1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. TPHCM "khát" cây xanh
  4. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai

Đường thành… bến

(Dân trí) - “Nam Định không? Nam Định không? Tới luôn!”, anh lơ xe vừa đứng hò giữa lòng đường Giải Phóng vừa khuơ chân múa tay để kéo bất kỳ người nào anh ta nghĩ là hành khách, kể cả những người đang ngồi sau xe máy…

Ra bến… tìm khách

Giờ xuất phát, các tuyến xe khách vừa ra khỏi bến lập tức bắt tay ngay vào công cuộc bắt khách dọc đường. Tốc độ của xe lúc này đúng là “rùa bò”, đi chậm nhất có thể để đón khách. Phụ xe nếu không nhảy hẳn xuống đường chèo kèo khách thì cũng luôn trong cảnh chân trên xe nhưng nửa người chơi vơi ra ngoài vừa vẫy vừa hô: “Về… không? Về luôn! Về luôn!”.

Đường thành… bến - 1
Xe khách ngang nhiên xếp hàng bắt khách trên đường Pháp Vân, phía ngoài bến xe Nước Ngầm. (Ảnh chụp chiều 30/8).

Đi chậm nhưng các xe cũng có thể nhấn ga vượt lên xe phía trước vì sợ xe bạn “hốt” hết khách. Hầu hết xe nào cũng lượn đi lượn lại vài ba vòng tìm khách trước khi thẳng tiến. Nhiều xe còn thản nhiên dừng lại ngay giữa đường kéo khách làm cho các phương tiện đang đi lại nếu không phanh gấp thì cũng phải lách sang một bên.

“Nam Định không? Nam Định không? Tới luôn!”, anh lơ xe vừa đứng hò giữa lòng đường Giải Phóng vừa khuơ chân múa tay để kéo bất kỳ người nào anh ta nghĩ là hành khách, kể cả những người đang ngồi sau xe máy… Đây là cảnh diễn ra hàng giờ ở đoạn đường quanh bến xe Giáp Bát. Bất kể đèn xanh hay đỏ phía trước, xe khách vẫn ngông nghênh chững lại làm người đi đường phải phát hoảng.
 
Đường thành… bến - 2
Đèn xanh, hai phụ xe này vẫn “chặn” người đi đường lại để… tìm khách. (Ảnh chụp chiều 30/8 trên đường Giải Phóng).

Chưa hết, nhiều phụ xe còn giữ luôn cả xe máy qua đây để kéo người ngồi đằng sau mà không cần biết người ta có đi hay không, làm người đi xe máy qua đây phải đẩy ra bằng được nếu không muốn bị kéo lên ô tô. Anh Thanh, trú tại Đại Từ (phường Linh Đàm, quận Hoàng Mai) nói: “Vợ chồng tôi đi làm qua đoạn đường này. Từ sáng đi làm đến chiều về hôm nào cũng bị mấy chú phụ xe vào Vinh, Thanh Hóa chặn lại, chị ngồi sau bị cả đoàn giẳng nhau. Đường này thành bến bắt khách mất rồi”.

Những cú đẩy kinh người

Bắt khách dọc đường các xe luôn lo… công an xuất hiện nên họ luôn nhanh tay nhay chân sao cho “túm” khách thật gọn, kể cả xe đang chạy thì vẫn có thể thả khách xuống và hốt khách lên. Thế nên, ở những “bến” bắt khách dọc đường cảnh đẩy khách lên xuống thường xuyên diễn ra. Hành khách luôn có nguy cơ gặp tai nạn bất kỳ lúc nào.

Trưa ngày 30/8, chưa đến nửa tiếng dừng tại ngã ba Phạm Văn Đồng - Hoàng Quốc Việt, điểm bắt khách quen thuộc của các tuyến xe đi Việt Trì, Thái Nguyên, Tuyên Quang Bái… đã diễn ra hai "cú" phụ xe đẩy khách lạnh cả người.
 
Đường thành… bến - 3
Hành khách này chơi vơi nửa người gần trăm mét mới lên hẳn xe. (Ảnh chụp trưa 30/8 tại ngã ba Phạm Văn Đồng - Hoàng Quốc Việt)

Chiếc xe 24 chỗ chạy tuyến Mỹ Đình - Tuyên Quang tiến đến hướng ngã ba, nơi có rất nhiều khách đứng đợi xe. Hai thanh niên mang dáng dấp là sinh viên chạy theo. Lúc đó, vì có cảnh sát giao thông phía bên kia đường Hoàng Quốc Việt nên xe khách không dám dừng lại hẳn, phụ xe không xuống xe mà nép bên cửa để khách tự nhảy lên. Một cậu lên rồi, cậu kia chuẩn bị bước chân lên thì xe đột nhiên tăng tốc. Anh phụ xe đứng ở cửa lập tức với lấy tay khách. Cậu thanh niên này chới với hơn nửa người lưng chừng phía ngoài, tay kia nắm chặt tay phụ xe cho đến khi xe đi được một đoạn đường gần trăm mét thì mới lên xe hẳn.

Chưa đến mười phút sau, một tuyến xe Mỹ Đình - Việt Trì sà sà tiến lại, cánh cửa vừa mở ra lập tức một cô gái đang đứng ở cửa bị anh phụ xe đẩy mạnh xuống, ngã nhào ngay giữa đường. Trước khi chiếc xe vọt đi vẫn còn nghe rõ tiếng anh phụ xe lẩm bẩm: “Con điên!”. Cô gái bò dậy, hai đầu gối bị xước đến mức chảy cả máu. Cô nhăn mặt vì đau, đưa tay xoa xoa đầu gối, mặt tái mép: “ “Em lên xe ở trước bến Mỹ Đình, đi Việt Trì mà đòi 60.000 đồng, bình thường chỉ 35- 40.000 đồng. Cãi nhau một lúc em không chịu nên bị đẩy xuống. May mà chỉ bị thế này, đầu mà chấn xuống đường thì chỉ có chết”.
 
Đường thành… bến - 4
Dù không về Hà Tĩnh, cuối cùng cô gái này cũng bị “hốt” lên tuyến xe Kỳ Anh - Hà Nội. (Ảnh chụp chiều 30/8 tại đường Pháp Vân)

Buổi chiều, lúc 4h30, ngay bên ngoài bên xe Nước Ngầm, trên đoạn đầu đường Pháp Vân, một cô đứng chờ xe bị đến bốn phụ xe nhào vô chèo kéo. Và mặc dù cô đã lắc đầu nguầy nguậy : “Không, cháu không về Hà Tĩnh” thì một anh phụ vẫn “bế” hẳn cô lên chiếc xe đi Kỳ Anh. Cô gái vùng vẫy chống cự thì chiếc xe đã lao vọt đi.

Hành khách tự… “hành” mình

Không ai bắt hành khánh đứng bắt xe dọc đường để rồi phải gặp những cảnh dở khóc dở cười, bị chặt chém như vậy mà chính họ… thích như thế. Không tài nào giải thích nổi rất nhiều người ngại vào bến xe mua vé, trong khị họ lại đứng ngay phía trước, chỉ cách bến xe vài bước chân để bắt xe.
 
Đường thành… bến - 5
Thói quen bắt xe dọc đường, chính hành khách đang tự “hành” mình.

Đứng ngay bến xe buýt trước bến xe Mỹ Đình để bắt xe về Yên Bái người đàn ông tên Hải xuống Hà Nội làm thợ xây, nói: “Tôi chưa vào bến xe mua vé bao giờ nên không hiểu biết thế nào. Đứng ngoài này đợi cho… tiện”. Tuy nhiên không chỉ anh Hùng mà có rất nhiều người đứng ngay trước bến xe để chờ xe. Trung, sinh viên trường ĐH Kiến Trúc thật thà: “Em đi xe buýt từ nhà, xuống đây nên chờ xe luôn, lười vào bến lắm!”.

Ông Nguyễn Mạnh Tiến, Giám đốc bến xe Mỹ Đình bày tỏ: “Ý thức của hành khách rất thấp, nhiều người có thói quen đứng ngoài đường chờ xe chứ nhất quyết không vào bến mua vé, trong khi các xe thu tiền bát nháo, hành khách thường xuyên bị chặt chém, lại không có ghế ngồi. Mà ngoài phạm vi bến xe, chúng tôi không thể quản lý hết được”.

Xem ra, tự hành khách đang “hành” mình chứ không ai bắt họ phải… khổ như thế cả!

Bài và ảnh: Hoài Nam