1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em:

"Đừng để mất bò mới lo làm chuồng"

(Dân trí) - Về vụ việc cháu Hảo bị bạo hành, chủ tịch và cán bộ tư pháp xã phải chịu trách nhiệm chính về sự buông lỏng quản lý tại địa phương. Tại sao một bà mẹ lại hành hạ con mình như thế? Câu trả lời đang chờ ngành công an, tư pháp giải đáp.

Đó là khẳng định của bác sĩ Nguyễn Trọng An - Phó Cục trưởng Cục bảo vệ, chăm sóc trẻ em - Bộ Lao động Thương binh Xã hội trong cuộc trao đổi riêng với Dân trí.

Ngày 29/9, ông Nguyễn Trọng An đã làm việc với chính quyền địa phương tại Bình Phước về công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em. Ông An đã đến bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Phước thăm và tặng đường, sữa kèm số tiền 2 triệu đồng của Quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam cho cháu Hảo.

Thưa ông, hiện nay, rất nhiều nhà hảo tâm muốn cháu Hảo có một mái ấm gia đình thật sự, không ít người muốn nhận cháu làm con nuôi. Tuy nhiên, lãnh đạo tỉnh lại chủ trương sẽ đưa cháu vào Trung tâm bảo vệ chăm sóc người già và trẻ em mồ côi của tỉnh, nhiều bạn đọc không đồng tình với chủ trương này. Ông suy nghĩ như thế nào?

Chúng ta không thể tự ý cho cháu Hảo làm con nuôi của một người nào đó vì trên thực tế, cháu vẫn còn cha mẹ. Ở nước ngoài, chính quyền có thể tước quyền nuôi con của cha mẹ nếu như cha mẹ bạo hành con. Còn ở Việt Nam ta chưa có quy định này.

Vụ án đang trong quá trình điều tra, làm rõ cha mẹ của cháu Hảo là ai, vì vậy, trước hết phải cho cháu chữa bệnh và tạm lánh tại bệnh viện.

Phương án tốt nhất là đưa cháu vào cộng đồng người thân theo kiểu “gia đình thay thế”. Tức là, đưa cháu cho những người thân như cô, dì, chú bác chăm sóc dưới sự giám sát của cộng đồng.

Phương án tốt nhất là đưa cháu vào cộng đồng người thân theo kiểu “gia đình thay thế”. Tức là, đưa cháu cho những người thân như cô, dì, chú bác chăm sóc dưới sự giám sát của cộng đồng.

BS Nguyễn Trọng An

Còn chủ trương của tỉnh là đưa cháu Hảo vào Trung tâm bảo vệ, chăm sóc người già và trẻ em mồ côi để nuôi dưỡng, cách ly gia đình, thực tế, sẽ cô lập cháu, trong khi cháu vẫn còn cha mẹ. Đây chỉ là phương án cuối cùng mà thôi. 

Là một bác sĩ chuyên khoa nhi, ông nhận thấy tình hình sức khỏe và công tác chữa trị cho cháu Hảo như thế nào?

Cháu Hảo bị suy dinh dưỡng nặng. Ở độ tuổi như cháu phải đạt trọng lượng từ 15 đến 18kg, nhưng cháu mới chỉ được 10kg.

Con mắt cháu có vẻ ngơ ngác là biểu hiện của sự rối loạn tâm thần nên rất cần sự hỗ trợ chữa trị tâm lý cho cháu. Các cháu bị bạo hành, sỉ nhục, xâm hại… sẽ có sự “rối nhiễu về tâm lý” ở mức độ nặng nhẹ khác nhau. Nên sau khi chữa trị về thể chất cần điều trị tinh thần cho cháu.

Hiện bệnh viện đã cử hộ lý thay thế chăm sóc cháu. Tôi nghĩ, cần một người bình thường chăm sóc thì tốt hơn. Vì hộ lý trong trang phục của bệnh viện sẽ tạo một sự ngăn cách nào đó so với một người ăn mặc bình thường. 

"Đừng để mất bò mới lo làm chuồng" - 1

Ông An trao quà để hỗ trợ chăm sóc cháu Hảo cho các bác sĩ tại Bệnh viện đa khoa Bình Phước.

 

Qua sự việc đau lòng này, dư luận đặt ra hoài nghi, phải chăng hệ thống chăm sóc trẻ em phối hợp không đồng bộ?

Trong suốt thời gian vừa qua, trẻ em cả nước được chăm sóc tốt hơn. Nhiều trẻ được khám chữa bệnh miễn phí. Những trẻ bị tim bẩm sinh, da cam, tàn tật, hở hàm ếch… đều được phẫu thuật miễn phí. Trường hợp cháu Bình bị vợ chồng quán phở hành hạ, bảo mẫu Quảng Thị Kim Hoa cho các cháu ăn cơm trong những cái tát, bốp, bé Hảo bị mẹ cắt gân tay, chân… là những con sâu làm xấu đi công sức của việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em.

Việc cháu Hảo và cháu Trang (chị bé Hảo) được đưa về ở với bà Mỳ, ông Tước trong một thời gian dài mà không có trong sổ hộ khẩu gia đình, không có giấy khai sinh, theo ông, trách nhiệm thuộc về ai?

Chủ tịch xã và cán bộ tư pháp xã phải chịu trách nhiệm chính về sự buông lỏng trong công tác quản lý này. Hiện cả nước có 5 - 7%  trẻ em không có giấy khai sinh. Tuy nhiên, trong quá trình rà soát để cấp sổ khám chữa bệnh cho trẻ em dưới 6 tuổi thì các cán bộ phải phát hiện ra trẻ nào chưa có giấy khai sinh chứ.

Chúng ta hãy đặt ra câu hỏi, tại sao một cháu bé bị hành hạ đau đớn như thế mà khi tỉnh dậy, lẽ ra cháu phải nói là “Mẹ ơi, con đau chỗ này, chỗ kia” chứ sao lại nói “Cho con tiền”. Chúng ta có quyền nghi vấn cháu từng bị chăn dắt đi ăn xin. “Hổ dữ còn không ăn thịt con” mà. Vậy tại sao một bà mẹ lại hành hạ con mình như thế. Câu trả lời đang chờ đợi ở công an, tư pháp.

Tôi đánh giá cao báo điện tử Dân trí đã đưa nhiều thông tin nhanh, chính xác về vụ bạo hành này.


Bác sĩ Nguyễn Trọng An - Phó Cục trưởng Cục bảo vệ, chăm sóc trẻ em

Ông đánh giá như thế nào về phản ứng của chính quyền địa phương trong vụ việc này?

Cách xử lý của chúng ta là kịp thời. Các ngành đã vào cuộc đồng bộ và cháu Hảo đã được chăm sóc chu đáo. Ngoài ra, tôi cũng mong muốn ngành Lao động - Thương binh & Xã hội phải năng động hơn nữa, phải nghiên cứu để có sự phối hợp đồng bộ. Biết tận dụng mạng lưới cộng tác viên của Ủy ban dân số, vận động họ tiếp tục làm công tác trẻ em và tìm nguồn hỗ trợ cho lực lượng này.

Trước nhiều thông tin khác nhau về nguồn gốc, sự thật về cháu bé, công tác điều tra cũng cần được triển khai nhanh chóng hơn để có kết quả chính xác nhất.

Qua chuỗi những vụ trẻ em liên tục bị bạo hành trong thời gian qua, đứng về góc độ của Cục bảo vệ, chăm sóc trẻ em, Cục làm gì để hạn chế vấn nạn này?

Chúng tôi đang xây dựng đề án Chiến lược quốc gia về Phòng chống tai nạn thương tích trẻ em (PC TNTTTE) trong giai đoạn 2015-2020. Đó cũng là cam kết của Việt Nam với thế giới là xây dựng một thế giới của trẻ em.

Bình Phước là một trong 3 tỉnh được lựa chọn làm điểm trong giai đoạn từ nay đến hết năm 2010. Lý do vì đây là một tỉnh nghèo khó nhưng tỷ lệ thương tích ở trẻ em cao. Đây là mô hình có sự phối hợp giữa Bộ lao động Thương binh & Xã hội, Bộ Y tế, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam và Ủy ban các vấn đề xã hội… Mô hình được xây dựng theo 3 tiêu chuẩn: ngôi nhà an toàn, nhà trường thân thiện và cộng đồng an toàn.

Trước đây, chúng ta có khoảng 162.000 cộng tác viên làm công tác gia đình của Ủy ban Dân số Gia đình và trẻ em trên toàn quốc thì những vụ bạo hành, ngược đãi trẻ em sẽ được phát hiện sớm và có phương pháp phòng ngừa. Hiện chúng tôi đang cố gắng kiện toàn lại đội ngũ này để bù lấp lại khoảng trống trong công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em.

Là một Phó Cục trưởng Cục bảo vệ, chăm sóc trẻ em, đồng thời là Giám đốc Dự án CIP - UNICEF, ông suy nghĩ như thế nào về vụ cháu Hảo bị bạo hành?

Bản thân tôi vô cùng bức xúc khi nghe thông tin này. Tại sao có những con người đi hành hạ trẻ con tàn nhẫn như vậy. Có người nói bà mẹ đó bị tâm thần nhưng theo tôi thì không phải. Mong sao đừng xảy ra những trường hợp tương tự như thế này nữa. Để có được điều đó, đã đến lúc toàn bộ các ngành vào cuộc, làm tốt công tác tuyên truyền chăm sóc và bảo vệ trẻ em và hơn hết phải có biện pháp phòng ngừa bạo hành trẻ em là chính. Đừng để mất bò mới lo làm chuồng.

Ông đánh giá như thế nào về vai trò của báo chí trong vụ bé Hảo bị bạo hành này?

Có thể nói, các phương tiện truyền thông đã vào cuộc rất nhanh, mạnh mẽ và theo sát vụ việc. Báo giấy còn hạn chế về thông tin. Tôi đánh giá cao báo điện tử Dân trí đã đưa nhiều thông tin nhanh, chính xác về vụ bạo hành này.

Chính sự vào cuộc mạnh mẽ của báo chí đã quay vào tác động các ngành chức năng phải nhanh chóng vào cuộc để cùng giải quyết vụ việc này.

Xin cảm ơn ông!

Công Quang thực hiện