1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Đà Nẵng:

Gặp ngư ông 60 tuổi vật lộn với sóng dữ cứu người

(Dân trí) - Trong màn đêm dày đặc giữa cửa biển chảy xiết, một tay ông giữ chặt chiếc thúng, một tay lôi người dưới biển lên. Sau hơn 3 lần vật lộn với những cơn sóng lớn, ông già 60 tuổi đã giành lại sự sống cho người đàn ông đang chờ chết trên biển.

Tôi về tổ 13, phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng, thăm ông Huỳnh Văn Lộc, người được cả phường biết đến trong câu chuyện cứu người lật thúng giữa biển xảy ra hơn một tuần nay.

 

Ông sống trong một căn nhà sát biển. Cứ ngỡ sẽ là một lão ngư vạm vỡ, ăn sóng nói gió nhưng ngược lại hoàn toàn, đón tôi là một người đàn ông nhỏ bé, có vẻ già hơn nhiều so với cái tuổi 60, chỉ có giọng nói là thâm trầm.

 
Gặp ngư ông 60 tuổi vật lộn với sóng dữ cứu người - 1

Ông Huỳnh Văn Lộc: “Cứu được người là lương tâm tui thanh thản rồi!”
 

Nghe tôi hỏi chuyện cứu người, ông cười: “Chuyện tui nhỏ tí như cái móng tay. Ai trong trường hợp tui cũng cứu người thôi mà”.

 

Ông kể: Khoảng 17 giờ ngày 10/12, ông Huỳnh Văn Lộc chuẩn bị lưới cùng chiếc thúng máy (thuyền thúng có gắn động cơ) ra biển đánh cá. Mới buông lưới trời đã sẩm tối. Lẫn trong tiếng gió gào, ông nghe tiếng kêu cứu từ phía sông Cu Đê đổ ra cửa biển cầu Nam Ô.

 

“Lúc đó, sóng đột nhiên nổi lên, nước từ sông chảy xiết mạnh, gió thì lớn. Khi nghe tiếng kêu ở đâu đó tui cũng chưa xác định được chuyện gì. Đoán là có chuyện gì xảy ra trong phía cửa sông nhưng cũng không nghĩ là có người bị nạn. Khoảng 15 phút sau thì giật mình nghe 2 tiếng: “cứu, cứu” rồi không nghe gì nữa” - Ông Lộc nhớ  lại.

 

Với kinh nghiệm hơn chục năm làm nghề biển, ông lần theo tiếng kêu cứu. Một mình một thúng, ông tìm người bị nạn. “Khi nghe 2 tiếng kêu cứu cuối cùng, tôi vội vàng xác định nơi phát ra tiếng kêu cứu rồi nổ máy cho thúng chạy tới. Chỉ cách 150m phía tôi thả lưới, tôi phát hiện người bị nạn. Người đàn ông chỉ cách tôi 5m mà không thể thấy do lúc đó trời tối đen như mực. Phải sau 3 lần với gần 30 phút vật lộn, tui mới đưa người bị nạn lên thúng được”.

 

Người bị nạn được đưa lên thúng, nước từ trong miệng ộc ra. Ông Lộc vội đắp cho nạn nhân chiếc áo đi biển, đồng thời vứt lưới, quay thúng chạy một mạch về phía bãi biển Xuân Dương, phường Hòa Hiệp Nam. Vừa đến bãi biển ông vội kêu người dân cấp cứu người bị nạn.

 

Sau gần 1 tiếng đồng hồ được người dân cấp cứu tại chỗ, người bị nạn là anh Huỳnh Sơn (49 tuôi, trú tại tổ 44 Xuân Dương) đã hồi tỉnh.

 

Khi người bị nạn có dấu hiệu hồi phục, ông Lộc lại đưa thúng ra biển để thu lưới trở về, xem như chưa có chuyện gì xảy ra. Khi về đến nhà, vợ và bà con hàng xóm đang lo lắng cho ông vì mãi đến 20h vẫn chưa thấy ông đi biển về như thường lệ. Nghe ông kể lại chuyện cứu người, vài người còn bán tín bán nghi bởi lúc đó trên biển bắt đầu sóng lớn.
 
Gặp ngư ông 60 tuổi vật lộn với sóng dữ cứu người - 2
Anh Huỳnh Sơn bên cô con gái út, đôi mắt đỏ hoe vẫn chưa tin mình từ cõi chết trở về.

 

Gặp anh Huỳnh Sơn, người được ông Lộc cứu sống, anh Sơn không giấu nổi sự thán phục: “Không biết lúc đó bác Lộc kéo tôi lên thúng như thế nào, tôi thì nặng hơn 60 kg, bác thì nhỏ thó, tuổi đã cao. Mà từ mép nước lên thúng gần 1m. Sức như tui giữa sóng lớn mà vẫn bị lật thúng”.

 

Anh kể, khi đó anh vừa giăng lưới ở cửa sông Cu Đê thì bất chợt sóng lớn nổi lên hất ngược thúng. Thúng chìm, anh cố bơi vào bờ nhưng nước chảy xiết, sóng đánh mạnh nên đuối dần, đành để xuôi theo dòng nước phó mặc mình cho biển cả. Khi đã cầm chắc 99% cái chết thì anh được ông Lộc cứu.

 

Ông Hồ Tấn Đẩu, trú cùng tổ ông Lộc, cho biết thêm: “Phục ông Lộc này lắm, nước ở cửa biển chảy “đứt đuôi rắn” như rứa mà ông cứu được người. Tôi đi biển cũng hơn 10 năm nay nhưng chưa chắc dám giỡn với sóng lớn thế. Chỉ có kinh nghiệm với sự can đảm mới dám cứu người trong trường hợp đó, sức thanh niên chưa chắc đã lại ổng”.

 

Được biết ông Huỳnh Văn Lộc hiện là Chủ tịch Hội người cao tuổi phường Hòa Hiệp Bắc. Tôi nói đùa: Chủ tịch Hội người cao tuổi mà đi cứu người trẻ tuổi giữa sóng lớn, chuyện nghe lạ quá! Ông cười hiền: “Già trẻ chi, may mà mình tìm ra người để cứu, chứ có kể sóng to gió lớn là gì. Nếu hôm đó không tìm thấy người, hai tiếng kêu cứu cuối cùng mà tui nghe được chắc ám ảnh suốt đời. Lương tâm mình thấy thanh thản là được rồi”.

 

Ô Châu