1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM vào mùa mưa

Kỷ niệm 50 năm đường Hồ Chí Minh trên biển:

Gặp người máy trưởng 4 chuyến tàu không số

(Dân trí) - Trong không khí cả nước đang chuẩn bị kỷ niệm 50 năm đường Hồ Chí Minh trên biển, chúng tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Xuân Đích (sinh năm 1937), người từng làm máy trưởng trên 4 chuyến tàu không số, viết nên huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển.

Bỏ quên cơn mưa đang xối xả ngoài trời, trong căn nhà trên đường Trần Cao Văn (TP. Đà Nẵng) ông Đích say sưa kể cho chúng tôi nghe về đoàn tàu không số thuở nào đầy gian truân và anh dũng. Những chuyến tàu không số huyền thoại đang trở về đầy xúc động trong dòng ký ức của ông.

Gặp người máy trưởng 4 chuyến tàu không số  - 1
Ông Đích kể lại những tháng ngày gian truân và anh dũng khi tham gia tàu không số

Ông kể, quê ông ở xã Điện Hòa, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Theo truyền thống của gia đình, năm lên 12 tuổi ông đã tham gia làm liên lạc cho huyện đội Điện Bàn, trong thời gian này ông đã tham gia 16 trận đánh trong cuộc kháng chiến chống Pháp.

Đến tháng 12/1954, ông tập kết ra Bắc và được điều về Quân chủng Hải quân học khóa thứ 3 ngành cơ điện hai năm rưỡi và trở thành máy trưởng. Tiếp đó, ông Đích được điều về làm máy trưởng con tàu chuyên đưa đón Bác Hồ và các đoàn đại biểu tham gia đại hội Đảng lần thứ 3. Đối với ông, vui nhất, hạnh phúc nhất là khi được 4 lần đưa đón Bác và lần nào cũng an toàn.

Gặp người máy trưởng 4 chuyến tàu không số  - 2
Ông Đích và đồng đội chụp ảnh lưu niệm với Bác Hồ năm 1963 (ông Đích đứng sát bên phải Bác Hồ)

Từ tháng 1/1963 đến năm 1969, ông bắt đầu tham gia đoàn tàu không số và trong 6 năm này ông Đích đã có 4 lần vượt biển – 4 lần được truy điệu sống, vận chuyển vũ khí chi viện cho miền Nam.

Trầm ngâm một chút, ông lại kể tiếp: “Trong 4 lần làm máy trưởng trên tàu không số, kỷ niệm làm tôi nhớ nhất đó là chuyến tàu đầu tiên chở 69 tấn vũ khí vào Bến Tre. Trong chuyến đi này, đòi hỏi phải đấu trí, rất căng thẳng”.

Qua lời kể của ông, chuyến tàu chở 69 tàu vũ khí vào Bến Tre đầy gian nan dần dần được tái hiện lại.

Tháng 3/1963, được giao nhiệm vụ làm máy trưởng trên tàu không số, ông Đích hăng hái nhận nhiệm vụ với một niềm tự hào. Tàu của ông được ngụy trang y hệt tàu đánh cá, súng đạn chiến đấu của từng người được che kín dưới các ngư lưới cụ. Trên đường đi, tàu luôn gặp sóng to gió lớn nhưng tàu luôn vượt qua. Trưa ngày 23/3, tàu đến ngang với vùng biển Bến Tre và chuyển hướng vào bờ. Không ngờ, do gió mạnh và sương mù dày đặc làm tàu chạy chệch hướng. Lập tức thuyền trưởng cho tàu quay trở lại hải phận quốc tế. Sau đó, tàu ông nhận được điện của trên lệnh xuống tiếp tục tiến xuống phía Nam để vào Trà Vinh vì khu vực Bến Tre đang bị địch càn quét.

Trưa 24/3, tàu của ông chuyển hướng vào Trà Vinh, nhưng được một lúc thì tàu bị chết máy. Xác định được nguyên nhân chết máy là do chạy lâu ngày, động cơ nóng quá mức cho phép, thuyền trưởng chỉ huy anh em trên tàu mở hết cửa khoang máy, dùng chăn nhúng nước phủ lên máy, một số người còn lấy nón quạt. Quả nhiên, sau 30 phút máy hoạt động lại bình thường.

Tàu tiếp tục chạy vào bờ, đến sáng 25/3 thì vào đất liền, đồng chí thuyền trưởng cử hai đồng chí trên tàu vào bờ bắt liên lạc với bến. Lúc này trời đã sáng, để bảo toàn lực lượng, thuyền trưởng cử ông Đích và một đồng chí khác ở lại tàu, nếu bị địch phát hiện thì hủy tàu, còn lại lên bờ hết để. Lúc này ông đã chuẩn bị tinh thần: “thà hy sinh chứ không để địch bắt”. Nhưng rất may, cuối cùng hàng cũng được bốc dỡ xuống an toàn.

Nói về những tháng ngày tham gia tàu không số, ông Đích bộc bạch: “Đó là những ngày tháng gian truân, nguy hiểm nhưng mỗi lần tàu cập bến, hàng được bốc dỡ lên bờ an toàn thì không có niềm vui nào bằng”.

Gặp người máy trưởng 4 chuyến tàu không số  - 3
Ông Đích bên những tấm ảnh kỷ niệm gắn với tàu không số

Năm 1970, ông Đích chuyển qua Cục tình báo. Đến năm 1975, ông được điều về làm phó giám đốc kỹ thuật Công ty Sông Thu, rồi lên quyền giám đốc. Khi về hưu, ông vẫn tích cực tham gia các hoạt động tại địa phương như chủ tịch Hội cựu chiến binh phường Tam Thuận (2 nhiệm kỳ), chủ tịch Hội người cao tuổi (1 nhiệm kỳ), rồi là bí thư chi bộ 2. Ngoài ra, ông còn làm phó Ban liên lạc những người tham gia tàu không số sống tại Đà Nẵng.

Khánh Hồng