1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Gần 100 ngư dân Quảng Nam đối thoại với lãnh đạo tỉnh

(Dân trí) - Lần đầu tiên tỉnh Quảng Nam tổ chức đối thoại với ngư dân để lắng nghe và chia sẻ những khó khăn của bà con, từ đó có những giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho bà con yên tâm vươn khơi bám biển.

Buổi đối thoại diễn ra ngày 4/10 với sự tham dự của gần 100 ngư dân trong tỉnh. Các ngư dân đã bày tỏ ý kiến của mình trước lãnh đạo tỉnh về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hành nghề trên biển.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đối thoại với ngư dân ngày 4/10
Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đối thoại với ngư dân ngày 4/10

Ngư dân than khó với Nghị định 67

Ngư dân Quảng Nam quan tâm nhất là việc vay vốn để đóng tàu theo Nghị định 67 (NĐ67). Ông Hồ Thanh Hưởng, Chủ tịch Hiệp hội Nghề cá xã Bình Minh (huyện Thăng Bình) cho hay, rất nhiều ngư dân mong muốn được vay vốn theo NĐ67 đóng tàu công suất lớn để vươn khơi xa, tuy nhiên việc tiếp cận nguồn vốn này rất khó khăn. Một số ngư dân ở xã Bình Minh đã được tỉnh phê duyệt để vay vốn theo NĐ67 nhưng khi tiếp cận với các ngân hàng thì không được.

Ngư dân Nguyễn Văn Cứ (xã Bình Minh) cho hay: "Khi Nhà nước ban hành NĐ67, ngư dân chúng tôi rất vui. Năm 2015 tôi đã bán con tàu trên 400 CV để vay tiền đóng tàu mới lớn hơn nhưng từ đó cho đến nay, tôi đến gõ cửa rất nhiều ngân hàng vẫn không được vay vốn để đóng tàu. Vì không có tàu mới nên thu nhập của gia đình tôi rất khó khăn. Tôi đề nghị nếu không cho vay đóng tàu vỏ thép thì cho ngư dân vay vốn để đóng tàu vỏ gỗ”.

Ngư dân xã Bình Minh (huyện Thăng Bình) phát biểu tại buổi đối thoại
Ngư dân xã Bình Minh (huyện Thăng Bình) phát biểu tại buổi đối thoại

Trong khi đó, ngư dân Phan Thu (xã Bình Minh) dù được vay vốn đóng tàu vỏ thép nhưng vẫn than khó. Ông và một ngư dân khác cùng vay tiền đóng tàu vỏ thép theo NĐ67 để hành nghề lưới rê nhưng mấy năm qua nghề lưới rê không hiệu quả, giờ ông muốn vay thêm để chuyển đổi tàu làm nghề lưới khác nhưng không được.

Ngư dân Quảng Nam cũng phản ánh nhiều khó khăn khác; như bà Phan Thị Nhân (huyện Thăng Bình) cho biết, ngư dân rất vất vả để nhắn tin xác định tọa độ tàu để được hỗ trợ khi khai thác hải sản xa bờ theo Quyết định 48 của Chính phủ.

Tuy nhiên, Quảng Nam quy định phải nhắn đủ 7 tin về đất liền trong lúc khai thác xa bờ mới được hỗ trợ, nhưng ở Đà Nẵng hay Quảng Ngãi chỉ quy định có 4 tin thôi.

“Vì sao Quảng Nam lại yêu cầu nhiều hơn các địa phương khác, trong khi đó việc nhắn tin về rất vất vả cho ngư dân, cũng không nhận được phản hồi là trong đất liền có nhận được chưa”, bà Nhân phản ánh.

Ngư dân phản ánh khó vay vốn theo Nghị định 67

Ngoài ra, ngư dân cũng yêu cầu chính quyền xử lý nạn giã cào đánh bắt tận diệt hải sản gần bờ và tình trạng các khu neo đậu bị bồi lấp.

Về việc này, ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam cho biết, thời gian qua tỉnh đã bắt được 20 cặp tàu giã cào và xử phạt trên 60 triệu đồng.

"Tỉnh Quảng Nam cố gắng lắng nghe ngư dân"

Liên quan đến việc thực hiện Quyết định 48 của Chính phủ, ông Tấn cho rằng ngư dân phải chứng minh đi biển liên tục trong 15 ngày thì mới được hỗ trợ.

Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Nam cũng thông tin, việc nhắn tin của ngư dân khó khăn là có vì năm 2010 toàn tỉnh có 360 tàu đánh bắt xa bời thì nay đã lên đến hơn 500 chiếc, lượng tàu tăng nhưng công suất trạm tiếp nhận thông tin trong bờ vẫn chưa được nâng cấp nên khó khăn.

Trả lời những băn khoăn khác của ngư dân, ông Trần Quang Hảo - Phó Giám đốc Ngân hàng nhà nước tỉnh Quảng Nam cho biết, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam hiện có 65 tàu được vay vốn theo NĐ67 với giá trị 730 tỷ đồng.

Ông Hảo cũng cho hay, việc tiêu thụ hải sản của tàu đóng theo Nghị định 67 đều là tiền mặt, không qua tài khoản ngân hàng, gây khó khăn cho việc quản lý dòng tiền và thu hồi nợ. Chính sách hỗ trợ mua bảo hiểm tàu theo NĐ67 vẫn còn bất cập, gây khó khăn cho ngư dân và rủi ro lớn cho ngân hàng thương mại.

Ông Lê Trí Thanh - Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam cho biết, đây là lần đầu tiên tỉnh tổ chức diễn đàn với mục địch để lắng nghe và chia sẻ những khó khăn của bà con ngư dân, từ đó sẽ có những giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho bà con yên tâm vươn khơi bám biển.

Ông Lê Trí Thanh nhấn mạnh: “Quảng Nam tỉnh luôn cập nhật và ban hành những chính sách để hỗ trợ bà con ngư dân. Ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước thì chúng tôi còn vận động các doanh nghiệp đóng góp kinh phí vào Quỹ hỗ trợ ngư dân để giúp đỡ khó khăn cho bà con khi gặp sự cố”.

Liên quan đến tin nhắn báo vị trí tàu đánh bắt xa bờ, ông Lê Trí Thanh cho rằng phản ánh của bà con hoàn toàn đúng nên ông đề nghị các sở ban ngành liên quan đề xuất UBND tỉnh giảm số lượng tin nhắn xuống và bố trí kinh phí để nâng cấp các trạm thu trong bờ.

“Tỉnh Quảng Nam sẽ luôn ủng hộ và đồng hành cùng với ngư dân để vươn khơi, phát triển kinh tế biển”, Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam nói.

Công Bính