1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Đường về Hà Nội của thịt thối

Được đưa về tới Hà Nội bằng đủ loại phương tiện, phải trải qua một quá trình sơ chế để che mắt người tiêu dùng và mua bán như phim trinh thám, các loại thực phẩm bẩn mới chính thức… lên mâm.

Muôn ngả đường buôn

 

Chiếc xe Euro Space vừa dừng lại, gã phụ xe vội vàng nhảy xuống mở cốp chứa đồ bên hông và lôi ra 2 bao tải khá vuông vắn quẳng xuống đất. Vừa bê giúp lên xe máy cho người nhận hàng, gã vừa làu nhàu: “Lần sau bảo bà Y. gói ghém cẩn thận rồi hãy gửi ô tô nhé. Lần sau mà nước chảy lép nhép thế này là không nhận nữa đâu”. Người phụ nữ nhận hàng vừa trả tiền vừa cười giả lả “Có chuyến này bị bục thùng xốp thôi chứ mấy chuyển trước có sao đâu. Mà chú cũng biết hàng đông lạnh hay bị chảy nước rồi còn gì?!”. Nghe người phụ nữ thanh minh, gã phụ xe đút tọt tiền vào túi và càu nhàu: “Mọi lần có bốc mùi và khiến khách đi xe nôn ọe khắp xe thế đâu. Hôm nay lại mất công tôi mang xe đi khử mùi!”.

 

Lân la vào quán nước trong bến cóc hỏi chuyện “Tại sao xe bốc mùi kinh thế?”, phóng viên được gã phụ xe cho biết chiếc “space” của nhà gã chạy tuyến Hà Nội – Lạng Sơn, mấy ngày nay ít hàng nên nhận thêm cả hàng “đông lạnh” để bù tiền xăng dầu. Gã bảo: “Chẳng biết làm sao mà 2 bao hàng hôm nay bốc mùi kinh thế? Mùi thối như thế rồi thì bán cho ai được?!”.

 

Nghe vậy, bà bán nước vui mồm góp chuyện: “Ôi dào, bán được hết. Họ mang về rửa sạch, tẩy dấm và cho tí bột khử mùi vào lại thơm như thường”. Hỏi kỹ ra mới biết, 2 bao tải hàng mới được lấy đi là “nầm bò” - món khoái khẩu của nhiều thực khách khi bước vào các quán đồ nướng rải rác khắp Hà Nội.

 

Không chỉ lựa chọn ô tô làm phương tiện vận chuyển, nhiều chủ buôn “hàng đông lạnh” từ biên giới Việt – Trung còn chọn tàu hỏa làm phương tiện vận chuyển vì ưu điểm “Giá cước rẻ, an toàn”; tuy không thể nhanh bằng ô tô, hàng càng để lâu càng dễ hỏng.

 

Theo bà K. – người có thâm niên gần chục năm trong nghề thì: “Tuy chậm hơn so với ô tô nhưng vận chuyển bằng đường sắt được nhiều, giá rẻ lại ít bị kiểm tra. Hàng hỏng và bốc mùi thì đã có chất tẩy mùi…”.

 

Sau khi về đến các điểm tập kết, nầm bò - nầm lợn - nội tạng động vật - chân trâu bò - chân gà… được các đầu mối tiêu thụ ở từng địa phương nhanh chóng bốc dỡ và đưa về kho. Tại Hà Nội, theo tìm hiểu của phóng viên thì có 2 điểm tập kết lớn là tại khu vực Mai Động và Long Biên. Tại điểm tập kết, “hàng đông lạnh” được tẩy rửa qua bằng nước lã, chút muối và dấm để có mã ngoài đẹp hơn trước khi giao cho các chủ quán, nhà hàng.

 

Tiếp tục trải qua một quá trình tẩy rửa, khử mùi, tẩm ướp gia vị của các đầu bếp, mỗi ngày có hàng tấn nầm bò - nầm lợn - nội tạng động vật - chân trâu bò, chân gà... đã sẵn sàng lên mâm phục vụ thói quen ăn uống của người dân.

 

Tôi mở quán chân gà, đồ nướng!

 

Thông qua vài mỗi quan hệ khá thân thiết, phóng viên đã có trong tay 2 số điện thoại của 2 chủ hàng khá lớn chuyên buôn “hàng đông lạnh” từ Trung Quốc về Việt Nam. Một chủ hàng ở chợ Châu Long chuyên buôn bán nội tạng và nầm bò - lợn, chủ hàng còn lại ở Mai Động chuyên buôn chân - cổ cánh gà và chân trâu bò.

 

Đường về Hà Nội của thịt thối
Nội tạng động vật thối được công an thu giữ trong một chuyến truy quét.

 

Trong vai một người đang muốn mở quán đồ nướng, phóng viên liên hệ với số điện thoại 0983xxxx88 của chủ hàng ở chợ Châu Long. Sau một hồi giở hết các loại “văn”, thậm chí còn nêu cả tên người cho số điện thoại ra để đối phó với những câu hỏi mang tính chất truy xét của người phụ nữ ở đầu dây bên kia, phóng viên cũng chỉ nhận được câu trả lời đầy nghi hoặc “khi nào chú cần hàng thì bảo cái M. nó gọi trước cho chị hoặc bảo nó lấy luôn cho mấy lần đầu. Dạo này chính quyền họ làm gắt lắm, chị không muốn bị “úp sọt”.

 

Tiếp tục liên lạc với số điện thoại 0913xxxx52 của chủ hàng ở Mai Động vẫn với chiêu “Em định mở quán chân gà nướng, được anh A. ở Lý Văn Phúc giới thiệu nên em liên lạc với anh để xem giá cả với lại chất lượng hàng thế nào?” nhưng sau gần 15 phút thương lượng, phóng viên cũng không thể nhận được một cuộc hẹn “xem hàng”.

 

Chủ nhân của số điện thoại 0913xxxx52 cũng chỉ trả lời ỡm ờ rằng: “Chú cần thì cứ liên lạc và cho địa chỉ, sẽ có người giao hàng và nhận tiền tại nhà. Nếu lấy từ 50kg trở lên sẽ được miễn phí giao hàng”.

 

Mang 2 lời từ chối “bán hàng” tới hỏi những người đã cho số điện thoại, phóng viên cũng chỉ nhận được lời giải thích rằng: “Mấy năm gần đây, do báo chí phản ánh nhiều, chính quyền làm rất mạnh tay với những người kinh doanh các loại sản phẩm từ động vật nhập lậu, không rõ nguồn gốc nên dân buôn ai cũng cảnh giác vì sợ bị “úp sọt”, không dám bán mạnh như trước mà chỉ tập trung giao hàng cho các mối quen từ trước hoặc những người mới bán hàng nhưng được mối quen lâu năm dắt đến tận nơi”.

 

Chị M. - chủ quán đồ nướng ở đường Kim Liên Mới - khẳng định: “Bản thân chị lấy hàng trên Châu Long đã gần 2 năm nay nhưng đến giờ vẫn chưa biết mặt mũi chủ hàng thế nào! Khi cần hàng thì gọi điện, cùng lắm là 1 tiếng sau sẽ có xe ôm giao hàng tận nơi! Giao dịch cứ lén lút như buôn bạc giả vậy”.

 

Chị M. thành thật: “Nhiều khi chấp nhận giá cao để nhập hàng ngon bán phục vụ khách rồi nhưng bản thân tôi cũng chẳng dám động đũa. Tôi chỉ ăn mấy món “nhà làm” này khi tự tay mình đi mua tại lò mổ thôi!”.

 

Theo M.Thành

 VietNamnet