1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Eo hẹp đón Tết

"Tết năm rồi tôi mua quà cho bố mẹ hai bên khoảng 400.000 - 500.000đ. Tết năm nay "đuối quá" nên vợ chồng dự tính mua quà Tết cho hai gia đình khoảng 250.000đ là dữ lắm rồi!".

Eo hẹp đón Tết - 1

 Mẹ con chị Nhỏ ưu tư khi nói đến chuyện Tết.

 

Đó là tâm sự của anh Phạm Quốc Sơn, công nhân Khu chế xuất (KCX) Tân Thuận, quận 7, TPHCM. Không chỉ anh Sơn, nhiều người lao động thậm chí là giới chủ, dân buôn bán cũng cắt giảm chi tiêu ngày Tết trong thời khủng hoảng.

 

Công nhân "liệu cơm gắp mắm"

 

Vợ chồng anh Sơn cưới nhau được gần 2 năm, vẫn ở trọ trên đường Huỳnh Tấn Phát, quận 7, TPHCM. Anh Sơn làm công nhân cơ khí chế tạo tại Công ty VMMP. Chị Huỳnh Thị Bé Duyên, vợ anh, làm công nhân Công ty CCHTop. "Lương vợ được khoảng 1,3 triệu đồng, còn tôi được gần 2 triệu đồng/tháng. Nếu tăng ca liên tục, tổng thu nhập cũng gần 3,7 triệu đồng. Có điều chi phí nặng lắm: Tiền nhà mất gần 800.000đ/tháng; còn ăn uống, sinh hoạt nữa nên Tết này tôi dư giỏi lắm chỉ 1,5 triệu là cùng" -  anh Sơn gãi đầu phân tích.

 

Chị Duyên đang lui cui làm bếp cũng dừng tay phụ họa: “Một lần đi chợ mất 50.000đ, nhưng hai vợ chồng ăn dè trong vòng từ 3 đến 4 ngày. Nếu ngày nào cũng đi chợ thì mỗi ngày phải tốn khoảng 30.000đ mới đủ ăn. Vợ chồng tôi cũng phải thu xếp làm trùng ca để đi một xe, đỡ tiền xăng. Tính cỡ đó mà Tết này cũng không dư nhiều".

 

Anh Sơn còn nói, thời điểm Tết năm nay anh và những công nhân làm cùng công ty không được nhận lương tháng 1/2009, nên tình hình càng "hẻo" hơn. Nguyên nhân là do Tết rơi vào ngày 26/1 nên lương tháng này qua Tết mới được nhận. "Vợ chồng tôi phải tính toán chi li vì tiền ít quá, dự trù chỉ sắm vài bộ đồ để mặc Tết và cho năm sau. Còn chút đỉnh để dành dằn túi đi đường về quê tận Đồng Tháp nữa chứ!", anh Sơn nói.

 

Với chị Bích từ Tiền Giang lên TPHCM làm ở 1 công ty liên doanh, chuyện phải “liệu cơm gắp mắm” trong chi tiêu ngày Tết còn rõ hơn. "Năm nay tui đặt mục tiêu ráng để dành tiền mua cái máy giặt làm quà cho mấy đứa em ở quê đỡ cực. Nhưng tình hình này chắc mua không được vì mấy đứa em  gọi điện lên nói rằng, dạo này buôn bán lặt vặt ế ẩm quá, khó mà lo đủ gạo củi mắm muối trong nhà, nên tôi phải "thủ" tiền để về trang trải gia đình trong ba ngày xuân”.

 

Trường hợp chị Huỳnh Thị Nhỏ, từ quê lên thuê nhà bán vé số còn thảm hơn. Mọi năm, chị vẫn kiếm được chút đỉnh tiền lo trữ gạo, thực phẩm ăn Tết. Nhưng năm nay, bán ế nên tiền lời chỉ đủ cơm gạo qua ngày. "Tui chưa có kế hoạch gì cả. Con gái tui làm công nhân may, công ty đó lại phá sản vỡ nợ, lương 2 tháng nay chưa trả. Lay lắt từng ngày chứ tiền đâu mà chuẩn bị Tết nhứt!"- chị Nhỏ chua xót.

 

Em Phấn, con gái chị Nhỏ đưa tờ giấy nợ lương tháng 9/2008 của Công ty may Tae Kyung Global Vina ra phân bua: "Tới giờ  mà Công ty vẫn nói chưa có tiền, em lại đang thất nghiệp, tâm trí nào mà nghĩ tới Tết".

 

Giới chủ không dám vung tay

 

Theo Bộ LĐ-TB&XH, hết năm 2008, cả nước có gần 30.000 lao động làm việc trong các doanh nghiệp bị mất việc làm do suy giảm kinh tế.

 

Bộ LĐ-TB&XH dự kiến với khoảng 150.000 người làm việc trong các doanh nghiệp bị mất việc làm trong 2009 và với mức hỗ trợ tối đa 3 tháng lương thì ngân sách nhà nước sẽ phải chi khoảng 900 tỷ đồng. 

Mấy năm trước, cứ dịp Tết là vợ chồng anh Lê Đức Công, chủ tiệm vải trên đường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú, TPHCM  "vi vu" mua sắm, sửa soạn nhà cửa. Năm nay buôn bán ế ẩm, nhất là những tháng cận Tết khiến anh chị rầu rĩ lo chuyện tiền bạc mà chẳng màng quan tâm đến Tết. "Mọi năm tôi cũng làm tất niên, rồi tân niên để bạn bè, khách hàng gặp mặt vui vẻ. Nhưng năm nay "hỏa" quá nên vợ tui góp ý cắt giảm tất. Phần vì bà xã cũng sắp sinh nên phải "ăn Tết nghèo" để dành tiền trang trải cho năm sau”.

 

Một khách hàng lớn của anh Công là anh Đức, chủ cơ sở may với hơn 30 nhân công cũng than thở chuyện Tết. Theo anh Đức, những năm trước, sau khi lo công cán cho thợ, Tết nào anh cũng dư trên 100 triệu đồng. Cả nhà vui vẻ, thoải mái, mua vé máy bay về Huế đón Tết là chuyện bình thường. Nhưng năm nay anh "lao đao" vì Tết. Hàng hóa tiêu thụ quá chậm nên phải chạy "hụt hơi" để chuẩn bị tiền trả công nhân.

 

"Người ta bỏ quê vào làm với mình cả năm, không đủ cũng phải vay mượn cho đủ. Còn chuyện nhà mình tính sau. Vợ tôi nói năm nay cha con tôi phải nằm nhà, có đủ dưa, cà, mắm, muối cho qua cái Tết này là mừng lắm rồi. Còn ra năm, tình hình này chắc tui phải xem lại việc sử dụng nhân công cho phù hợp. Cũng thương anh em lắm, gắn bó với mình bao nhiêu năm, nay bỏ ai giữ ai cũng tội..." -  ông chủ Đức kể.

 

Theo Đỗ Bá

Gia đình & Xã hội