1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Gần 7.000 người chết vì tai nạn giao thông trong 9 tháng

(Dân trí) - Theo số liệu thống kê của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, trong 9 tháng qua, cả nước xảy ra 23.619 vụ tai nạn, làm chết 6.908 người và 25.002 người bị thương. So với cùng kỳ năm ngoái, giảm gần 9.360 vụ, giảm 1.502 người chết và 10.063 người bị thương.

Có 48/63 tỉnh, thành phố giảm trên 10% số người chết vì tai nạn giao thông. Đặc biệt có 5 tỉnh, thành phố giảm trên 40% số người chết như Vĩnh Phúc, Điện Biên, Hà Tĩnh, Cần Thơ và Kiên Giang. Tuy nhiên, vẫn còn 6 tỉnh, thành phố khác có số người chết và bị thương do tai nạn giao thông tăng bất thường là Kon Tum, Bạc Liêu, Bắc Kan, Lào cai, Thừa Thiên - Huế và Đồng Nai…
 
Gần 7.000 người chết vì tai nạn giao thông trong 9 tháng
Vụ tai nạn vừa xảy ra ngày 26/9 tại Kỳ Anh, Hà Tĩnh làm 1 người chết, 5 người trọng thương (Ảnh: Minh Đức) 

Tại Hội nghị giao ban trực tuyến giữa Ủy ban an toàn giao thông quốc gia với lãnh đạo các tỉnh, thành phố trong cả nước diễn ra mới đây, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các thành viên Ủy ban an toàn giao thông đánh giá, một số địa phương đã quyết liệt trong việc gắn trách nhiệm người đứng đầu trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông như: Bắc Ninh, Quảng Ngãi, Thái Bình…

Vấn đề ùn tắc giao thông tại 2 thành phố lớn nhất cả nước là Hà Nội và TP.HCM đã có nhiều cải thiện sau khi mỗi địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp. Đơn cử như tại Thủ đô Hà Nội năm 2011 có hơn 100 điểm thường xuyên ùn tắc thì đến nay chỉ còn 67 điểm, giảm gần 50%.

Ở Đà Nẵng, việc phân làn đối với 18 tuyến đường thí điểm của thành phố đã góp phần làm giảm trên 50% số người chết và bị thương trên các tuyến đường này. Thành phố Đà Nẵng thông báo sẽ triển khai rộng hơn trong thời gian tới.

Các tỉnh, thành như Hà Nội, Hà Tĩnh, An Giang… ban hành các quy định kỷ luật, kỷ cương trong cán bộ, công chức, thực hiện nghiêm cấm uống rượu bia trong giờ làm việc, buổi trưa các ngày làm việc, được dư luận đồng tình ủng hộ và đánh giá cao.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý, trong 3 tháng cuối năm, các ngành, các cấp, địa phương cần tập trung quyết liệt, không chủ quan, thoả mãn với kết quả đạt được và cần có giải pháp cụ thể hơn nữa để đẩy lùi tai nạn giao thông, qua đó thực hiện cho được chỉ tiêu mà Quốc hội đặt ra về giảm tai nạn giao thông.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương, đơn vị triển khai nghiêm túc Chỉ thị 18 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, nòng cốt là Ban An toàn giao thông và lực lượng công an các địa phương. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền về Nghị định 71 sửa đổi bổ sung Nghị định 34 với mức phạt tiền rất cao đối với một số trường hợp vi phạm. Lực lượng công an tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các trường hợp lái xe uống rượu bia, chạy quá tốc độ, xe chở quá tải… Các địa phương tập trung kiểm tra, đôn đốc và sớm ban hành bộ tiêu chí đánh giá để khen thưởng, phê bình kịp thời; tổ chức các mô hình tốt để nhân rộng từ cấp xã tới các bộ, ngành, lên án hành vi vi phạm.

Trước đó, cũng liên quan đến vấn đề đảm bảo an toàn giao thông với mục đích, mục tiêu lớn nhất giảm tai nạn giao thông ở cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết và bị thương - PV), Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến đóng góp của các bộ ngành, chậm nhất là trong 10 ngày tới sẽ trình Thủ tướng để phê duyệt Chiến lược quốc gia về an toàn giao thông đường bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Chiến lược này sẽ cụ thể hóa, đề ra các giải pháp trung và dài hạn, lập kế hoạch hàng năm sát với thực tế để giảm tai nạn giao thông.

Quỳnh Anh