1 nghiên cứu thêm. Việc sắp xếp thời gian làm việc, đi học lệch nhau cũng phải chờ… HĐNDTP thống nhất và thông qua.

Nói tóm lại, gấp thì có gấp, những vẫn phải chờ thôi!

Tùng Nguyên