1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Đường hoàn lương gập ghềnh của “cô gái HIV”

Nghiện ngập rồi đi tù vì tội buôn bán ma túy, lại phát hiện đang mang trong mình căn bệnh thế kỷ, T. nghĩ cuộc đời với mình thế là hết…

Quá khứ lỗi lầm

 

Lấy chồng từ năm 16 tuổi, đến năm 23 tuổi, Cao Thu T. (SN 1982, ở quận Đống Đa, Hà Nội) bị bắt và bị kết án 4 năm tù vì tội buôn bán ma túy.

 

Hết thời gian thụ án, tháng 5/2009, T. trở về với hai bàn tay trắng. Khó khăn lắm, T. mới tìm được gia đình đã thất lạc thì lại biết tin chồng đã qua đời trong thời gian T. ở trại. Mất nhà cửa, mất chồng... T. dường như trắng tay.

 

Những ngày mới từ trại trở về, T. sống trong thất vọng ê chề, không thoát khỏi cảm giác tự ti của một “con nghiện đi tù”.

 

Đường hoàn lương gập ghềnh của “cô gái HIV” - 1
T. (áo xám) gấp quần áo đã qua giặt khô để chuẩn bị giao hàng cho khách.

 

Căn phòng nhỏ chừng 10m2 nhưng là nơi cư trú, sinh hoạt của 5 người; bố mẹ, T. và hai đứa con nhỏ. Mới ra tù, thật khó để T. bắt đầu làm lại cuộc đời, trong khi tất cả chỉ trông chờ vào những buổi tối nhặt rác trên tàu của mẹ T. T. phải đi kiếm việc làm. Lần đầu tiên T. được nhận làm người giúp việc, tuy tiền lương không nhiều nhưng ít nhất nó là những bước đầu tiên để T. làm lại cuộc đời.

 

Đi giúp việc được 2 tuần, T. đến bệnh viện thử máu theo yêu cầu của chủ nhà và lặng người trước kết quả: dương tính với HIV. Phía trước T. không có tương lai: con nghiện, mới ra tù, viêm gan, nhiễm HIV.

 

“Hạnh phúc đựng trong một tà áo hẹp”

 

T. tâm sự: “Thực sự T. cũng không biết mình mắc căn bệnh từ đâu và từ khi nào? Lúc cầm kết quả trên tay, T. không còn nghĩ được gì cho mình nữa. Ý nghĩ đầu tiên xuất hiện trong đầu là liệu hai đứa nhỏ có bị nhiễm căn bệnh này?”.

 

May mắn là hai con T. đều khỏe mạnh. Niềm vui lớn không đủ giúp T. vượt qua mặc cảm. Với sự xa lánh của người đời, T. dần nhốt mình trong nhà, tách khỏi xã hội.

 

“T. sợ sự dè bỉu của tất cả mọi người, sợ sự quay lưng của xã hội lắm...” - T. mím chặt môi: “T. đã cố làm tất cả mọi việc, từ bán nước, nhặt rác, và đẩy xe rác thuê, nhưng không việc nào được suôn sẻ, chán nản, tuyệt vọng lắm”.

 

Sau đó, được sự giúp đỡ về tinh thần của các cô, các chú trong một tổ chức nhân đạo, T. bắt đầu lấy lại niềm tin cho chính mình. Sau suốt quãng thời gian đi bộ khắp thành phố Hà Nội tìm việc làm và tham gia các CLB chia sẻ, T. được các cô chú cho 100 nghìn để mua chiếc xe đạp cũ.

 

Sau quãng thời gian tìm việc gian nan, T. tìm đến hiệu giặt là của chị Đặng Bích Nga. Đây là nơi cưu mang, cũng là nơi đem lại công việc cho 5 người phụ nữ là nạn nhân của bạo hành gia đình. Năm con người, năm số phận: người mất chồng, người mất con, người “mắc lỗi” sinh con một bề,…

 

“Tại cửa hiệu giặt là, thu nhập cho cả năm người không thể đáp ứng đủ nhu cầu của cuộc sống cho các chị em, nhưng thôi thì đều là những số phận đáng thương, các chị em cưu mang lẫn nhau, có ít ăn ít, có nhiều ăn nhiều” - chị Nga, chủ cửa hiệu tâm sự.

 

Để có thêm thu nhập, chị Nga phải kiếm thêm việc gấp vàng mã cho chị em. Trong 5 chị em ở tiệm giặt là, T. nhỏ tuổi nhất nhưng có lẽ là người khó khăn nhất vì một nách hai con lại mang bệnh, không thuốc thang chạy chữa. Với thu nhập của T. hiện nay, thì việc mua thuốc để khống chế bệnh là không tưởng.

 

T. tâm sự, với T. những lỗi lầm trong quá khứ đã không thể lấy lại, ân hận cũng đã quá muộn màng. Vì thế quãng đời dù ngắn ngủi còn lại T. cũng sẽ làm một người lương thiện, làm những công việc lương thiện dẫu rằng phía trước còn lắm chông gai.

 

Theo VieNamnet