1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Dự án Formosa, Núi Pháo được đưa vào kiểm soát đặc biệt

(Dân trí) - Bộ Tài nguyên và Môi trường dự kiến khoảng 28 cơ sở được đưa vào kiểm soát đặc biệt, trong đó có Formosa, Bauxite Tây Nguyên, khai thác quặng đa kim Núi Pháo (Thái Nguyên),… “Đây là những cơ sở tương đối đặc thù, tầm ảnh hưởng lớn nếu không kiếm soát tốt vấn đề môi trường thì có nguy cơ gây ra sự cố môi trường, tác động tới nhiều người dân”- Phó Tổng cục Môi trường Hoàng Văn Thức nói.

Ông Hoàng Văn Thức.
Ông Hoàng Văn Thức.

Ông Hoàng Văn Thức - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết, sau sự cố môi trường biển miền Trung, để tránh bị động trong công tác quản lý nhà nước, Bộ này đã lập danh mục những cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm cao tương tự như Formosa để đưa vào diện kiểm soát đặc biệt.

Qua rà soát, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã dự kiến khoảng 28 cơ sở đưa vào kiểm soát đặc biệt, trong đó có Formosa, Bauxite Tây Nguyên, khai thác quặng đa kim Núi Pháo (Thái Nguyên),…

“Đây là những cơ sở tương đối đặc thù, tầm ảnh hưởng lớn nêu không kiếm soát tốt vấn đề môi trường thì có nguy cơ gây ra sự cố môi trường, tác động tới nhiều người dân”- ông Thức nói.

Cũng tại đề án này, Bộ Tài nguyên và Môi trường dự kiến phối hợp với các địa phương để đưa vào mức kiểm soát đặc biệt ở mức thấp hơn với khoảng 300 dự án. Các địa phương sẽ triển khai định kỳ kiểm tra, giám sát hoạt động, công tác bảo vệ môi trường tại các cơ sở này.

Liên quan đến thông tin báo chí phản ánh về việc có hay không chuyện “ưu ái” tiêu chuẩn khí thải với Formosa, ông Hoàng Văn Thức cho biết Bộ Tài nguyên và Môi trường đã rà soát lại toàn bộ thủ tục về cấp phép, các văn bản quy định trong thủ tục đầu tư, ĐTM (đánh giá tác động môi trường), các quy chuẩn bảo vệ kỹ thuật môi trường.

“Nội dung được ghi nhận là tồn tại và có mức gây lỗi đã được Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, Bộ Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, kết luận và xử lý công khai trách nhiệm của những tập thể, cá nhân liên quan trong thời gian vừa rồi”- ông Thức nói.

Sau sự cố do Formosa gây ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tiến hành rà soát 44 quy chuẩn môi trường quốc gia và báo cáo Bộ trưởng Bộ này ban hành lại 28 quy chuẩn quốc gia. Theo ông Thức, từ nay tới hết năm 2017 sẽ trình ban hành 9 quy chuẩn đã được Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định, trong đó có 3 quy chuẩn liên quan đến ngành thép (khí thải, nước thải và trầm tích đáy). Các quy chuẩn còn lại sẽ được Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành trong năm 2018 sau khi có ý kiến của Bộ Khoa học và Công nghệ.

“Mục tiêu là kiểm soát chặt chẽ hơn về môi trường nhưng vẫn đảm bảo hài hoà các ngành sản xuất. Quy chuẩn này liên quan đến ngưỡng, phụ thuộc vào các công nghệ sản xuất. Không có đặc cách, đặc thù cho ai trong xây dựng quy chuẩn này cả. Quy chuẩn môi trường được xây dựng đứng trên bình diện quốc gia nhằm đảm bảo cho các doanh nghiệp hoạt động đúng quy định pháp luật”- ông Thức thẳng thắn.

Hệ thống ống khói tại các lò thiêu kết của Formosa đang xả thải vượt ngưỡng quy chuẩn Việt Nam nhiều lần (Ảnh: Tiền Phong).
Hệ thống ống khói tại các lò thiêu kết của Formosa đang xả thải vượt ngưỡng quy chuẩn Việt Nam nhiều lần (Ảnh: Tiền Phong).

Trong quá trình rà soát, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nhận diện một số vướng mắc, bất cập của Quy chuẩn 51, trong đó có quy định hàm lượng oxy tham chiếu là 7% nhưng không nêu rõ việc áp dụng cụ thể đối với từng loại công nghệ, công đoạn sản xuất và nhiên liệu sử dụng.

“Tổ soạn thảo đã đề xuất các nội dung sửa đổi Quy chuẩn 51, trong đó có xem xét đến các yếu tố công nghệ của các nhà máy đã đầu tư trước đây và các nhà máy mới để đảm bảo việc đồng thời đáp ứng yêu cầu phát triển ngành thép gắn với bảo vệ môi trường”- ông Thức cho hay.

Trước đó vào năm 2014, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản cho phép Formosa áp dụng hàm lượng oxy tham chiếu 15%, trong khi theo Quy chuẩn 51 chỉ cho phép 7% như trên.

Trong thông cáo báo chí mới đây, Tổng cục Môi trường khẳng định, việc sửa đổi Quy chuẩn 51 với đề xuất hàm lượng oxy tham chiếu cho công đoạn thiêu kết là 15% “không phải để hợp thức hoá cho Formosa”.

“Quy chuẩn đưa ra áp chung cho một ngành chứ không phải để điều chỉnh riêng cho doanh nghiệp nào. Không có đặc cách đặc thù cho ai cả. Dự án Formosa Hà Tĩnh cũng phải đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường của quốc tế”- ông Thức nhấn mạnh.

Trả lời thắc mắc của báo chí xung quanh việc Formosa mời một đoàn công tác gồm nhiều cán bộ của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Môi trường (có cả người thân đi cùng) đi du lịch nước ngoài kết hợp tham quan, “học hỏi” ngay sau khi được cấp các giấy phép hoạt động, duyệt ĐTM, ông Hoàng Văn Thức cho rằng vấn đề này đã được Uỷ ban Kiểm tra Trung ương kết luận. Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm và đã có báo cáo xử lý theo quy định pháp luật.

Thế Kha - Trần Thanh