1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Nghệ An:

Gặp chiến sĩ Trường Sơn gùi hàng đi bộ... một vòng trái đất

(Dân trí) - “Trong vòng bốn năm với 1.089 ngày làm việc, anh đã mang được hơn 55 tấn hàng trên lưng và đi qua quãng đường có tổng chiều dài 41.025km - tương đương một vòng trái đất theo đường xích đạo với lượng hàng mỗi lần bằng trọng lượng cơ thể”.

Gặp chiến sĩ Trường Sơn gùi hàng đi bộ... một vòng trái đất
Anh hùng LLVTND Nguyễn Viết Sinh

Đó là những dòng viết của Trung tá thủy quân lục chiến James G.Zumwalk về người chiến sỹ giao liên Nguyễn Viết Sinh (SN 1940, quê xã Xuân Hòa, Nam Đàn, Nghệ An) trong cuốn “Chân trần chí thép” được xuất bản hồi tháng 4/2010. Kỷ lục đó đã được Đại tá Nguyễn Viết Sinh lập nên trong 4 năm ở Trường Sơn, từ năm 1961-1965.

Hơn 50 năm sau, chúng tôi được gặp ông trong một dịp cũng hết sức đặc biệt, với quãng đường đi ấn tượng đó, Đại tá Nguyễn Viết Sinh đã được trao tặng Bằng kỷ lục Việt Nam "Người chiến sỹ giao liên Trường Sơn gùi thồ hàng và dẫn quân với đoạn đường dài nhất".

Ở cái tuổi xưa nay hiếm nhưng ông vẫn còn hết sức minh mẫn, nhanh nhẹn. Câu chuyện về hành trình gần 1 vòng trái đất của người chiến sĩ giao liên đã được tái hiện lại qua những câu chuyện quá khứ.

Bước chân trên dãy Trường Sơn

Năm 1961, chàng lực điền Nguyễn Viết Sinh lên đường nhập ngũ. Gần một ngày đêm ngồi trên chiếc xe phủ bạt kín mít, ông đặt chân đến làng Ho - Quảng Bình và được phiên chế vào Tiểu đoàn bộ binh 301, nhận nhiệm vụ tải hàng vào chiến trường Miền Nam. “Hồi đó ta vừa đi vừa mở đường, phương tiện vận tải cơ giới không có nên toàn bộ hàng hóa, súng đạn, thực phẩm phục vụ cho chiến trường đều phải gùi, cõng trên lưng. Tùy theo khả năng của từng người mà gùi qua suối, qua đèo…”, ông Sinh cho biết.

Trường Sơn đỏng đảnh như cô gái mới lớn, thoắt nắng rồi thoắt mưa. Những cơn mưa rừng Trường Sơn, những cung đường trơn trượt, những vách núi dốc đứng nhầy nhụa và những chiếc ngầm ngập trong nước cuồn cuộn đục ngầu là nỗi ám ảnh của những người lính tải hàng. Cứ đều đặn mỗi ngày, hàng trên vai, chiến sĩ trẻ Nguyễn Viết Sinh và những đồng đội của mình vượt qua quãng đường 40km cả đi lẫn về để thực hiện nhiệm vụ tối quan trọng này.

Gặp chiến sĩ Trường Sơn gùi hàng đi bộ... một vòng trái đất
Anh hùng Nguyễn Viết Sinh và Anh hùng Hồ Giáo

“Vai bị quai gùi thít chặt, đau ê ẩm, lâu dần thành những vết chai. Quần áo suốt ngày ướt nhẹp mồ hôi, rách liên tục. 4 năm gùi hàng tôi cũng không nhớ rõ mình phải thay bao nhiêu đôi dép cao su, bao nhiêu đôi giày vải nữa, lần mô lâu nhất hình như được gần 3 tháng là đôi dép cao su mòn vẹt, không thể sửa được”, ông Sinh nhớ lại.

Mỗi ngày, gùi hàng trên lưng ông cứ nặng dần lên, từ 15 kg, nâng dần tới lúc cao điểm ông có thể gùi được 75kg, nhiều hơn trọng lượng cơ thể ông chừng 2 yến. Cứ đều đặn mỗi ngày 20km đi, 20km về như thế, không một ngày nghỉ ngơi.

“Tôi còn nhớ, vào mùa mưa năm 1962 chúng tôi đang ở Hạ Lào. Mưa khủng khiếp, anh em hết thức ăn dự trữ, có gạo sau lưng đấy nhưng gạo của chiến trường, mình ăn, anh em trực tiếp cầm súng sẽ bị đói. 10 ngày ròng rã, chúng tôi chỉ ăn măng và rau rừng nhưng ngày nào cũng phải gùi trên lưng 30kg hàng”, ông kể tiếp.

Nhìn vào bảng thành tích của ông, chúng tôi không khỏi kinh ngạc, không hiểu vào thời kỳ ăn đói mặc rét ấy, một thanh niên gầy gò như ông lấy đâu ra sức để gùi hàng. Năm 1962: gùi 13.553kg hàng trên đoạn đường 10.196km; Năm 1963: gùi 9.365kg hàng và khiêng 23 cáng thương; Năm 1964: mang vác 11.445kg, thồ 8.230kg, khiêng 62 ca thương binh trên đoạn đường 10.982km... 4 năm trèo đèo lội suối, quãng đường ông đi đã ngót một vòng trái đất. “Hồi đó gian khổ không nói hết được mô. Trên bom, dưới đạn, anh em luồn rừng, vượt vách núi mà đi nhưng vì miền Nam, vì độc lập không ai nề hà chi cả, chỉ mong chi viện được nhiều vũ khí, đạn dược, nhiều gạo cho chiến trường”.

Với thành tích đó, ngày 1/1/1967, ông đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký phong tặng Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân - một trong những anh hùng đầu tiên ở Trường Sơn và được ra Hà Nội báo cáo điển hình. “Phấn khởi lắm, cứ nghĩ được ra Hà Nội gặp Bác Hồ là đêm không ngủ được. Hồi đó xe cộ chỉ ưu tiên cho vận tải súng đạn, lương thực, thực phẩm, không có chuyện ưu tiên cho người đi lĩnh thưởng mô. Từ ngã ba Đông Dương, tui đi bộ, 10 ngày băng rừng, lội suối nhưng ra đến trạm Cổng Trời, đêm mắc võng ngủ nghe đài phát thanh đưa tin Hội nghị tuyên dương anh hùng, tôi đành trở về đơn vị. Tôi không tiếc vì không được dự Hội nghị tuyên dương mà tiếc là không được gặp Bác Hồ. Đó là điều tôi tiếc nhất trong cuộc đời”, ông Sinh tâm sự.

Câu chuyện tình yêu của “kiện tướng gùi hàng”

21 tuổi, Nguyễn Viết Sinh lên đường nhập ngũ khi chưa biết đến bàn tay mềm mại của người con gái. “Hồi nớ, ra đi biết sống chết như răng mô nên nỏ dám yêu”, ông thổ lộ. Thế nhưng, trong những lần về phép ít ỏi, tình cảm của anh bộ đội Trường Sơn và cô hàng xóm Đinh Thị Vân (SN 1947) cứ thế nảy nở. Ông vào đơn vị, bà cũng gia nhập thanh niên xung phong, công tác tại cung đường Hoàng Mai (Quỳnh Lưu). Tình yêu của họ được nối dài bằng những cánh thư chậm hàng tháng trời so với ngày đặt bút.

Gặp chiến sĩ Trường Sơn gùi hàng đi bộ... một vòng trái đất

Ông Nguyễn Viết Sinh và vợ tại buổi trao Bằng kỷ lục Việt Nam "Người chiến sĩ giao liên Trường Sơn gùi thồ hàng và dẫn quân với đoạn đường dài nhất"

Năm 1965, bà bị thương trong một lần san đường. Một bên chân trúng đạn, đi lại khá khó khăn, bà sợ ông lấy mình sẽ khổ nên cứ bóng gió đòi chia tay. Còn ông, dưới làn mưa bom của kẻ thù cũng không biết liệu mình còn có ngày về nên cũng biên thư cho người yêu, dặn “có ai thương em hơn anh thì em cứ lấy. Con gái có thì, anh ở trong này không biết sống chết thế nào”. Nhưng rồi chẳng ai có thể dứt bỏ được tình cảm với người kia, họ lại viết thư động viên nhau chiến đấu tốt, đợi ngày độc lập sẽ xây dựng mái ấm gia đình.

Năm 1969, ông được lệnh ra Bắc đi học, hai người mới làm đám cưới. Khó khăn, thiếu thốn của thời hậu chiến với 3 đứa con ăn học rồi cũng qua đi. Đến hôm nay nhìn lại, ông bằng lòng với cuộc sống của mình. Các con công tác xa, ông bà quây quần bên đứa cháu nội và chia sẻ với nhau những ký ức hào hùng của một thời máu lửa.
 
“Đời tôi có 2 cái tiếc, đó là không được gặp Bác Hồ và không được trực tiếp tham gia cuộc tổng tiến quân nổi dậy mùa Xuân năm 1975”, ông tâm sự.

Hoàng Lam